Chia sẻ được đưa ra trong hội thảo "Tương lai của AI" do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 5/12 tại trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình là một trong chuỗi hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ và lễ trao giải VinFuture 2024, nơi các nhà khoa học mang đến nhiều câu chuyện khoa học truyền cảm hứng cho sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ.
Trong phần trình bày kéo dài 90 phút, GS Yann LeCun nhận định, tương lai của AI là đạt đến "trình độ con người" thông qua phương pháp học tự giám sát từ dữ liệu thế giới thực. Ông cũng giới thiệu mô hình JEPA (Joint Embedding Predictive Architecture), cách tiếp cận mới giúp AI dự đoán trừu tượng hơn.
"AI không chỉ là công cụ hỗ trợ công nghệ mà còn là nền tảng giúp giải quyết nhiều thách thức xã hội và kinh tế", ông chia sẻ.
Giáo sư Yann LeCun, Giám đốc nghiên cứu Meta AI Research sinh năm 1960 tại Pháp và là một trong những người tiên phong về công nghệ học sâu (deep learning) và mạng nơ-ron tích chập (CNN). Ông phát triển LeNet, mô hình CNN đầu tiên được sử dụng để nhận dạng chữ viết tay, từ những năm 1990. CNN trở thành công cụ quan trọng trong lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý hình ảnh, là nền tảng của nhiều sản phẩm và dịch vụ được triển khai bởi các công ty lớn như Facebook, Google, Microsoft, Baidu, IBM, NEC, AT&T trong nhận dạng video, tài liệu, ảnh, giọng nói.
Trong phần giao lưu, GS LeCun đã trả lời nhiều câu hỏi từ khán giả và đưa ra nhiều lời khuyên. Ông khuyến khích sinh viên Việt Nam nắm vững kiến thức về Toán học và Vật lý, đồng thời, tham gia các dự án mã nguồn mở để vượt qua rào cản công nghệ. "Ngành kinh tế nào tận dụng phát kiến công nghệ sẽ tạo nên đột phá", ông nhấn mạnh.
Ngoài GS. LeCun, hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam như GS. Hồ Tú Bảo và TS. Nguyễn Xuân Phong, mang đến góc nhìn chuyên sâu về ứng dụng AI trong thực tiễn, từ công nghiệp đến giáo dục.
Tuần lễ khoa học VinFuture không chỉ là nơi chia sẻ tri thức mà còn là cầu nối giữa những bộ óc xuất sắc toàn cầu với cộng đồng khoa học Việt Nam. Chiều cùng ngày, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hàng trăm sinh viên, giảng viên và nhà khoa học lắng nghe chia sẻ của GS. Susan Solomon và GS. Nguyễn Thục Quyên trong hội thảo "Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh".
GS. Susan Solomon là chuyên gia nghiên cứu Môi trường và Hóa học, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Bà đã kể về hành trình nghiên cứu tầng ozone, "lá chắn sống" của trái đất. Năm 1986, nữ giáo sư là nhà khoa học nữ duy nhất dẫn đoàn thám hiểm Nam Cực, nơi bà làm sáng tỏ cơ chế gây ra lỗ hổng tầng ozone do hợp chất CFC. Phát hiện này đã dẫn đến Nghị định thư Montreal năm 1987, ngăn chặn toàn cầu việc sản xuất và sử dụng CFC.
"Đây là minh chứng sống động cho việc khoa học có thể soi đường, không chỉ định hình chính sách, mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng", bà chia sẻ. Theo giáo sư, nhận thức của công chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành động tập thể, như việc người Mỹ giảm sử dụng CFC từ những năm 1970 trước cả khi Nghị định thư ra đời. "Hành động tiêu dùng cá nhân đôi khi có thể thay đổi thế giới".
GS. Nguyễn Thục Quyên là Giám đốc Trung tâm Polymers và Chất rắn Hữu cơ, Viện Hệ thống Nano California (CNSI) tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB), đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo VinFuture, một nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Bà mang tới câu chuyện về hành trình của một cô bé nghèo sống ở ngôi làng không có điện tại Việt Nam dần vươn lên một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Mỹ.
"Hồi nhỏ, tôi từng mơ ước cất ánh sáng mặt trời vào chai để dùng làm đèn học vào ban đêm. Nhiều năm sau, tôi đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực với nghiên cứu pin mặt trời hữu cơ", bà kể lại.
Nữ giáo sư đang dẫn đầu các công trình về chất bán dẫn hữu cơ, một công nghệ tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo bà, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như bờ biển dài và nhiều giờ nắng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo.
Bên cạnh việc truyền cảm hứng, GS. Quyên còn khuyên thế hệ trẻ nên tập trung vào thực hành và trau dồi kỹ năng làm việc nhóm để giải quyết các vấn đề phức tạp.
Nhật Lệ