Một video được đăng lên mạng xã hội Trung Quốc tuần trước cho thấy Tang Lu, bé gái mới 4 tháng tuổi, được đặt trên một cái áo khoác màu xanh nằm giữa bãi rác bẩn thỉu. Bé nhìn vào ống kính, trong khi ruồi nhặng bâu đầy quanh mặt. Một cảnh khác trong video cho thấy Tang Lu nằm trong một cái thùng giấy cũ trên thùng xe ba gác.
Tang Lu là con gái của Huang Longfei, 59 tuổi, với một phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ. Gia đình này còn nuôi một bé gái 5 tuổi, là con của Huang và một phụ nữ khác. Cả nhà sống trong cảnh nghèo khó tại tỉnh Hồ Nam.
Mẹ của Tang Lu nằm liệt giường, không thể lao động, cả nhà sống nhờ vào khoản thu nhập ít ỏi từ nghề nông của Huang.
Bé gái được đưa vào bệnh viện hôm 4/11 kiểm tra sức khỏe, sau khi video gây tranh cãi về chương trình an sinh xã hội Trung Quốc nên giải quyết thế nào khi một gia đình nghèo khó không có khả năng nuôi nấng một đứa trẻ lớn lên mạnh khỏe.
Các tình nguyện viên đã tới gặp Huang, dạy ông ta cách nuôi nấng con cái hợp vệ sinh hơn nhưng vô ích. "Ông ấy không tiến bộ chút nào", Jelly Liu, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em ở Nam Kinh, người chú ý tới gia đình và báo cáo với chính quyền địa phương tháng trước, nói.
Liu cho hay gia đình Huang sống trong điều kiện cực kỳ bẩn thỉu. Huang khăng khăng từ chối thay đổi lối sống hoặc từ bỏ quyền nuôi con gái, dù ông ta không có khả năng chăm sóc hai đứa bé.
"Chúng tôi cố gắng thuyết phục ông ấy phẫu thuật triệt sản nhưng Huang không nghe, cho biết muốn đẻ thêm con trai", cô nói.
Liên đoàn phụ nữ huyện tháng trước đã đưa Tang Lu đi kiểm tra sức khỏe. Do kết quả cho thấy cô bé vẫn khỏe mạnh, chính quyền địa phương không cân nhắc tìm một người giám hộ khác cho cô bé. Hiện chưa rõ kết quả kiểm tra sức khỏe hôm 4/11 của Tang Lu và chính quyền có thay đổi quyết định hay không.
Chính quyền huyện cho biết đã tạo điều kiện cho Huang có công việc với mức lương 1.000 tệ (156 USD) một tháng, xây tặng gia đình ông ta một căn nhà 70 m2.
Tuy nhiên, Liu cho hay các trường hợp như gia đình Huang rất phổ biến ở Trung Quốc, bởi nước này thiếu một hệ thống thích hợp để bảo vệ trẻ em chịu hoàn cảnh thiệt thòi.
"Tôi đã can thiệp ít nhất 7 trường hợp tương tự trong năm nay, đều là những người đàn ông khỏe mạnh khiến phụ nữ tâm thần mang bầu và sinh con. Có trường hợp sinh tới 9 hay 10 con", Liu nói. "Tôi thấy chẳng có ích lợi gì khi sử dụng tiền thuế của nhân dân để trợ cấp cho những người đàn ông như vậy. Phụ nữ và trẻ em mới là đối tượng cần giúp đỡ".
Câu chuyện của Huang tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người yêu cầu chính quyền tước quyền giám hộ bé Tang Lu của Huang và đưa người mẹ vào bệnh viện.
"Tội nghiệp đứa trẻ. Bố mẹ cháu thật thiếu hiểu biết, còn chính quyền thật đáng trách vì đã không giáo dục tuyên truyền cho họ", một người bình luận trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)