Bên cạnh hình ảnh người cha, người mẹ hân hoan chìa mẩu giấy có dấu đỏ và dòng chữ "Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường", cảnh đối nghịch là những gương mặt rầu rĩ của phụ huynh bốc phải lá phiếu "Bé đã không trúng tuyển".
Phường Hoàng Liệt tính đến tháng 7/2022 có hơn 8.150 trẻ trong độ tuổi mầm non. Khu vực này tăng dân số nhanh, mỗi năm thêm khoảng 2.000 trẻ nhưng chỉ có một trường mầm non công lập duy nhất, đáp ứng được gần 20% số trẻ. Hơn 80% còn lại sẽ theo học tại các cơ sở giáo dục tư thục.
Hơn một tháng trước, gia đình tôi cũng từng sống trong căng thẳng với một cuộc đua khác - vào lớp 10 công lập. Trong gần 129.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, Hà Nội chỉ có thể cung cấp khoảng 77.000 suất học lớp 10 công lập (gần 60%). Hệ thống tư thục đáp ứng được 27.000 chỗ. Số còn lại sẽ theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.
Trong khi mệt mỏi chờ con trước cổng trường thi, một phóng viên hỏi tôi về "tâm trạng", tôi đã chia sẻ, tâm trạng của tôi hay những phụ huynh cùng cảnh ngộ là điều rất dễ hình dung. Còn nguyện vọng của tôi là trong các năm tới, con cái chúng ta không phải trải qua những cuộc vật lộn tìm chỗ học như thế này nữa. Nhưng thực tế bày ra trước mắt tôi có thể còn tệ hơn: trẻ bước vào cuộc đua giành quyền đến trường công từ tuổi còn bú mớm.
Bốc thăm công khai hay thi tuyển đều là những cách hợp lý để giải quyết vấn đề cung nhiều hơn cầu. Giáo dục mầm non (dưới 5 tuổi) không phải là giáo dục bắt buộc ở Việt Nam. Nhưng quyền học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, đặc biệt là với trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định: Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục.
Với sự chênh lệch chi phí đào tạo giữa hệ thống giáo dục công lập và tư thục hiện nay, tình trạng thiếu trường công lập ở các cấp học rõ ràng ảnh hưởng lớn đến quyền bình đẳng học tập của những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình hạn hẹp về điều kiện tài chính.
Tôi đã nghe những cách giải thích, chẳng hạn: do lớp trẻ sinh vào năm Lợn Vàng 2007 tăng đột biến, dẫn đến quá tải và thiếu trường học cho lớp 10; hoặc đề nghị "cho trẻ mầm non vào học trường tư" (để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục). Nhưng đây là cách nhìn vấn đề ở phần ngọn, thậm chí đẩy trách nhiệm về phía người dân, trong khi nguyên nhân sâu xa của thực trạng này xuất phát từ những bất cập trong quy hoạch và quản lý đô thị.
Nhiều năm trước, trong khi triển khai đề tài nghiên cứu "Xác định chỉ tiêu và tiêu chí quy hoạch kiến trúc, kiểm soát xây dựng phát triển đối với công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử", chúng tôi đã nhìn thấy nguy cơ lớn từ tình trạng "xen cấy" công trình cao tầng trong nội đô từ đường vành đai 2 trở vào, cũng như sự bùng nổ các công trình cao tầng ngoài vành đai 3, không theo đúng Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 và quyết định 1259 của Chính phủ.
Với khu vực nội đô lịch sử - gồm 6 quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ - tính tới năm 2017, có tới 117 cơ sở, xí nghiệp, nhà xưởng cũ... được lập kế hoạch chuyển đổi để tái xây dựng. Các khu đất này trong đồ án quy hoạch chung đều có chủ trương ưu tiên để xây dựng bổ sung công trình trường học các cấp. Tuy nhiên, đến năm 2019, đã có khoảng 70 trường hợp chuyển đổi và phần lớn được điều chỉnh cục bộ để xây dựng các công trình chung cư cao tầng theo kiểu "xen cấy" - tận dụng hạ tầng và công trình tiện ích sẵn có mà không bổ sung, đồng thời còn xây thêm nhiều khu chức năng tập trung đông người như trung tâm thương mại dịch vụ, rạp chiếu phim...
Khu vực ngoài đường vành đai 3, tại quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, các khu đô thị mới với hàng loạt chung cư cao tầng (phần lớn 15- 45 tầng) khánh thành hàng năm. Trong số này, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố năm 2022, khoảng 31 công trình xây dựng sai phép hoặc được điều chỉnh tăng vượt số tầng cao, phá vỡ cấu trúc tổng thể đô thị so với các chỉ tiêu về dân số (đến năm 2050 tối đa khoảng 10,8 triệu người).
Dân số Hà Nội được dự báo tiếp tục tăng nhanh, sớm đạt mốc 10 triệu người vào năm 2030 (thay vì năm 2050 như chỉ tiêu) khiến tình hình quá tải và thiếu công trình tiện ích, hạ tầng đô thị sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Vấn đề vì vậy phải được giải quyết từ gốc, với nhiều giải pháp đồng bộ như: giám sát chặt chẽ việc phát triển nhà cao tầng; hạn chế điều chỉnh cục bộ - xây dựng trái phép làm gia tăng khối tích chiều cao các công trình; hạn chế chuyển đổi xây dựng xen cấy nhà khu vực nội đô; triển khai gia tăng đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và công trình tiện ích như trường học, bệnh viện; đặc biệt là hạn chế xây dựng các đô thị "phòng ngủ" - chỉ gồm các tòa chung cư mà không có công trình tạo công ăn việc làm, cũng như tiện ích công cộng để hạn chế tình trạng người dân dịch chuyển giao thông kiểu "con lắc" từ nơi ở bên ngoài vào nội đô và ngược lại.
Không thể để phụ huynh, đặc biệt là những đứa trẻ vừa cai sữa, gánh chịu hậu quả từ sự yếu kém trong khả năng quy hoạch và sự buông lỏng quản lý đô thị của nhà chức trách.
Phạm Hoàng Phương