Việc cắt ngọn cây được thực hiện từ ngày 5 đến 10/11, trên các tuyến đường ven sông Hàn, như: Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng... Nhiều cây muồng tím lớn trên vỉa hè đường Bạch Đằng, đoạn từ ngã ba giao Trần Quý Cáp đến cầu quay sông Hàn (quận Hải Châu), bị cắt cụt ngọn, không còn bóng mát, trong khi nhiều cây khác ít bị cắt tỉa cành lá.
Các khu vực cây muồng tím bị cắt tỉa "mạnh tay" nhất là trước Thư viện khoa học tổng hợp, Trung tâm hành chính thành phố, nhà hàng Madam Lân.
Tại một số tuyến đường xung quanh Trung tâm hành chính Đà Nẵng, nhiều cây lim xẹt cũng bị cắt bằng ngọn để khống chế độ cao. Cây xanh không được trồng cùng chủng loại trên các tuyến phố, nay bị cắt gây mất mỹ quan.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh TP Đà Nẵng, cho biết để ứng phó với bão Nakri (đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa đêm 10/11), đơn vị đã xin phép Sở Xây dựng cho cắt tỉa cây xanh với tỷ lệ 40-50% tán lá, chủ yếu là lim xẹt và muồng tím.
Theo bà Diễm, các cây muồng tím trên đường Bạch Đằng bị cắt cụt ngọn do chiều cao lớn, tán rậm, ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 5 Matmo trước đó. Ngoài ra, cây bị hút gió bởi nhiều nhà cao tầng và khu vực trống. Một số cây bị toét cành, gây lệch tán.
Đại diện công ty cho rằng loài muồng tím tốc độ nảy chồi, sinh tán nhanh nên chỉ 10 đến 15 ngày sẽ sinh chồi và tạo tán mới, cân đối hơn.
Việc cắt cây lim xẹt xung quanh Trung tâm hành chính cắt ngọn nhằm khống chế độ cao. "Việc làm giảm độ che tán, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị trong thời gian ngắn là bất đắc dĩ. Chúng tôi mong người dân chia sẻ", bà Diễm nói.
Chiều 14/11, Công ty Công viên - Cây xanh đã báo cáo việc cắt tỉa cây lên Sở Xây dựng. Ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở, yêu cầu công ty rút kinh nghiệm khi cắt tỉa mạnh, hạ độ cao và cân lại tán một số loại cây không đảm bảo mỹ quan.
Ông Lâm cho biết, đối với những cây có thân và tán lá lớn, việc chống dựng bằng cọc gỗ không đem lại hiệu quả cao. Do đó, biện pháp cắt tỉa cành nhánh để giảm nhẹ tác động của gió bão là ưu tiên hàng đầu.
"Tuy nhiên, khi cắt tỉa cây xanh ứng phó bão, ngoài các yêu cầu về đảm bảo an toàn cây xanh, an toàn giao thông và sinh trưởng ổn định, công ty cũng cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố cảnh quan đô thị", ông Lâm nói.
Do ảnh hưởng của bão số Matmo (đổ bộ Phú Yên, Bình Định ngày 30/10), toàn thành phố Đà Nẵng có 675 cây xanh bị ảnh hưởng, trong đó hơn 400 cây bị ngã đổ, 83 cây gãy cành, toét nhánh...
Cây xanh ở Đà Nẵng được trồng trên vỉa hè, nơi có công trình ngầm phía dưới, cây giống có kích thước lớn, rễ cọc không có nên khả năng bám giữ đất yếu, hệ rễ không ổn định và dễ bị lay đứt khi có gió lớn.