Sinh viên được khuyến cáo ở trong nhà, vì khả năng cành cây gãy đổ gây nguy hiểm, đồng thời có thể cúp điện trong thời gian dài.
Stanford có khuôn viên thuộc vào hàng lớn nhất trong số các đại học ở Mỹ, với diện tích khu vực campus chính xấp xỉ cả quận 1 TP HCM. Trường có nhiều cây xanh hơn trăm tuổi, đa phần nằm ở các công viên và mảng xanh trong. Sau cơn gió kể trên, hàng chục cây cổ thụ bật gốc và gãy đổ khiến việc đi lại của sinh viên ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng không có thiệt hại nào đáng kể.
Tuần trước, ở TP HCM, một cây me tây cao khoảng 30 m, đường kính hơn một mét trong trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 cũng bị bật gốc, đổ ra đường, khiến 7 người bị chấn thương. Trong cái rủi có cái may. Cây cổ thụ này bật gốc khi học sinh đều đã vào lớp, nếu không, thương tích về người đã không dừng lại ở đó.
Trong công việc của mình, khi tham gia thiết kế kiến trúc hay quy hoạch, tôi đều mong muốn và đặt vấn đề bổ sung mảng xanh cho công trình lên hàng đầu. Lợi ích của cây xanh trong đô thị là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, trong khi tạo ra những lợi ích đó, yếu tố an toàn phải được đặt lên trên hết.
Hàng năm, ở khắp nơi tại Việt Nam vào mùa mưa bão, nhiều tai nạn cây đổ, cành gãy từng xảy ra, gây thiệt hại về người và của. TP HCM chẳng hạn, hiện có hơn 3.000 cây cổ thụ tuổi đời hơn 50 năm, theo số liệu của trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, cơ quan quản lý cây xanh trực thuộc Sở Xây dựng TP HCM. Về nguyên tắc, các cây trồng đô thị cần được chăm sóc, cắt tỉa, theo dõi và thay thế dần khi già cỗi. Tuy nhiên, cây bao nhiêu tuổi thì nên được thay thế là vấn đề có thể gây bối rối, vì chưa có nghiên cứu nào chi tiết và cụ thể giúp xác định việc này.
Ngoài ra, quá trình nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm khó tránh khỏi tại các thành phố lớn như nạo vét cống rãnh, cáp ngầm, lát đá vỉa hè... dễ làm hư hại bộ rễ, khiến các gốc cổ thụ trở nên mong manh hơn trong mưa bão. Với việc đa phần người dân Việt Nam lưu thông bằng xe máy, thương vong vì cành đổ, cây gãy càng lớn hơn.
Hiện nay tại nhiều nước, cây trồng dọc vỉa hè hay trong khuôn viên trường học thường không cao quá 15 m, có thân và cành dẻo dai, tán lá rộng lớn, hệ rễ khỏe và chịu được việc cắt tỉa, cũng như không có mùi.
Tại Singapore, khi cây xanh đạt một kích thước hoặc tuổi đời nhất định, cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra để đánh giá nên đốn hạ hay giữ lại. Việc đốn hạ, cắt tỉa và trồng mới được thực hiện luân phiên trên một trục đường, nhằm luôn đảm bảo giữ bóng mát, tránh ảnh hưởng đến cảnh quan. Những cây có chiều cao trên 20 m chỉ nên trồng ở công viên, vùng ngoại ô và ven đô thị - những nơi có diện tích đất đủ lớn cho bộ rễ cây phát triển, đảm bảo sức bám.

Những cây cổ thụ trên vỉa hè được kiểm tra, cắt tỉa hoặc đốn bỏ. Phần gốc được băm thành những mảnh gỗ nhỏ (A), mùn cưa dùng để phủ lên cây non kế bên (B). Cây xanh vỉa hè được trồng luân phiên (C) với mục đích đảm bảo luôn phủ xanh trục đường, tránh chặt bỏ hoàn toàn một lúc. Hình do tác giả chụp tại đường Dover, Singapore vào tháng 1/2018.
Việc chăm sóc cắt tỉa cây vỉa hè và trong trường học được thực hiện định kỳ mỗi 6 đến 24 tháng, đặc biệt với những khu vực có lưu lượng người đi lại nhiều và phương tiện giao thông tấp nập. Với việc tăng cường quản lý cây xanh đô thị, tai nạn do cây cối gãy đổ tại Singapore đã giảm đáng kể từ khoảng 3.100 vụ vào năm 2001 xuống còn 340 vụ năm 2020.
Cây xanh trong đô thị là một tài sản quý giá. Tuy nhiên, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu, theo hai nguyên lý: Cây cổ thụ cần được chăm sóc và đánh giá định kỳ; và chúng chỉ nằm trong công viên hoặc các mảng xanh có diện tích đất đủ lớn. Trong khi đó, cây vỉa hè là những loại có kích cỡ vừa phải, dễ cắt tỉa và thay thế. Với chiều cao trung bình, bóng đổ của cây luôn nằm trong vùng vỉa hè, tăng hiệu quả làm mát.
Để việc quản lý và giám sát hiệu quả hơn, mỗi cây trồng trong đô thị nên được gắn một mã số QR, khi scan bằng điện thoại sẽ dẫn đến đường link hiển thị các thông tin như: loại cây, năm trồng, kích thước, tình trạng, vị trí... Người đi đường nếu phát hiện cây có nguy cơ gãy cành, bật gốc, họ có thể dễ dàng scan và gọi cho đường dây nóng. Hong Kong đang thực hiện rất tốt việc này với hơn 200.000 thẻ QR được gắn số nhằm quản lý cây xanh đô thị kể từ năm 2021.

Cây trồng được gắn nhãn QR, cơ quan quản lý và người dân có thể scan bằng camera trên điện thoại để giám sát cây xanh vỉa hè và báo cáo khi có sự cố.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng có thể triển khai thông báo bằng tin nhắn gửi đến người dân khi có hiện tượng thời tiết xấu, gây khả năng đổ cây.
Với nhiều biện pháp kết hợp, tôi tin Việt Nam sẽ giảm được tình trạng cây xanh bị đột ngột thay thế hàng loạt, cũng như các tai nạn "cành rơi cây đổ" gây thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.
Trình Phương Quân