Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi lưu giữ bao hình ảnh và kỷ niệm ngọt ngào, thân thương của một thời thơ ấu. Những hình ảnh, kỷ niệm ấy mỗi khi ùa về, trong tôi lại thấy một cảm giác thanh thản và bình yên đến lạ lùng.
Tôi sinh ra ở một vùng quê trung du Bắc bộ, vùng quê của những đồi cọ. Trong ký ức tuổi thơ tôi, những cây cọ là hình ảnh rất đỗi gần gũi và thân quen. Tôi lớn lên đã thấy những cây cọ ở quanh nhà, ở dọc lối đi, những thân cọ cao vút, hiên ngang như thử thách trước gió bão của thiên nhiên. Bà tôi nói, khi bà lớn lên đã thấy những cây cọ và đồi cọ, những cây cọ con cũng thi nhau mọc ở khắp nơi. Không ai biết những cây cọ đã có mặt ở vùng quê này từ bao giờ, nhưng có một điều rõ ràng là cọ đã sinh sống tự nhiên và gắn bó với đời sống của người dân quê tôi từ bao đời nay.
Thời ấy, quê tôi vẫn còn nghèo lắm, ở quê toàn là nhà tường đất lợp mái lá cọ. Nhà lợp bằng lá cọ mát lắm, nó giúp dân quê tôi chống lại cái nắng gay gắt, oi bức của mùa hè. Tôi nhớ, cứ mỗi lần lợp lại mái nhà là nhà tôi lại rất đông vui, các bác, chú, cô và cả mấy người hàng xóm mỗi người một việc và chẳng mấy chốc mái nhà đã được lợp lên tuyệt đẹp bởi màu xanh của lá cọ. Lá cọ đã được dùng để lợp mái nhà còn phần cuống của lá cọ cũng lại được dùng vào một việc rất hữu ích, đó là chuốt rồi đan thành một tấm mành để nằm ngủ. Tôi đã được ngủ say sưa trên những tấm mành cọ như thế suốt cả thời ấu thơ.
Ngày ấy, quê tôi chưa có điện, quạt điện đâu có được dùng phổ thông như bây giờ. Thế là những chiếc lá cọ lại một lần nữa trở thành nguyên liệu để làm quạt. Quạt cọ thường được làm từ những lá cọ của những cây cọ con (cọ còn nhỏ) bởi lá cọ to vừa phải, cuống lá vừa tay cầm. Sau khi chọn được những tàu lá ưng ý thì dùng kéo cắt gọn lá cọ lại thành hình hơi tròn, cuống lá cũng được cắt ngắn lại tầm 10cm, tiếp đó dùng gạch chèn đều quanh mép quạt và phơi ra ngoài sân nắng. Khi lá cọ đã khô, lúc ấy có thể cầm quạt phe phẩy trong mùa hè khi khuất gió.
Cũng từ những chiếc quạt cọ ấy, những em bé đã ngủ ngon lành trong nôi qua bàn tay quạt của mẹ. Tôi cũng còn nhớ rất rõ, hình ảnh bà tôi với chiếc quạt cọ vừa nhai trầu, vừa kể cho chúng tôi biết bao câu chuyện cổ tích. Ông tôi cũng với chiếc quạt cọ, bên ấm chè xanh chuyện trò với những người hàng xóm... Chiếc chổi cọ cũng là một vật dụng quen thuộc của người dân quê tôi, nó giúp mẹ tôi quét sân vườn sạch sẽ, giúp thu thóc vào buổi chiều của những ngày mùa.
Có một kỷ niệm về những chiếc lá cọ mà làm tôi nhớ mãi, ấy là vào những hôm trời mưa mái nhà lâu ngày rồi cũng có một vài chỗ dột. Có một lần, giữa đêm đang ngủ, chỗ dột lại đúng vào chỗ giường tôi nằm. Thế là đang lúc đêm tối, ông tôi thì chặt lá của những cây cỏ nhỏ quanh nhà, bố tôi thì lấy thang trèo lên mái, lợp lại chỗ dột để tôi nằm ngủ không bị ướt. Giờ đây kỷ niệm của những ngày ấy giờ đây mỗi khi nhớ lại tôi lại thấy một nỗi niềm rưng rưng trào dâng trong lòng tôi. Và hơn bao giờ hết, hình ảnh những cây cọ với tôi là một điều vô cùng gần gũi và thân thương.
Với tuổi thơ của những đứa trẻ quê chúng tôi, đồi cọ là cả một thế giới diệu kỳ và vùng trời kỷ niệm. Trên đồi cọ, chúng tôi có thể tha hồ vui chơi, tha hồ chạy nhảy, hò hét mà không sợ người lớn la mắng. Chúng tôi chơi đủ thứ trò chơi, nhưng có lẽ trò đánh trận giả làm chúng tôi thích thú nhất. Sau khi chơi chán, mồ hôi ướt đầm, mặt mũi nhem nhuốc, chúng tôi lại nằm dài, ngửa mặt lên trời mà ngắm tán lá cọ râm mát.
Đối với tôi, những giây phút ấy thật thanh thản và thỏa mái. Tôi cứ nằm như thế và đeo đuổi theo những tưởng tượng, suy nghĩ viển vông, cái suy nghĩ của một đứa trẻ thích tưởng tượng. Những đứa con gái thì không nghịch ngợm như chúng tôi, chúng chơi trò chốn tìm rồi tha thẩn bên những bụi sim mà hái quả. Lũ con trai chạy đến tranh cướp, thế là tiếng cãi vã, tiếng khóc thút thít của một đứa con gái, tiếng cười đắc thắng của một đứa con trai vang lên... Chúng tôi đã làm náo động cả đồi cọ.
Những cây cọ cũng là nơi để chim chìa vôi, chim chào mào làm tổ rất nhiều. Tôi thường trốn ngủ trưa để theo lũ bạn lên đồi cọ, trèo lên thân cọ tìm những chú chim non về nuôi. Những con chim non mới cuốn hút làm sao. Cứ tưởng tượng ra khi được cầm trên tay một chú chim non với cái miệng há to kêu đòi ăn là tôi không kìm được. Trời nắng, đòn roi của bố mẹ tôi không sợ, chỉ sợ không được lên đồi cọ để bắt chim. Một điều thú vị nữa mà tôi không thể không kể ra đây đó là cái mùi vị đặc biệt của quả cọ. Tôi chắc chắn rằng, những ai đã lớn lên từ những đôi cọ, hoặc đơn giản chỉ một lần ăn quả cọ sẽ nhớ mãi không quên.
Quả cọ khi chín thường có màu tím than sau khi lấy xuống khỏi ngọn cây, cho vào nước nóng già (công việc này người dân quê tôi gọi là ôm cọ) sau một thời gian nhất định, lấy tay bóp nhẹ thấy quả cọ đã mềm là khi ấy cọ đã chín. Nhẹ nhàng tách đôi quả cọ ra, một màu vàng óng xuất hiện, ta đã có thể ăn ngay và cảm nhận được cái vị bùi bùi và ngầy ngậy của quả cọ. Môi tôi đã từng bóng nhẫy mỗi khi ăn cọ bởi chất dầu của quả cọ tạo nên.
Cuộc sống ngày một đổi mới, quê tôi cũng đã qua thời nghèo khó. Những mái nhà ngói, nhà mái bằng, nhà tầng mọc lên để thay thế cho những nhà tường đất lợp mái lá cọ xưa kia. Những đồi cọ bị người ta chặt đi để làm trang trại, chặt đi để trồng keo, trồng bạch đàn. Quanh nhà tôi cọ cũng bị chặt đi để trồng cây ăn quả. Thế là lác đác đâu đó chỉ còn thưa thớt vài đôi cọ mà thôi.
Giờ đây khi về quê, tôi không còn được nhìn thấy ngay những cây cọ quen thuộc nữa. Đêm về, khi đi ngủ không còn được nghe tiếng mưa rào rào trên những tàu lá cọ, một cảm giác mà hồi nhỏ tôi vô cùng thích thú. Một hình ảnh đã vô cùng quen thuộc với tuổi thơ tôi giờ đây rồi sẽ không còn nữa. Tôi cũng cứ mãi ngẩn ngơ, tiếc nhớ một hình ảnh đã gắn bó với bao đời. Tôi tin chắc rằng những người dân quê tôi, cũng như tôi ở một nơi nào đó sâu thẳm trong trái tim mình sẽ nhớ mãi hình bóng những cây cọ đã gắn liền với đời sống của một thời đâu dễ gì quên được.
Lê Minh Hải