
Cây cầu mới nối giữa thành phố Đan Đông của Trung Quốc và Sinuiju của Triều Tiên. Ảnh: AP.
Ở bên Triều Tiên, cây cầu chỉ là đoạn đường bụi bẩn nằm giữa những cánh đồng lúa, kênh truyền hình thông tấn APTN mô tả hồi tháng 9. Không có trạm nhập cảnh hay đồn hải quan nào. Các làn đường trên cầu chưa được hoàn thiện.
Buổi lễ khánh thành đầy mong đợi của cây cầu bắc qua sông Áp Lục, dự kiến là vào ngày 30/10, đã không diễn ra như kế hoạch. Không có dấu hiệu nào cho thấy tuyến đường sẽ sớm sẵn sàng phục vụ thông thương.
Global Times, tờ báo của đảng cầm quyền Trung Quốc viết về sự bất bình của người dân ở Đan Đông, thành phố miền biên giới đông bắc Trung Quốc, trước tình trạng trì hoãn của công trình mà họ hy vọng sẽ là quả bom kinh tế đối với họ. Bài báo cho biết cây cầu khổng lồ, dài 3 km, đã bị hoãn "vô thời hạn". Bắc Kinh và Bình Nhưỡng chưa có bình luận chính thức nào.
Theo các nhà phân tích nước ngoài, trì hoãn cho thấy rằng Bình Nhưỡng đang thận trọng trước ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, sự ảnh hưởng này đang gia tăng bởi Bình Nhưỡng ngày càng bị các đối tác tiềm năng cô lập vì chương trình hạt nhân, nhân quyền cùng nhiều vấn đề chính trị khác.
Kể từ khi thành lập, Triều Tiên đã rất thận trọng trong việc quá phụ thuộc vào một trong hai cường quốc láng giềng, là Trung Quốc và Nga. Xu hướng đó dường như đang lặp lại.
Truyền thông chính thống Triều Tiên thời gian gần đây ít đề cập đến hoạt động buôn bán với Trung Quốc nhưng lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giao thương và quan hệ chính trị với Nga. Hôm 17/11, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cử ông Choe Ryong-hae, Bí thư đảng Lao động Triều Tiên, làm đặc phái viên sang Nga để thảo luận cách thức củng cố quan hệ hai nước.
Hơn nữa, việc thắt chặt hơn quan hệ với Moscow còn "pha loãng" ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc trở nên rõ ràng khi Triều Tiên quyết định tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên năm 2006. Bắc Kinh từng nhiều lần kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng bất thành. Bình Nhưỡng, trong khi đó, nhanh chóng tự thực hiện một số dự án xây dựng lớn, bao gồm sân bay quốc tế mới ở thủ đô và các khu nhà cao cấp.
So với Triều Tiên, Trung Quốc được cho là quan tâm nhiều hơn đối với cây cầu ngay từ khi nó bắt đầu được xây dựng. Đây là dự án sẽ tạo ra mối liên kết giữa thành phố Đan Đông và vùng đặc khu kinh tế Sinuiju của Bình Nhưỡng. Nói rộng hơn, Trung Quốc muốn gia tăng thâm nhập vào Triều Tiên. Điều này cho phép những tỉnh không giáp biển ở đông bắc Trung Quốc có thể tiếp cận các cảng của Triều Tiên. Nhờ đó, hàng hóa Trung Quốc có thể xuất khẩu hoặc đưa xuống vùng biển phía dưới với chi phí rẻ hơn.
Cây cầu cũ, xây dựng vào năm 1937 khi Triều Tiên còn là thuộc địa của Nhật Bản, có một tuyến đường sắt, đường cho ô tô và xe tải. Tuy nhiên, các phương tiện chỉ có thể di chuyển một chiều tại một thời điểm. Thông thường, phương tiện sẽ đi theo một chiều vào buổi sáng và chiều ngược lại vào buổi chiều.
Bình Nhưỡng cho biết vẫn quan tâm tới việc thúc đẩy ngoại thương tại Sinuiju và nhiều khu vực khác. Các quan chức Triều Tiên tham gia dự án ở Sinuiju nói cây cầu là một nhân tố quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng, đưa thương mại và đầu tư nước ngoài vào khu vực đặc biệt chiến lược của đất nước.
Hy vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực rộng 40 km2, phần lớn vẫn là đất nông nghiệp, ở Sinuiju vẫn chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, Kim Hak-yong, một quan chức trong chính quyền Triều Tiên, cho biết hy vọng về tương lai của Sinuiju vẫn còn khá cao.
Theo Hajime Izumi, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Shuzuoka, Nhật Bản, việc trì hoãn cây cầu diễn ra trong lúc Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa hai nước, chuyển từ liên minh và hữu nghị trong quá khứ sang mối quan hệ thực tiễn hơn, dựa trên lợi ích chung. Nhưng Triều Tiên cũng có thể đơn giản chỉ là đang đợi người Trung Quốc rót thêm tiền.
Như Tâm