Theo phán quyết ngày 21/8 của tòa án tại Wichita, Kansas, ông Hanes, 53 tuổi, nhận 293 tháng tù vì biển thủ tiền của ngân hàng Heartland Tri-State, nơi ông giữ chức giám đốc điều hành, khiến ngân hàng bị phá sản trong vòng 8 tuần.
Theo hồ sơ tòa án, Hanes là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Kansas và CEO Heartland Tri-State. Vào tháng 12/2022, ông bắt đầu thực hiện các giao dịch mua tiền số. Điều này "bắt nguồn từ việc giao tiếp với một người không xác định trên WhatsApp" và bị người này lừa bằng chiêu "mổ lợn".
"Mổ lợn" (Pig Butchering) phổ biến trong giới tiền số thời gian qua. Kẻ gian cố gắng làm quen con mồi qua các ứng dụng mã hóa như WhatsApp hoặc Telegram, sau đó dành hàng tháng, thậm chí cả năm để xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân nhằm "vỗ béo", dụ họ đầu tư vào các app tiền số giả mạo một website hoặc ứng dụng hợp pháp. Khi đạt đến số tiền nhất định, kẻ đó sẽ "làm thịt" con mồi và một đi không trở lại.
Hồ sơ tòa án cho thấy, ban đầu Hanes sử dụng tiền cá nhân. Tuy nhiên, đầu 2023, CEO này rút 40.000 USD từ nhà thờ Chúa Kitô Elkhart và 10.000 USD từ Câu lạc bộ Đầu tư Santa Fe, nơi ông là thành viên. Người này cũng sử dụng 60.000 USD từ quỹ tiết kiệm cho con gái học đại học và gần 1 triệu USD tiền bán cổ phiếu từ công ty tài chính Elkhart.
Vào tháng 5/2023, Hanes bắt đầu chuyển khoản từ ngân hàng Heartland Tri-State đến các tài khoản do kẻ lừa đảo kiểm soát thông qua trợ lý của mình. Lần đầu, ông chuyển 5.000 USD, sau đó nâng dần lên hàng triệu USD. Hanes yêu cầu trợ lý "đưa ra nhiều thông tin sai lệch" để có quyền truy cập các quỹ và hạn chế để lại dấu vết. Tổng cộng, 11 đợt chuyển khoản với 47 triệu USD được chuyển đến ví của kẻ mà ông tin tưởng.
"Hanes bị dụ dỗ bởi một 'khoản đầu tư' ban đầu, sau đó được yêu cầu thực hiện các giao dịch khác để đảm bảo an toàn cho các quỹ đó", công tố viên viết trong hồ sơ. "Theo thời gian, ông liên tục được yêu cầu nạp thêm nếu muốn rút tiền đã nộp vào và tiền lãi mà kẻ gian vẽ ra. Rõ ràng, đây là mô hình lừa đảo mà Hanes không nhận ra, hoặc đã lỡ theo".
Hanes bị sa thải giữa tháng 7/2023 sau những hoạt động mờ ám và chiến lược kinh doanh thất bại, dù chưa bị phát hiện biển thủ. Ngày 28/7/2023, Heartland Tri-State bị Văn phòng Ủy viên Ngân hàng Bang Kansas yêu cầu đóng cửa, sau đó được tiếp quản bởi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang.
Đến tháng 2, Hanes mới bị buộc tội và bị quản thúc tại gia trong lúc chờ kết án ngày 21/8. Kẻ lừa đảo vẫn chưa được xác định.
Trong bản đệ trình sau tuyên án, luật sư của ông, John Stang, nói Hanes bị cuốn vào vụ lừa đảo tiền số được lên kế hoạch bài bản.
"Ông ấy là con lợn bị mổ", Stang viết. "Việc dễ bị tổn thương trong kế hoạch 'mổ lợn' khiến ông đưa ra quyết định rất tồi tệ, đến mức gây thiệt hại lớn cho cổ đông của ngân hàng và khiến ngân hàng đóng cửa".
Nói với CNBC, Kate Brubacher, một trong những luật sư bào chữa cho bên bị hại, cho biết: "Lòng tham của Hanes không có giới hạn. Ông ta vượt qua nghĩa vụ nghề nghiệp, các mối quan hệ cá nhân và luật liên bang để làm điều xấu, phản bội Heartland Tri-State và nhà đầu tư, cũng như đe dọa niềm tin vào các tổ chức tài chính".
Trước đó, một số người cũng mất từ hàng chục nghìn đến hàng triệu USD vì chiêu lừa "mổ lợn". Theo Forbes, giữa năm 2022, FBI cho biết đã nhận hơn 4.300 đơn khiếu nại liên quan đến lừa đảo tiền số qua các ứng dụng tin nhắn với tổng thiệt hại hơn 5 tỷ USD, cao hơn mức 429 đơn của năm 2019. Theo FBI, trò lừa xuất phát từ châu Á, nhưng phổ biến ở Mỹ. Đến nay, rất ít thủ phạm bị bắt hoặc các khoản tiền được thu hồi lại.
Bảo Lâm
- Người già Trung Quốc bị lừa mua tiền số, đào coin
- Chiêu 'lộ' mật khẩu ví để dụ đăng nhập, lừa tiền số
- Mất nghìn USD vì tin lời 'nhóm VIP tiền số'
- Google kiện nhà phát triển Trung Quốc vì phát tán 87 app 'mổ lợn'
- App lừa đảo rút sạch tiền số của người dùng iPhone