Gia đình tôi có ba anh em trai, trong đó anh Hai tôi là con nuôi, tôi là út. Ba tôi làm giáo viên, mẹ buôn bán ngoài chợ. Hai người tích góp cả đời được vài mảnh đất. Ba mẹ cũng nói với chúng tôi là chắt chiu, dành dụm sau này để lại hết cho các con chứ không cho ai khác. Thế nhưng, đến nay, họ đã gần 70 tuổi rồi mà vẫn chưa giao tài sản lại cho đứa con nào cả.
Anh Hai tôi biết mình thân phận con nuôi nên cũng không đòi hỏi bất cứ điều gì, mặc dù hoàn cảnh kinh tế của anh rất khó khăn. Còn anh Ba cũng chỉ làm việc lao động chân tay, cuộc sống vô cùng vất vả. Năm ngoái, anh có hỏi vay tiền tôi để mua một mảnh đất dọn ra ở riêng. Anh cũng nhiều lần phàn nàn với mẹ rằng: "Ba mẹ tích của nhưng giờ không cho, đợi lúc con cái già rồi mới cho thì còn làm được gì nữa?".
Tôi ngẫm thấy anh nói cũng chẳng sai. Bản thân tôi từ lúc học xong đại học, ra trường đi làm tới nay cũng đều là tự lập. Ban đầu, lương còn thấp nhưng tôi cũng tích góp được một chút. Sau đó, mẹ nói cần tiền để mua đất, tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì, gửi hết về cho mẹ. Đúng nghĩa là tôi gửi tất cả những gì mình có. Nên xong xuôi, trong tay tôi không còn một đồng nào.
>> Anh em tôi nhận thừa kế từ năm 20 tuổi
Sau đó một thời gian, tôi lập gia đình. Toàn bộ chi phí cưới xin, hay sau này mua nhà, mua xe... đều là một tay tiền tôi tự làm ra được chứ không xin của cha mẹ đồng nào. Vì trong đầu tôi luôn suy nghĩ một điều rằng sẽ chứng minh cho con cái mình sau này rằng "ba của con là một người đàn ông tự lập, không cần giúp đỡ của ai vẫn có thể thành công". Đó cũng là lý do tôi không ngó ngàng gì tới tài sản của ba mẹ, mặc dù chính tôi cũng có đóng góp một phần vào đó.
Tôi vẫn luôn động viên mẹ rằng: "Mẹ cứ bán đất đi, rồi lấy tiền đó gửi vào ngân hàng, rút lãi ra mà hưởng thụ, mỗi năm đi du lịch vài nơi, sống thoải mái, vui vẻ tuổi già là được". Chính tôi cũng đều đặn gửi tiền về hàng tháng cho ba mẹ hai bên nội ngoại để chi tiêu. Và tôi cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch cho tương lai để làm sao bản thân không trở thành gánh nặng cho con cái, để tụi nhỏ được tự do bay nhảy, không phải lo nghĩ cho hai ông bà già.
Tôi tâm niệm đầu tư giáo dục cho con cái quan trọng hơn là để tài sản thừa kế. Thế nên, tôi luôn cố gắng tạo cho con môi trường giáo dục tốt nhất trong khả năng. Nếu sau này, tôi vẫn còn dư một chút tài sản thì nhất định sẽ chia đều cho mỗi đứa con (có lẽ tôi sẽ lén cho con gái đầu của mình nhiều hơn một chút). Nhưng tôi hy vọng các con sẽ tiếp nối được tư tưởng của mình và không đòi hỏi nhiều từ ba mẹ. Có của để cho thì tốt, còn không thì cũng không sao, nghĩ vậy cho cuộc đời nó nhẹ nhàng, gia đình yên ấm.
* Bạn sẽ dành tài sản cho con làm vốn hay để chúng tay trắng vào đời?
Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
- Có ba nhà Sài Gòn nhưng để con tay trắng vào đời
- Trả giá đắt vì bán nhà thừa kế
- 8 tuổi đã có thừa kế nhưng tôi không 'bẻ đất ăn dần'
- 'Cả đời gom tiền mua đất để dành thừa kế cho con'
- Tôi không cần tài sản thừa kế bố mẹ cả đời tích lũy
- Gia đình tôi yên ổn khi cha mẹ chia đều thừa kế