Chiều 10/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng, cho biết 24h qua trên địa bàn ghi nhận thêm 74 ca dương tính, trong đó có 65 bệnh nhân liên quan đến chuỗi "siêu lây nhiễm" ở cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Quận Sơn Trà đang phong tỏa cứng "nội bất xuất" tại 5 phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc và một phần phường Phước Mỹ, với khoảng 160.000 dân. Hàng loạt các chốt cứng được thiết lập ở khu vực này, một số chốt mềm chỉ cho phép lực lượng làm công vụ, vận chuyển nhu yếu phẩm, xe cứu thương... đi qua.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, nói dù khu vực 5 phường đã "phong tỏa trong phong tỏa" khi thiết lập các chốt cách ly y tế và thành phố đã áp dụng giãn cách "cao hơn Chỉ thị 16" mười ngày qua, nhưng hôm nay vẫn có 20 bệnh nhân được phát hiện.
"Có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu phong toả. Lẽ ra, khi thực hiện cách ly thì số ca mắc mới sẽ giảm dần trong các lần xét nghiệm. Nhưng thực tế xét nghiệm đại diện hộ gia đình đến lần thứ 3 trong vòng một tuần qua, vẫn tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca dương tính mới", ông Thạnh nói với VnExpress.
Giám đốc CDC Đà Nẵng dẫn chứng thêm, hai ngày trước, 5 hộ gia đình sinh sống ở phường Nại Hiên Đông phát hiện 12 ca dương tính cùng trong kỳ lấy mẫu. Hôm qua cũng có 9 bệnh nhân trong khu phong toả. "Điều này cho thấy, các hộ dân trong khu vực phong tỏa vẫn qua lại, tiếp xúc với nhau, dẫn đến số ca nhiễm mới chưa được kiểm soát", ông nói thêm.
Bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, cho biết thực tế phía trong khu phong toả vẫn có tình trạng nhiều người dân sáng sớm hoặc chiều mát ra ngồi vỉa hè nói chuyện, không đeo khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Khi nào người dân chưa ở yên trong nhà thì chưa thể chấm dứt được chuỗi lây nhiễm.
"Dù lực lượng đã nhắc nhở người dân thực hiện nhà cách ly với nhà, thiết lập đến 109 khu vực phong tỏa trong phong tỏa, nhưng vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào ý thức người dân", ông Nam nói.
Thượng tá Phan Minh Mẫn, Trưởng công an quận Sơn Trà, nhận định xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu dân cư phong tỏa thời gian qua còn có nguyên nhân khác là đời sống người dân chưa được đảm bảo. Nhiều người thiếu lương thực, thực phẩm nên đã qua lại nhà nhau mượn tạm, hoặc tìm nơi bán để mua, việc tiếp xúc từ đó cũng nhiều lên.
"Những ngày qua, do việc phong tỏa quá nhanh nên người dân trở tay không kịp. Nhiều nhà không có tủ lạnh nên không dự trữ được nhiều thực phẩm và đã thiếu thốn trong bữa ăn", ông nói.
Cảng cá Thọ Quang ghi nhận ca dương tính đầu tiên ngày 20/7, khi nam thanh niên 29 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, làm nghề buôn bán cá, có biểu hiện ho, sốt, đến khám tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và nhận kết quả dương tính.
Ban đầu, khu vực này được nhận xét ở mức "có nguy cơ", vì đây là cảng cá lớn nhất miền Trung, có hơn 1.000 tiểu thương ở nhiều tỉnh miền Trung đến buôn bán mỗi ngày. Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm 1.132 người ở cảng cá ngay ngày hôm sau, kết quả đều âm tính.
Tuy nhiên ngày 22/7, bốn ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện liên quan đến cảng cá, đều là những tiểu thương buôn bán ở các chợ thuộc quận Sơn Trà, Hải Châu và Thanh Khê. Ngành y tế phải nâng mức cảnh báo chuỗi lây nhiễm lên "nguy cơ rất cao" và số bệnh nhân mới liên quan không có dấu hiệu chững lại.
Đến ngày 31/7, Đà Nẵng phải công bố cách ly xã hội toàn thành phố với các biện pháp "cao hơn Chỉ thị 16", khi chuỗi lây nhiễm ở cảng cá thêm 47 ca dương tính mới, cộng dồn sau 11 ngày là 202 người bệnh nhân. Hôm sau, phường Nại Hiên Đông phải phong toả cứng và đến 3/8 là 4 phường lân cận. Tính đến ngày 10/8, chuỗi lây nhiễm này có 836 bệnh nhân.
Theo Giám đốc CDC Đà Nẵng, chuỗi lây nhiễm ở cảng cá Thọ Quang phức tạp do số F0 được phát hiện đa số là những người buôn bán cá phủ khắp trên địa bàn thành phố, đã lây cho người trong gia đình. Những F1 bị lây nhiễm, trước đó lại tiếp xúc với nhiều bạn bè, nên cấp độ lây lan nhanh.
Giải pháp được bác sĩ Tôn Thất Thạnh đề xuất là lực lượng công an, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát trong khu vực phong toả; cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân để tiến tới yêu cầu người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà.
"Nguy cơ lây nhiễm trong khu phong toả đang rất cao. Do đó tuyệt đối không để xảy ra tính trạng "chặt ngoài lỏng trong", tức là thiết lập các chốt chặn bên ngoài, nhưng bên trong lại để cho người dân cùng khu vực qua lại, tiếp xúc với nhau", ông Thạnh nói.
Hôm nay, Giám đốc Công an Đà Nẵng đã tăng cường đợt hai cho quận Sơn Trà thêm 80 cán bộ chiến sĩ phục vụ chống dịch.
Chính quyền quận thay thế nhà cung ứng nhu yếu phẩm không đáp ứng yêu cầu; tiếp nhận nguồn ủng hộ lương thực, rau xanh. Sở Công Thương được yêu cầu đưa siêu thị xuống tận tổ dân phố để bán hàng cho người dân, hạn chế tình trạng người dân phải di chuyển từ phường này qua phường khác.
Từ ngày 4/5 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.667 ca Covid-19, riêng từ ngày 10/7 đến nay là 1.417. Trong đó 1.021 bệnh nhân đang điều trị. Thành phố đang phong toả 212 điểm ở tất cả 7 quận, huyện; gần 2.500 F1 đang được cách ly tập trung.