- Mô hình giáo dục trực tuyến đang được đề cập nhiều tại Việt Nam gần đây, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, quy mô của lĩnh vực này?
- Khoảng 2 năm gần đây, các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, MIT đồng loạt triển khai đào tạo trực tuyến. Nhiều trường lớn khác như Berkeley, Maryland, Georgetown, Georgia Tech, UNC, USC… đã có các chương trình đào tạo trực tuyến cấp bằng. Theo nghiên cứu của tổ chức Sloan Consortium năm 2012, 77% lãnh đạo các trường đại học ở Mỹ cho rằng học trực tuyến “ngang bằng hoặc tốt hơn” học truyền thống.
Tại Việt Nam, lĩnh vực này cũng đang bùng nổ. Hiện nay, ước tính có khoảng 3-5 triệu người từng theo học các khoá tiếng Anh, luyện thi, học kỹ năng trực tuyến... và lượng người học cũng như số khoá họ theo học cũng tăng nhanh
Tôi tin 10 năm tới đa số việc dạy và học ở Việt Nam sẽ diễn ra qua E-learning, từ kiến thức đại học, phổ thông cho đến kỹ năng, ngoại ngữ... Cũng giống như cách đây một thập kỷ, chúng ta chỉ đọc báo giấy, gọi điện thoại bàn, nghe nhạc trên đĩa CD và không nghĩ có ngày đa số sẽ đọc báo mạng, dùng điện thoại di động, nghe nhạc trực tuyến và chụp ảnh trên smartphone rồi đưa ngay lên mạng xã hội.
- E-learning có ưu điểm gì mà ông tin sẽ bùng nổ tại Việt Nam?
- Về ưu điểm, giáo dục trực tuyến kết nối được người học với các giảng viên giỏi, dù họ ở xa hay giờ giấc không trùng nhau. Việc này tiết kiệm thời gian cho giảng viên, cho phép họ tập trung vào chuyên môn chính là giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tạo động lực và khuyến khích sáng tạo. Những thứ khác như bài giảng, chấm bài, theo dõi chuyên cần... đều được ghi lại và trợ giúp bằng phần mềm.
Thêm vào đó, người học được học cách phù hợp nhất với mình: qua video có thể xem lại nếu cần, thầy không phải giảng lại. Việc tiếp thu kiến thức qua nhiều công cụ khác như học liệu minh hoạ, sách, các ứng dụng trên điện thoại di động... giúp họ tranh thủ và chủ động được thời gian.
Công nghệ và phần mềm hiện đại có thể hiểu rõ từng học viên, biết điểm mạnh-yếu, lỗ hổng kiến thức, thời gian học tập trung, dễ hiểu bài qua hình minh hoạ hay qua video bài giảng.... Và dựa trên thống kê của hàng triệu học viên khác, phần mềm sẽ đưa ra phương pháp, lộ trình học phù hợp nhất với từng người. Một lợi thế khác là phần mềm có thể theo bạn suốt 17 năm đi học, còn ở trường thì giáo viên giỏi cũng chỉ dạy bạn theo từng học kỳ, sau đó sẽ thay người khác.
Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng có thể dạy E-learning. Ví dụ một số ngành nghề cần thao tác nhiều như cơ khí, mộc, y… và các chương trình đào tạo nghiên cứu chuyên sâu. Tôi tin rằng các công nghệ tương lai sẽ khắc phục dần một số nhược điểm trên.
- Như ông vừa nói, hiện có khá nhiều tổ chức giáo dục, bao gồm cả các đơn vị nước ngoài tham gia vào ngành này. Vậy các đơn vị đang cạnh tranh nhau như thế nào?
- Giáo dục trực tuyến ở Việt Nam đang phát triển các phân khúc như cấp bằng cử nhân, học thêm, luyện thi, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng. Tuy nhiên, công nghệ mới khiến lĩnh vực này đang ngày càng thay đổi một cách chóng mặt. Cứ 12 tháng thì cách thức làm online marketing hiện tại sẽ lỗi thời, sau 2 năm thì nội dung đào tạo cần phải cập nhật và mỗi 3 năm thì toàn bộ phương pháp đào tạo cần phải nâng cấp toàn diện.
Do đó chúng tôi cho rằng cạnh tranh khốc liệt nhất chính là ở khâu thu hút nhân tài, và sân chơi cạnh tranh là ngành Internet nói chung chứ không chỉ đào tạo trực tuyến nói riêng. TOPICA cũng đang nỗ lực hoàn thiện các hệ thống tuyển dụng, đánh giá, phát triển lãnh đạo, văn hoá doanh nghiệp...để có thể cạnh tranh hiệu quả trong sân chơi này. Với đội ngũ nhân sự giỏi, học viên sẽ được hưởng lợi thông qua chất lượng giáo trình, giảng dạy và dịch vụ hỗ trợ tốt hơn.
- Theo ông, đâu là trở ngại cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường này tại Việt Nam?
- Như tôi đã nói, đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng và rất thú vị nên chắc chắn sẽ có thuận lợi. Nhưng phải khẳng định một lĩnh vực cần đầu tư nhiều, lại đang thiếu nhân tài phù hợp để phát triền các công nghệ và chương trình đào tạo chất lượng cao như E-learning sẽ là thách thức rất lớn.
Trước đây có tâm lý phổ biến rằng đào tạo là ngành an nhàn và nhiều người trẻ thường tìm đến thách thức ở các lĩnh vực “hot” như ngân hàng, sản phẩm tiêu dùng, hay doanh nghiệp nước ngoài. Còn nay, ngày càng nhiều người hiểu rằng đào tạo trực tuyến là lĩnh vực sôi động, lắm thách thức và đầy tiềm năng về sự nghiệp.
Tuy nhiên đến với E-learning, các chuyên gia marketing sẽ phải học lại phương pháp làm trực tuyến, người quản lý cao cấp sẽ phải tìm cách tạo động lực không chỉ cho nhân viên kinh doanh mà cả cho các chuyên viên công nghệ, giảng viên... Nếu vượt qua được những thách thức đó, họ sẽ góp phần giúp hàng triệu người học tốt hơn, thành công hơn trong công việc, cuộc sống và góp sức để xuất khẩu công nghệ đào tạo Việt Nam ra thế giới.
Tôi cho rằng để tồn tại, các doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư sâu vào hệ thống phần mềm, phân tích dữ liệu, các quy trình kiểm tra đánh giá, phương pháp sư phạm trực tuyến, tạo động lực và hỗ trợ học viên... để thực sự đạt chất lượng trong đào tạo chứ không chỉ dừng lại ở việc quay video bài giảng hay số hoá giáo trình. Bên cạnh đó, họ cũng cần một đội ngũ nhân sự tốt, năng động và sáng tạo.
- Ông nhận định thế nào về khả năng sinh lời khi đầu tư vào E-learning?
- Giáo dục trực tuyến cần đầu tư chiều sâu chứ khó có thể nghĩ đến lợi nhuận ngắn hạn. Một khi các học viên tốt nghiệp, hoàn thành khóa học chứng tỏ được khả năng của họ, thì chất lượng và uy tín sẽ được khẳng định và chương trình đó mới tồn tại được lâu dài. Nói vậy chứ làm được không dễ, đòi hỏi sự kiên định của những người lãnh đạo.
- Ông đánh giá thế nào về giáo dục tại Việt Nam hiện nay và ông có thể chia sẻ những đề xuất để ngành phát triển hơn trong tương lai?
- Giáo dục hiện nay có nét giống với viễn thông của 10 năm trước khi chúng ta còn dùng điện thoại bàn, tức là công nghệ truyền thống và cũng loay hoay tìm cách để vừa nâng cao chất lượng, vừa tăng số người sử dụng. Các giải pháp hồi đó đều rất tốn kém, phức tạp, mà hiệu quả không cao cho đến khi điện thoại di động trở nên phổ biến giúp thay đổi toàn diện và nhanh chóng ngành.
Giáo dục đào tạo cũng vậy, nếu chỉ tìm các giải pháp theo cách cũ như xây trường, đào tạo giảng viên thì e rằng sẽ rất nan giải. Thế hệ công nghệ E-learning mới sẽ đưa ra nhiều giải pháp đột phá. Tôi tin rằng trong 10 năm tới nhiều nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tìm được hướng đi đúng giúp ngành giáo dục thay đổi toàn diện như viễn thông trước đây. Các nước trên thế giới đều đang hào hứng với tiềm năng mà giáo dục trực tuyến mang lại cho họ. Việt Nam chúng ta cũng sẽ không nằm ngoài xu thế này.
- Mối quan hệ hợp tác với một trường đại học tại Philippines có lợi gì cho doanh nghiệp của ông nói riêng và lĩnh vực E-learning Việt Nam nói chung?
- Theo chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang đi trước các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines… về E-learning bởi họ chưa có các trường và doanh nghiệp mạnh về đào tạo trực tuyến. Xuất khẩu công nghệ E-learning sang thị trường ngoại là cơ hội phát triển của chúng tôi, vừa là niềm tự hào đưa công nghệ của người Việt ra thế giới, góp phần phát triển ngành giáo dục của nước bạn.
Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia xu hướng này và chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối giúp họ xuất khẩu, cùng duy trì vị trí đi trước của Việt Nam trong 10 năm tới.
- Sắp tới Hội nghị chuyên đề về kinh tế toàn cầu GES 2014 diễn ra, ông là một trong hai diễn giả người Việt Nam tham dự. Xin ông chia sẻ về câu chuyện sắp mang tới sự kiện?
- Tôi may mắn được mời tham gia phiên thảo luận về “Thay đổi giáo dục trong thời đại số” cùng với cựu Bộ trưởng Việc làm Thụy Điển, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục Malaysia và lãnh đạo một viện nghiên cứu của Đức. Đại diện các nước bạn chia sẻ nhiều về những cơ hội do giáo dục trực tuyến mang lại, cũng như băn khoăn về những thách thức sẽ gặp phải như bắt kịp công nghệ, kinh phí đầu tư và duy trì hoạt động, sự phụ thuộc vào công nghệ và nội dung đào tạo của nước ngoài.
Còn tôi sẽ nói về những kinh nghiệm thực tiễn mà TOPICA đã triển khai với 5 trường đại học ở Việt Nam và một trường tại Philippines như phát triển 12 hệ thống phần mềm và hơn 300 quy trình quản lý, không chỉ bao gồm lớp, phòng học mà còn giải quyết vấn đề hỗ trợ học viên, kiểm tra đánh giá, ngừa bỏ học... Ngoài việc lần đầu tiên sử dụng thiết bị Google Glass cho luyện nói tiếng Anh, nhiều công nghệ mới cũng được chúng tôi áp dụng cho giảng dạy như mô phỏng 3D.
Với đội ngũ cán bộ 400 nhân viên, 1.100 giảng viên hoàn toàn người Việt, chúng tôi có những kết quả khả quan như tỷ lệ giữ chân học viên sau 12 tháng đạt 79%, tương đương với Top 4 chương trình đào tạo đại học trực tuyến của Mỹ, theo báo cáo của AskForEducation.
Hải Khanh