Được dự báo khuya ngày 30/10 mới vào các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9), song Matmo (bão số 5) đã gây mưa rất lớn ở Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa... trước đó khoảng 3 - 4 giờ.
Tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) lúc 20h, khi tâm bão còn cách đất liền 60 km, mưa lớn, gió rít liên hồi, mỗi lúc mạnh lên. Những căn nhà dọc đường, mái tôn giật phần phật. Đường phố bắt đầu vắng người; nhiều quán xá, khách sạn đóng kín cửa. Một số cây xanh trên đường Hùng Vương, Nguyễn Huệ... bị gió quật ngã.
Anh Phan Xuân Hào, 32 tuổi, chủ quán cà phê ở TP Tuy Hòa đóng cửa quán từ trưa. Rút kinh nghiệm từ cơn bão hai năm trước gây thiệt hại nặng nề, anh Hào cùng mọi người sắp xếp lại bàn ghế, che mưa, túc trực tại quán phòng ngừa sự cố khi bão đổ bộ.
"Xung quanh đây gió rất lớn, mưa to kéo dài vài giờ rồi và ngoài đường không có ai hết. Ai cũng như tôi thôi, đang ở nhà hoặc ở quán xá để chống chọi với cơn bão", anh Hào nói.
Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch UBND Phú Yên cho biết, dự kiến bão đổ bộ vào địa phương, tập trung mạnh nhất ở khu vực phía Bắc thị xã Sông Cầu - nơi tiếp giáp phía Nam của tỉnh Bình Định. Tại đây, mỗi xã được tăng cường 30 thanh niên xung kích, gần 200 công an và quân sự túc trực 24/24 sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân khi bão đổ bộ vào.
21h, ở TP Quy Nhơn (Bình Định), các hàng quán, nhà dân ven biển cũng hầu hết đóng cửa, đường phố vắng vẻ. Mưa lớn cùng giông mạnh, nhiều cây xanh trên đường Nguyễn Tất Thành đổ, các biển báo, mái tôn bị gió giật bay tứ tung. Gió càng lúc càng lớn, một số ít xe máy đi trên đường khá khó khăn, sóng biển đánh mạnh cao 2 - 4 m, đập mạnh vào bờ. Một số cột điện bị gãy khiến nhiều khu vực bị mất điện, cơ quan chức năng địa phương đưa lực lượng ra xử lý.
Tại Khánh Hòa, ông Lê Tấn Bản - Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, theo diễn biến đường đi của bão thì tỉnh nằm ngoài rìa. Tuy nhiên, từ chiều công tác ứng phó, di dời người dân cũng như lồng bè đã hoàn tất và chưa có ghi nhận thiệt hại.
22h, tâm bão số 5 trên bờ biển Bình Định - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20 km/h.
Ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), nơi tâm bão quét qua, gió giật mạnh kèm mưa lớn. Sóng biển đánh cao hơn 4 mét, khiến nhiều tàu thuyền ở các cảng cá bị hư hại. Nhiều tuyến đường đi lại khó khăn do cây đổ, mái tôn bay khắp nơi. Người dân hai bên đường đóng chặt cửa, không dám ra ngoài. Cổng trụ sở UBND xã Xuân Hải bị gió giật sập chắn ngang đường, gần chục dân quân được huy động để di dời.
Ông Đào Mỹ - Chủ tịch UBND Thị xã Sông Cầu cho biết chưa ghi nhận thiệt hại về người, song có 6 xã bị mất điện. "Lực lượng chức năng đã điều canô ra cưỡng chế, đưa hơn 3.000 người nuôi tôm, cá trong lồng bè trên biển vào bờ tránh bão, sơ tán hơn 830 hộ với gần 3.000 người ở các vùng nguy hiểm", ông Mỹ nói.
Thị sát ở thị xã Sông Cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết chưa có thiệt hại gì đáng kể song địa phương vẫn không chủ quan. Tàu thuyền và những người tại lồng bè ngoài biển đã được đưa vào bờ an toàn. "Dự báo Sông Cầu là tâm điểm của đường đi bão Matmo nên chúng tôi đã có nhiều phương án, túc trực để ứng phó kịp thời", ông Dương nói.
48 người trên 4 tàu vận tải bị trôi neo
Từ 22h30 đến 23h, TP Quy Nhơn mưa lặng, gió dừng. Sau đó trời có gió trở lại nhưng không mạnh như trước. 4 tàu vận tải ở vịnh Quy Nhơn bị trôi neo, mắc cạn, trong đó có một tàu quốc tịch Panama. "Nguyên nhân do sóng lớn cộng gió mạnh làm tuột dây neo, trôi xa bờ, các tàu đang nổ máy để không bị trôi xa hơn", ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.
Cơ quan chức năng sau đó điều 2 tàu cứu hộ tiếp cận các tàu bị nạn nhưng do sóng to, gió lớn nên khó tiếp cận. Qua xác minh, tàu Long Châu (Việt Nam) với 5 thuyền viên bị trôi neo, đã va chạm vào bến phao dầu An Phú. Tàu Hòa Bình 45 với 16 thuyền viên và tàu Trường Thành 26 với 8 thuyền viên đang trôi neo trước thủy diện cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va mắc cạn. Tàu quốc tịch Panama với 19 thuyền viên bị trôi neo mắc cạn vào mũi Hải Minh.
Mưa rất lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sau khi đi vào đất liền tỉnh Phú Yên và Bình Định với sức gió mạnh nhất 90km/h (cấp 9), giật cấp 11, bão Matmo suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10h ngày 31/10, trung tâm vùng áp thấp trên lãnh thổ Campuchia.
Các tỉnh trong vùng tâm bão và bị ảnh hưởng đã có mưa với lượng 150-200 mm trong 12 giờ.Trong đêm nay và ngày 31/10, phía Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung tiếp tục hứng mưa to, có nơi 300-500 mm/đợt.
Hình thành trên biển Đông ngày 28/10, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão cơn bão số 5 (tên quốc tế Matmo). Cơn bão di chuyển rất nhanh, tiến vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi phải cho học sinh nghỉ học, sơ tán dân để tránh bão. Nhiều chuyến bay đi các tỉnh dự kiến bão đổ bộ cũng bị hủy chuyến.
Xem diễn biến chính