Video bé gái lớp 4 ở Giang Tô vừa khóc vừa làm bài tập trong tiếng khóc than của người mẹ thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc hôm 22/10.
"Có vài cái chữ mà từ sáng sớm đến bây giờ, làm suốt ba tiếng đồng hồ", người mẹ vừa nói vừa khóc nức nở, còn con gái lấy tay gạt nước mắt. "Em không muốn làm mẹ của con nữa. Em có muốn mắng con đâu".
Video do người bố đăng lên. Anh cho biết vợ là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường đại học thuộc 985, dự án phát triển 39 trường đại học hàng đầu Trung Quốc từ tháng 5/1998. Nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra đồng cảm với người mẹ.
"Nhà tôi hai tiến sĩ đây mà cũng phát điên với việc học của trẻ con. Tôi còn đỡ, vẫn bình tĩnh, vì chỉ mong con khỏe mạnh vui vẻ, rèn luyện thói quen tốt là được. Nhưng vợ tôi thì tức chết mỗi lần dạy con học, hết khóc lại đập bàn đập ghế", là một bình luận trên mạng xã hội Zhihu thu hút hơn 1.500 lượt thích.
"Con nhà tôi mới lớp hai mà ngày nào cũng làm bài tập đến 12h đêm mới xong", một người khác cho biết.
"Vấn đề này không trách trẻ con được. Kiến thức bây giờ vượt quá năng lực tiếp nhận của trẻ con độ tuổi ấy, hiện tượng này rất phổ biến", một người khác bình luận.
Tuần trước, một người bố ở Giang Tô cũng nằm lăn giữa đường khóc lóc, xin cảnh sát bắt mình vì con gái không giải được phép toán đơn giản. Tháng trước, một người đàn ông ở Hồ Nam phải nhập viện cấp cứu do bị trật khớp hàm vì quá tức giận trong lúc dạy con gái học.
Những tháng gần đây, Trung Quốc áp đặt một số quy tắc nhằm chống lại các hoạt động được xem là gây hại cho sự phát triển của giới trẻ. Bắc Kinh đã cấm trẻ vị thành niên chơi trò chơi trực tuyến hơn ba giờ mỗi tuần, nhằm giải quyết tình trạng nghiện internet. Chính phủ nước này xử lý mạnh tay các công ty dạy thêm, yêu cầu họ chuyển sang hình thức hoạt động phi lợi nhuận.
Trung Quốc ngày 23/10 thông qua luật mới giảm áp lực bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ cho trẻ, dự kiến có hiệu lực từ 1/11. Theo đó, luật yêu cầu giới chức địa phương giám sát chặt chẽ và phụ huynh phải phân bổ một cách hợp lý thời gian học tập, nghỉ ngơi, giải trí và hoạt động thể chất cho trẻ, để không làm tăng gánh nặng học tập và tránh nghiện Internet.
Hồng Hạnh (Theo Sohu)