Theo một khảo sát năm 2013, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị trường giáo dục trực tuyến cao nhất với 44,3%. Đầu tư cho lĩnh vực này còn mỏng, bắt đầu từ 2011 với 2 mảng tập trung là tiếng Anh và luyện thi đại học.
Năm 2011, khi Internet phát triển mạnh, những doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ thông tin bắt đầu thâm nhập thị trường. Tận dụng lợi thế của mình, Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ Giáo dục IDJ đã chi 8 tỷ đồng sau 3 năm nghiên cứu để ra mắt sản phẩm đầu tiên là hình thức website luyện thi. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phát triển hệ thống bài giảng thành hình thức video và trình chiếu. Tuy nhiên, những bài giảng vẫn còn bộc lộ yếu điểm trong cách trình bày và cách thức quản lý học viên.
Không bỏ lỡ xu hướng, Công ty VNG cũng bắt đầu cho thử nghiệm mô hình đào tạo trực tuyến vào tháng 5/2012. Sau một năm thử nghiệm, sản phẩm này gần như không còn được VNG truyền thông, khiến nhiều người cho rằng đã rút khỏi thị trường. Đến tháng 3/2014, VNG bất ngờ ra mắt lại sản phẩm miễn phí để người dùng trên toàn quốc có thể truy cập và sử dụng. Trang web được đầu tư chỉn chu về hình thức lẫn nội dung, cung cấp thông tin dưới dạng chuyên đề, chủ yếu tiếp cận đến những học sinh sắp bước vào kỳ thi đại học.
Sau một năm nghiên cứu và phát triển, phía tập đoàn Intel Việt Nam cùng Công ty T&H vừa cho ra mắt dự án trường học trực tuyến (ISS) tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Để cạnh tranh với các sản phẩm giáo dục trực tuyến đã phát triển trước đó, ISS xây dựng hệ thống trường học với bài giảng điện tử bằng video kèm các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh minh họa 2D/3D và các thí nghiệm thực tế theo từng cấp lớp. Những video được quay trong phòng studio đòi hỏi đội ngũ giáo viên không chỉ vững về chuyên môn mà còn phải có khả năng diễn đạt trước ống kính.
Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết: “Chúng tôi lựa chọn đối tượng trung học phổ thông để làm sản phẩm đầu tiên của trường. Ngoài ra, nơi này còn có thể là một kênh thông tin hữu ích cho giáo viên tham khảo, trao đổi, thảo luận để nâng cao chất lượng giảng dạy và là một nơi phục vụ cộng đồng. Trong đó, học sinh phổ thông các vùng sâu, vùng xa, đang gặp phải khó khăn về kinh tế, địa lý, sẽ có cơ hội học tập miễn phí các môn học phổ thông”.
Theo DeltaViet (một đơn vị cung cấp dịch vụ e-learning về kỹ năng), ước tính giá trị của thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam hiện vào khoảng 1.000 tỷ đồng (gần 50 triệu USD).
E-learning ở Việt Nam hiện theo 4 trào lưu nổi bật. Đầu tiên là phân khúc luyện thi đại học với hàng chục trang web trong lĩnh vực này. Thứ hai là phân khúc bằng cử nhân do trường đại học hoặc công ty tư nhân cung cấp. Lĩnh vực học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh hiện có nhiều trang web, bởi doanh thu từ phân khúc này đang khá cao.
Một chuyên gia giáo dục nhận định, khác với hình thức giáo dục truyền thống, đào tạo trực tuyến đòi hỏi nhiều về sự đầu tư cơ sở hạ tầng và đội ngũ giáo viên giảng dạy. Không chỉ có nội dung bám sát sách giáo khoa, kỹ thuật của trang web cũng phải được xây dựng một cách đơn giản, dễ sử dụng, tích hợp được với nhiều thiết bị điện tử thông dụng hiện nay. Ngoài ra, trang web phải sử dụng thêm những giải pháp công nghệ kỹ thuật hiện đại để đưa các bài giảng đến bất kỳ đâu có kết nối với internet.
Bên cạnh đó, muốn phát triển website giáo dục trực tuyến, các nhà đầu tư cũng phải bỏ ra không ít công sức chú trọng vào hình thức truyền tải. Có những website sử dụng truyền đạt dưới hình thức radio, cũng có những website đầu tư hẳn vào làm phim bài giảng. Do vậy, dù là thị trường tiềm năng, vốn đầu tư lớn cũng khiến doanh nghiệp còn dè chừng nhảy vào phân khúc này.
Theo công bố của ISS, học phí của Trường được tính trên mỗi đơn vị một môn học với mức giá 50.000 đồng trong một học kỳ, thời hạn một năm. Mức học phí này áp dụng cho cả 8 môn học thuộc khối lớp cấp 3.
Một nhà đầu tư e-learning tính toán, với dân số hơn 90 triệu người, 30% sử dụng Internet, nếu trong một năm có 20.000 lượt học và giá mỗi bài giảng là 10.000 đồng, thì doanh thu một năm trên mỗi bài giảng là 200 triệu đồng. Và lợi nhuận tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó, giá trị thị trường giáo dục trực tuyến thế giới hiện ước đạt hơn 30 tỷ USD. Một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc đã có những công ty thuộc lĩnh vực này niêm yết trên các sàn chứng khoán của Mỹ.
Ngọc Trần