Đà Nẵng bùng dịch lần thứ 5, số ca mắc đang gấp 2 lần so với đợt thành phố là tâm dịch hồi tháng 7/2020. VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, về những diễn biến và biện pháp chống dịch đang thực hiện.
- Ông đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay ở Đà Nẵng ở mức độ nào? Vì sao?
- Đợt dịch mới ở Đà Nẵng hình thành 22 ngày qua nhưng tốc độ lây lan nhanh, phạm vi rộng hơn nhiều lần so với bốn lần trước. Chỉ từ 10/7 đến nay đã ghi nhận 830 ca mắc Covid-19. Số ca trong cộng đồng bình quân 20 ca mỗi ngày, đặt thành phố vào mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Chuỗi lây nhiễm nguy cơ cao và đáng lo ngại nhất là ở cảng cá Thọ Quang - cảng cá lớn nhất miền Trung. Hơn 10 ngày qua đã có 314 bệnh nhân liên quan. Trong đó có nhiều tiểu thương, lịch trình đi lại đến nhiều khu chợ. Đến nay đã có 48/56 xã, phường có ca dương tính nên nguy cơ dịch có thể lây lan trên toàn thành phố.
Nguyên nhân chủ yếu là do chủng Delta lây lan nhanh; việc di chuyển của các ca dương tính mới trong cộng đồng mới khá phức tạp; việc kiểm soát người đến hoặc về từ vùng dịch chưa được chặt chẽ; tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân và sự lơ là của một số công chức làm nhiệm vụ chống dịch.
Trước tình hình trên, để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân, Ban thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 với nhiều biện pháp mạnh hơn, cao hơn Chỉ thị 16 để giãn cách xã hội toàn thành phố và phong toả những khu vực có nguy cơ cao.
Với kinh nghiệm và năng lực hiện có, cùng với sự đồng thuận của người dân, chúng tôi hy vọng sớm chặn được đợt dịch lần này.
- So với đợt dịch tháng 7 năm ngoái, lần này Đà Nẵng đứng trước những khó khăn ra sao?
- Ở lần dịch này, Đà Nẵng kế thừa kinh nghiệm chống dịch của năm ngoái; có nhiều giải pháp kịp thời và sáng tạo, trong đó một số cách làm đã được nhiều địa phương khác cùng áp dụng như xét nghiệm mẫu gộp, phân chia tần suất đi chợ bằng thẻ (đã nâng cấp thành mã QRCode để thuận lợi trong việc truy vết); khoanh vùng hẹp, xét nghiệm diện rộng và đại diện hộ gia đình...
Người dân cũng hình thành tâm lý bình tĩnh và chủ động tự phòng tránh dịch cho mình, như việc chấp nhận đóng cửa các mặt hàng kinh doanh không thiết yếu, không ra đường đạp xe hay tập thể dục... Những ngày này, sau 20h đêm hầu như không còn người ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết.
Thành phố cũng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện y tế cần thiết, lực lượng tuyến đầu đã được tiêm vaccine ít nhất một mũi.
Nhưng hiện nay cũng có rất nhiều khó khăn, như: biến chủng Delta lấy lan với tốc độ rất cao, việc khống chế, ngăn chặn rất khó khăn. Nếu như trước đây, dịch bệnh tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng và Quảng Nam thì lần này dịch bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành; có làm "sạch" trong thành phố thì nguy cơ từ bên ngoài lây lan vào vẫn rất lớn vì Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương.
Điều này có thể dẫn chứng với đợt dịch hồi giữa tháng 6. Sau khi thành phố kiểm soát được các ổ dịch liên quan đến nhân viên khách sạn, vũ trường, thẩm mỹ và đã có 30 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, thì chỉ vì ca trực ở chốt kiểm soát chống dịch lơ là để một tài xế dương tính từ TP HCM chở hàng ra Đà Nẵng chưa qua khai báo y tế, đã kéo theo một đợt dịch mới và đến nay chưa chấm dứt.
- Theo ông, biện pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch bệnh ở Đà Nẵng là gì?
- Từ đầu năm, thành phố đã cố gắng duy trì hai mục tiêu là chống dịch và không để các biện pháp tác động đến đời sống người dân, cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn.
Nhưng trước sức tấn công của chủng Delta, chúng tôi đã phải quyết định cách ly xã hội từ 18h ngày 31/7 để ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch. Các chốt kiểm soát được lập ở hầu hết các tuyến đường, các khu dân cư (hiện nay toàn thành phố thiết lập gần 400 chốt kiểm soát) để nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Có một sự trùng hợp không mong muốn, hai lần cách ly toàn xã hội ở Đà Nẵng cùng là cuối tháng 7. Cách ly xã hội lần này là một quyết định rất khó khăn với lãnh đạo thành phố và Ban Thường vụ Thành uỷ đã phải họp đến tận 23h đêm ngày 29/7, thảo luận kỹ lưỡng mới đưa ra quyết định.
Chúng tôi đã chọn việc bảo vệ sức khoẻ của người dân lên trên hết và chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
Thành phố muốn sử dụng thời gian cách ly này để nhanh chóng thực hiện kế hoạch xét nghiệm toàn dân, phát hiện sớm các ca F0 và không để lây lan rộng. Buổi tối, người dân có thể cảm nhận đường phố vắng vẻ. Nhưng các nhân viên y tế đang có mặt ở các điểm nóng, những khu vực phong tỏa, cách ly để bắt đầu một quy trình làm sạch Covid-19 bằng việc xét nghiệm, truy vết. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, mục tiêu kép sẽ tiếp tục duy trì.
Lúc này, những người đứng đầu ở các cấp, các ngành phải dám chịu trách nhiệm, quyết đoán, sáng tạo trước những diễn biến thực tế để chống dịch hiệu quả. Chống dịch như chống giặc và tình huống sẽ luôn phát sinh không phải lúc nào cũng đúng kế hoạch của chúng ta. Do đó không thể hành chính hóa khi thực hiện.
Ví dụ, tối 31/7, khi đi kiểm tra thực tế công tác chống dịch tại điểm nóng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), ngay khi Sở Y tế báo cáo 3 phường xung quanh đều có nguy cơ rất cao và khó lường, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu phong tỏa ngay bốn phường này trong đêm để tiến hành xét nghiệm mà không chờ đến sáng sớm hôm sau.
- Để bảo vệ sức khỏe người dân, Đà Nẵng đưa ra các kịch bản chống dịch như thế nào và chuẩn bị năng lực điều trị ra sao?
- Với quy mô dân số hơn 1,1 triệu người dân Đà Nẵng, chúng tôi đã tính đến phương án 5.000 giường điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, nếu dịch bùng trên diện rộng. Trong đó bố trí 5% giường hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng. Đây là kịch bản cao nhất ở Đà Nẵng từ trước đến nay.
Đà Nẵng đang có ba cơ sở thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản, gồm Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Hoà Vang và Bệnh viện Dã chiến Ký túc xá phía tây thành phố, đáp ứng được khoảng 2.500 giường bệnh. Số bệnh nhân hiện tại đang điều trị ở ba cơ sơ này là hơn 600 người.
Còn về năng lực cách ly F1, lãnh đạo thành phố đã giao cho người đứng đầu các quận huyện chịu trách nhiệm chính, tận dụng các trường học, ký túc xá, thoả thuận với khách sạn đủ điều kiện... như đã từng làm trong các đợt dịch trước. Bên cạnh đó, thành phố cũng thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Bộ Y tế hiện cho phép cách ly F1 tại nhà ngay từ đầu. Tuy nhiên cách làm của Đà Nẵng hơi khác một chút. Đó là xây dựng phương án cách ly tập trung F1 trong vòng một tuần, vì thời gian này họ đang có nguy cơ rất lớn bị lây bệnh. Sau đó ngành y tế sẽ làm đủ xét nghiệm 3 lần, vào ngày cách ly thứ 1, 4 và 7, nếu kết quả âm tính sẽ cho về nhà cách ly thêm một tuần và lấy mẫu xét nghiệm một lần nữa.
- Trong thời gian cách ly xã hội, Đà Nẵng triển khai những giải pháp nào để đảm bảo an sinh xã hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh?
- Chính sách hỗ trợ người dân trong đại dịch được Trung ương ban hành kịp thời. Đà Nẵng đã có gói hỗ trợ hơn 75 tỷ đồng. Nhưng làm sao để tiền đến tay người dân nhanh nhất, khi mà hầu hết mọi hoạt động phải tạm dừng vì cách ly xã hội. Người dân chấp hành việc ở trong nhà để chung tay cùng thành phố chống dịch, thì họ phải được hỗ trợ kịp thời để có tiền mua lương thực.
Trong Nghị quyết 08 mới ban hành, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Lao động thương binh và xã hội phải đơn giản hóa các thủ tục để giải ngân nhanh chóng cho các đối tượng chính sách, lao động bị mất việc làm, lao động tự do trên tinh thần xác minh rõ đến đầu thì hỗ trợ ngay đến đó.
Cùng với đó, thành phố quyết không để người dân vừa lo chống dịch vừa phải tích trữ lương thực, hàng hóa một cách không cần thiết. Chưa kể nhiều người dân nghèo, công nhân không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm nhiều ngày.
Nhưng khó khăn hơn là việc đảm bảo các chuỗi sản xuất kinh doanh. Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy phải đảm bảo an toàn với các điều kiện phòng, chống dịch mới được hoạt động. Bởi chỉ cần một ca dương tính trong Khu công nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. Chi phí doanh nghiệp bỏ ra rất lớn, chưa kể đến nguy cơ lây nhiễm chéo như đã xảy ra tại một số địa phương.
Nguyễn Đông