Do lượng người tham dự lớn, TAND Hà Nội bố trí rạp ngoài trời, màn hình lớn, loa và bố trí chỗ ngồi.
Từ 4h40', dù trời mưa rào, nhiều bị hại đã xếp hàng che ô, mặc áo mưa đứng trước cổng trụ sở TAND Hà Nội. Phần lớn đến từ Hà Nội, song cũng nhiều người ở Nghệ An, Thanh Hóa, phải đi tàu, xe khách từ tối hôm trước.
Tòa bố trí 8 bàn tiếp nhận giấy tờ nhưng lượng người dồn đến quá đông dẫn đến ùn tắc và chen lấn. Một số người tranh thủ mở xôi, bánh mì ra ăn sáng để "lấy sức lát nữa đỡ đông thì đăng ký sau".
Chị Hạnh, 40 tuổi, trú Nghệ An, do nhà neo người, chồng đi làm ăn xa phải mang theo con trai hai tuổi ra Hà Nội dự phiên tòa. Trong valy ngoài quần áo, có thêm bỉm, sữa, đồ ăn vặt cho con. Chị cho hay có bạn thân làm trong tập đoàn Tân Hoàng Minh, được thuyết phục mua trái phiếu giúp để bạn "chạy chỉ số" nên rút tiền tiết kiệm 150 triệu đồng mua trái phiếu kỳ hạn một tháng. Ngay hôm sau, cha con chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt, chị Hạnh chưa kịp lấy hợp đồng chứng từ.
Số tiền mất trong vụ án bằng khoảng 25 tháng lương kế toán của chị song bị hại này vẫn xin giảm nhẹ cho cha con ông Dũng sau khi biết Tân Hoàng Minh đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả. Sau phiên toà này, chị mong được sớm được trả lại tiền.
Trước ngày xét xử, 1.420 bị hại có đơn xin giảm án cho cha con ông Dũng. Toàn bộ thiệt hại vụ án, hơn 8.600 tỷ đồng, đã được Tân Hoàng Minh và cá nhân liên quan cha con ông Dũng nộp khắc phục trong giai đoạn truy tố, VKSND Tối cao nêu trong cáo trạng.
Đến toà với vẻ mặt lo lắng, ông Nguyễn Vũ Đại, 86 tuổi, ở Hà Nội, kể đang có 5 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì được người quen giới thiệu mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh với "lãi suất cao hơn và an toàn". Ông tin tưởng nên tháng 3/2022 rút hết tiền tiết kiệm để mua trái phiếu, trong đó gần 4 tỷ đồng mua của Vạn Thịnh Phát và hơn một tỷ mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Với lô trái phiếu Tân Hoàng Minh ông chưa nhận được lãi lần nào.
HĐXX thông báo, tính đến 8h30, 19/32 luật sư bào chữa, 18/91 người và đơn vị liên quan và 987 bị hại đã đến tòa. 8h20, tại khu vực đăng ký danh sách bị hại vẫn còn hàng trăm người đang làm thủ tục.
9h22, VKS công bố cáo trạng.
Vụ án được xác định khởi nguồn từ những khó khăn tài chính của Tân Hoàng Minh từ đầu năm 2022, khi nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ. Từ đây, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.
Cha con ông Dũng bị cáo buộc không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do số liệu tài chính phức tạp, không đủ điều kiện, do đó đã lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành.
Ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp sử dụng 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư.
Thực hiện việc này, Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Theo VKS, bằng cách thức trên, 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu.
Ông Dũng bị cáo buộc chỉ đạo "tổ chức chạy dòng tiền khống" để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu. Dòng tiền sẽ "chạy" từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển về cho Tân Hoàng Minh để đủ tiền mua hết 90 triệu trái phiếu.
Dù các lô trái phiếu đều có thời hạn 2-5 năm, Tân Hoàng Minh sau đó chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, tháng để mua đi bán lại nhiều lần, thu về gần 14.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 4/2022, Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Theo cơ quan điều tra, số tiền còn lại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt.
Gần 2.000 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng; chi mục đích cá nhân của ông Dũng hơn 800 tỷ đồng... là "không đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu", cáo trạng nêu.
Thanh Lam - Viết Tuân