Trong giai đoạn đầu Thế chiến I, khi bị tàu ngầm Đức gây ra nhiều thiệt hại nặng, hải quân Anh nhanh chóng nhận ra họ không có bất kỳ vũ khí hữu hiệu nào để đối phó với tàu ngầm Đức, theo National Interest.
Tàu ngầm rất dễ tổn thương khi nổi trên mặt nước, nó có thể bị pháo hạm bắn chìm hoặc chịu những cú đâm húc của tàu chiến. Nhưng chúng lại cực kỳ nguy hiểm khi lặn sâu dưới mặt nước.
Trong Thế chiến II, tàu khu trục có thể rải bom chìm để diệt tàu ngầm. Nhưng vào năm 1914, bom chìm vẫn còn là vũ khí rất mới và thô sơ. Một tàu nổi thời kỳ này chỉ có thể mang theo 6 quả bom chìm, thay vì 30 quả như tàu khu trục trong Thế chiến II. Điều đó buộc hải quân Anh sử dụng những vũ khí kỳ lạ để diệt tàu ngầm.
Một trong số đó mang tên Lance Bomb (giáo nổ). Nó gồm một thùng thép hình nón, nặng 16-18 kg và được gắn vào một cây giáo dài 1,5 m. Đầu đạn được kích hoạt bằng cách kéo chốt lựu đạn, thủy thủ có 10 giây để ném về phía tàu ngầm Đức. Mỗi tàu quét mìn Anh có thể được trang bị 4 giáo nổ loại này.
Một người khỏe mạnh có thể xoay nó trên đầu để lấy đà và ném nó ra xa khoảng 20 m. Nếu may mắn, quả giáo nổ sẽ va chạm với vỏ tàu ngầm, ngòi nổ chạm sẽ kích hoạt 3 kg thuốc nổ Amatol. Thiệt hại thực tế tùy thuộc vào vị trí va chạm, nhưng Lance Bomb không thực sự hiệu quả khi đối đầu với các tàu ngầm bọc thép. Bù lại, nó có thể được trang bị cho cả tàu cá nhỏ, miễn là trên tàu có người đủ khỏe để ném vũ khí này.
Không có thống kê chính xác về số lượng tàu ngầm Đức bị đánh đắm bởi giáo nổ. Ghi chép của Anh cho biết vào ngày 24/4/1916, tàu quét mìn "Gleaner of the Sea" phát hiện một tàu ngầm Đức mắc vào lưới cảnh giới. Hoa tiêu R. G. Hurren ném một quả giáo nổ lên boong trước tàu ngầm, gây vụ nổ lớn khiến chiếc tàu ngầm U.B.13 của Đức chìm xuống đáy biển và bị phá hủy.
Hòa Việt