Cả ba sẽ tự bảo vệ công ty về Điều 230 - điều luật được ban hành năm 1996 và là một phần của đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act) của Mỹ.
Điều 230 bảo vệ bất kỳ trang web hoặc dịch vụ nào lưu trữ nội dung - như phần bình luận của các trang tin tức, dịch vụ video của YouTube, các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter - khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng bởi người dùng. Tuy nhiên, nó đã bị đảng Cộng hòa nhiều lần đòi cải tổ vì lo ngại những nền tảng như Facebook, YouTube của Google và Twitter có thể kiểm duyệt những ý kiến mang tính bảo thủ.
Trước phiên điều trần, thông qua văn bản gửi trước tới Thượng viện Mỹ, CEO Facebook Zuckerberg, CEO Google Pichai và CEO Twitter Dorsey đều phản đối việc bãi bỏ Điều 230. Theo Dorsey, Điều 230 là "luật quan trọng nhất của Internet về tự do ngôn luận và an toàn", đồng thời cho rằng việc bỏ luật này sẽ phát sinh ngày càng nhiều các chính sách về kiểm duyệt nội dung không thống nhất.
"Việc bỏ Điều 230 có thể dẫn đến khả năng các mạng xã hội phải hạn chế các phát ngôn trực tuyến của người dùng, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kiểm soát nội dung có hại, cũng như bảo vệ người dùng khi online", Dorsey nói.
CEO Facebook cũng đưa ra lập luận tương tự. "Các nền tảng trực tuyến sẽ phải kiểm duyệt nội dung nhiều hơn để tránh những rủi ro pháp lý nên sẽ ít đầu tư vào công nghệ", Zuckerberg cho biết.
Tuy nhiên, Zuckerberg cũng tỏ ra khá cởi mở nếu chính phủ Mỹ thay đổi luật. "Quốc hội nên cập nhật luật để đảm bảo nó hoạt động như mong đợi", CEO Facebook nói thêm.
Trong khi đó, Pichai kêu gọi giới chính trị gia nên "suy nghĩ kỹ" về bất kỳ thay đổi nào mà họ thực hiện. "Khả năng cung cấp quyền truy cập vào các loại thông tin của chúng tôi chỉ có thể thực hiện được nhờ vào khuôn khổ pháp lý hiện có", CEO Google nhấn mạnh. "Mục 230 bảo vệ quyền tự do tạo và chia sẻ nội dung, đồng thời hỗ trợ các nền tảng và dịch vụ hiện có giải quyết nội dung có hại một cách có trách nhiệm".
Theo Dorsey, việc bỏ Điều 230 còn tổn hại tới các công ty khởi nghiệp - những doanh nghiệp không có nguồn lực kiểm duyệt nội dung trên quy mô rộng như cách các công ty công nghệ lớn có thể làm. "Điều 230 biến mất có thể thay đổi cách chúng ta giao tiếp trên Internet. Kết quả là chỉ có các công ty lớn tồn tại do có tiềm lực tài chính tốt", Dorsey nêu quan điểm.
Bên cạnh Điều 230, CEO Facebook, Alphabet và Twitter cũng sẽ trả lời các câu hỏi về quyền riêng tư và "sự thống trị truyền thông".
Phiên điều trần diễn ra lúc 21h (giờ Hà Nội).
Đây là lần thứ hai Zuckerberg và Pichai xuất hiện trước Quốc hội trong năm nay. Vào tháng 7, cả hai cùng với CEO Apple Tim Cook và CEO Amazon Jeff Bezos cũng đã xuất hiện trước Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ viện để trả lời các chất vấn thông qua hình thức trực tuyến. Đến 17/11, CEO Facebook, Twitter tiếp tục bị điều trần trước quốc hội Mỹ vì chặn thông tin liên quan đến con trai của Joe Biden.
Bảo Lâm (theo Bloomberg)