"Chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều ca đột tử trên sân đấu thể thao. Những vận động viên sử dụng mildronate (tên khác của meldonium) sẽ không được dùng nó nữa và họ sẽ không được bảo vệ nữa", Ivars Calvins - người bào chế ra meldonium - cảnh báo trên kênh phát thanh BBC Radio 5.
Nhà khoa học người Latvia này cho rằng meldonium đã được sử dụng 32 năm qua và ông xem đó là bằng chứng cho ích lợi của dược chất vừa bị cấm từ ngày 1/1/2016.
Trước Calvins, Grindeks - công ty dược sản xuất meldonium - nhấn mạnh về tính đặc trị của loại thuốc này: "Meldonium được khuyến khích sử dụng để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ về tim và cơ bắp, hệ quả của việc vận động quá sức".
Sharapova, trong cuộc họp báo hôm 7/3, nói cô sử dụng meldonium từ năm 2006 vì lý do y tế và không hề biết chất này vừa bị Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) đưa vào danh mục cấm trong thi đấu thể thao từ tháng 1/2016. Tay vợt nữ số bảy thế giới bị phát hiện dương tính với chất cấm này từ mẫu thử lấy khi cô dự Australia Mở rộng đầu năm nay.
Phát biểu tại Hội nghị phòng chống doping ở London, Dick Pound tiết lộ những người đứng đầu môn quần vợt đều biết việc meldonium được sử dụng rộng rãi và bày tỏ sự quan ngại trước khi WADA đưa chất này vào danh mục cấm hồi tháng 9/2015.
“Rõ ràng, ở trong phạm vi môn quần vợt, it nhất, họ ý thức được có nhiều tay vợt sử dụng nó và họ bảo: Điều đó phải được thay đổi”, ông nói.
Dick Pound là một trong những người sáng lập WADA và điều hành tổ chức này từ năm 1999 đến 2007. Ông là người đứng sau cuộc điều tra khiến điền kinh Nga bị cấm thi đấu quốc tế do dùng doping dưới sự hậu thuẫn của chính phủ.
Tuy nhiên, Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) bác bỏ thông tin mà Dick Pound đưa ra. Họ khẳng định không hề biết sự tồn tại của meldonium cho đến khi nó được đưa vào danh mục cấm của WADA và cho rằng "việc quản lý các loại chất kích thích được đảm nhiệm bởi WADA".
Di Khánh