Nhiều lần, khi ngồi học trên tầng cao thư viện Kelburn trường Victoria ở Wellington hay khi chu du trên những vùng đất New Zealand xinh đẹp, tôi đã may mắn được thấy cầu vồng, khi lộng lẫy, khi mờ ảo, khi là một vòng cung rực rỡ, khi là một mảnh khuyết lơ lửng, thậm chí là cả cầu vồng đôi.
Chưa ở đất nước nào tôi được thấy nhiều cầu vồng đến vậy. Từ đó, hình ảnh có tính chất biểu tượng New Zealand, với riêng tôi, là cầu vồng.
Xanh lam
Với tôi, mọi thứ về New Zealand bắt đầu từ màu xanh lam. Tôi hạ cánh ở Wellington một chiều xuân đẹp nắng, lập tức bị hớp hồn bởi sắc xanh thẳm đến lạ lùng của trời và biển tôi chưa từng thấy.
Nó trong veo nhờ độ sạch của không khí và sáng rực nhờ ánh sáng đặc biệt của mặt trời vùng gần cực nam, như trong tranh của các họa sỹ trường phái ấn tượng. Từ đó, màu xanh ấy luôn nhắc tôi về vẻ đẹp huyền diệu của thiên nhiên New Zealand.
Thiên nhiên nước nào cũng đẹp, nhưng ở đây, nó gần gũi với con người một cách đặc biệt. Chỉ cần mở cửa là thiên nhiên ùa vào làm những giác quan rung lên. Tràn đầy lồng ngực là luồng khí trời tươi sạch phảng phất mùi cỏ khô mới cắt mùa hè hay mùi lá mục mùa thu, bên tai là tiếng chim ríu ran ngày nắng hay tiếng gió rít ngày mưa, trước mắt là màu hoa cỏ thay đổi theo mùa, và sắc xanh của biển và trời những ngày trời đẹp.
Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về sự đa dạng về phong cảnh địa lý của New Zealand. Có nơi bãi biển thoai thoải mênh mang, lại có nơi bờ biển dựng đứng vách đá lô xô, có những dãy núi điệp trùng và có cả những đỉnh núi cao cô độc, có những vùng đất ngập nước và những vùng bình nguyên xanh.
New Zealand có những hồ nhỏ êm đềm và cả những hồ lớn mênh mông như biển, có sông nước cuộn chảy tung bọt trắng, có sông băng như bức trường thành tráng lệ.
Bên cạnh đó, đất nước này có những vịnh (fiord) với đảo núi nhấp nhô, những cửa sông êm đềm, có rừng cây hỗn hợp đổ vàng mùa thu đảo Nam, lại có rừng ẩm ướt nhiều tầng xanh quanh năm nơi đảo Bắc.
Dù là hoang sơ hay có chút tô điểm của bàn tay con người, phong cảnh nơi đâu cũng diễm lệ đến ngất ngây. Không phải ngẫu nhiên mà New Zealand được chọn làm nơi quay cho những bộ phim có bối cảnh thiên nhiên hoành tráng như The Last Samurai, Lord of the Rings, Kingkong.
Đến với thiên nhiên New Zealand, tôi đã được sống trong nhiều cung bậc cảm xúc. Có những cảnh trí khiến tôi choáng ngợp, sững sờ, như đỉnh cao vời vợi Aorea Mt Cook hay một miền núi lửa xa xưa trên đèo Togario. Có cảnh khiến tôi phấn khích như thác Huka cuộn chảy, lại có khi cảm thấy bình yên đến nao lòng trước một mái nhà gỗ nép dưới một rừng thu đổ lá ở Arrow Town.
Tôi đã được thấy những sông trong biếc như băng, những hồ lưu huỳnh xanh như ngọc, những đỉnh núi phủ tuyết như bạc, những tán cây dưới ánh tà rực rỡ như vàng, những cánh đồng mướt rượt màu cỏ với đàn cừu trắng tựa mây.
Trước những cảnh sắc thiên nhiên say đắm lòng người như thế, có lúc tôi thấy bất lực. Bất lực vì chiếc máy ảnh không ghi nổi lấy một phần trăm của vẻ quyến rũ ấy, vì tôi không đủ ngôn từ để tả lại và vì không cách nào níu giữ được cái ánh trời kỳ diệu đang biến đổi từng phút.
Không chỉ được ngắm nhìn, tôi đã được uống dòng nước mát lạnh từ băng tuyết kết tinh từ hàng thế kỷ, đã được chạm tay vào những tảng đá mà hàng triệu năm trước là dung nham phun trào nóng bỏng, đã đi dưới bóng những cây hàng trăm năm tuổi.
Vào những khoảnh khắc như thế tôi cảm thấy mình được kết nối với Mẹ Trái đất, với những thời kỳ hồng hoang của những vận động địa lý xa xưa. Tôi vừa thấy mình sao bé nhỏ trước đất trời mênh mông, nhưng cùng lúc, lại thấy mình được là một phần của thiên nhiên bao la ấy.
Giới động thực vật đặc hữu kỳ lạ của New Zealand lại là một sự ngạc nhiên lớn nữa. Này nhé, ở New Zealand không có rắn và một phần vì vậy, có nhiều loại chim không hề bay như kiwi, pukeko.
Thực vật cũng là một vương quốc mê hồn với những loài cây không đâu có. Vậy là, khi bạn ngắm sắc đỏ chói lọi của hàng cây Pohutukawa trên nền xanh thẳm của trời và biển, hay khi bạn quan sát một chú thằn lằn Tuatara là bạn may mắn chiêm ngưỡng những quà tặng sống vô giá mà Mẹ Trái đất chọn New Zealand là người đại diện nhận cho cả thế giới. Muôn loài dường như sống hiền hòa bên con người.
Tôi đã thấy tận mắt thỏ và sóc nhảy quanh đám cỏ, thấy cá heo tung tăng trên vịnh Oriental, và thật ngạc nhiên, cả chim cánh cụt xanh trong bến thuyền Wellington – chứng tỏ môi trường rất sạch và con người yêu quý động vật.
Tôi không chỉ sống trong vòng tay thiên nhiên mà còn sống trong một cộng đồng yêu thiên nhiên như máu thịt. Người dân New Zealand chuộng những môn thể thao gắn với thiên nhiên như trekking[ 1], bơi thuyền vượt thác, leo núi, và nghĩ ra môn thể thao độc đáo bungee jumping [2], hẳn một phần là nhờ lòng yêu thiên nhiên của họ.
Những vẻ đẹp tự nhiên tôi được chiêm ngưỡng, ngoài công sức của tạo hóa, thì một phần đáng kể là nhờ người dân New Zealand bấy lâu giữ gìn không chỉ với lòng yêu, sự tôn trọng, mà còn cả với sự hiểu biết. Tiếp xúc với họ, tôi khẳng định thêm suy nghĩ này.
Tôi đã từng thấy một giáo sư già nhặt một túi nilon mà một người nào vô ý bỏ lại trên sườn núi Kaukau (Wellington), cất vào túi áo để khi xuống núi cho vào thùng rác. Tôi thấy một cậu thanh niên vớt và đập bỏ trái bóng bay ai làm rớt trong ao ở vườn Bách thảo Wellington để chất cao su không làm ô nhiễm nước và làm hại các chú vịt.
Tôi thấy một sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm một mình tự nguyện dọn rác trên bãi biển Paraparaumu. Tôi thấy các tình nguyện viên mang con nhỏ tới bãi trồng cây để các em học yêu thiên nhiên ngay từ bé.
Những việc làm giản dị ấy góp phần tạo ra một văn hóa ứng xử nhân văn với tự nhiên, có ý nghĩa rất nhiều với Mẹ Trái đất. Tôi học được điều đó ở họ, và khi trở về Việt Nam, tôi đã mạnh dạn hơn trong “hành động xanh” của mình.
Hai năm ở New Zealand, tôi luôn tìm đến thiên nhiên để được được ban tặng và được sống trong những cung bậc cảm xúc tinh tế nhất. Thiên nhiên, như một liều sinh dược, làm tràn đầy trong tôi năng lượng sống và sức sáng tạo để tôi làm việc, vui sống, sáng tác ảnh… và cả làm thơ.
Cái sắc xanh pha lê ấy, vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên ấy và những cảm xúc mà nó mang lại cho tôi vẫn theo tôi đến bây giờ và đã trở thành một trong những ký ức đẹp nhất của đời tôi.
Đỏ thắm
Nếu những tháng ngày New Zealand của tôi là một cầu vồng, thì màu đỏ của nó được tô thắm bởi những hoạt động tình nguyện.
Ngay khi mới tới Wellington, tôi đã rất nhanh chóng cảm nhận được hơi thở tình nguyện bao quanh mình. Không rầm rộ, ít tuyên truyền, các hoạt động tình nguyện diễn ra thường nhật như một phần của đời sống.
Những thiếu niên ngày ngày cầm cờ dắt trẻ sang đường, những cụ già bán thủy tiên vàng góp cho quỹ chống ung thư, những sinh viên bản ngữ kèm tiếng Anh cho sinh viên quốc tế, những giáo dân góp quà Giáng sinh cho trẻ nghèo, những nghiên cứu sinh trường Victoria hướng dẫn du khách trong Bảo tàng Te Papa…
Đi đâu cũng có thể gặp tình nguyện viên, đến mức có thể nói, làm quen với một người, nhiều khi là đồng nghĩa làm quen với một dân tình nguyện. Qua những tiếp xúc ban đầu ấy, tôi đã cảm nhận được bằng trực quan tính giản dị và độ phủ rộng của hoạt động tình nguyện nơi đây.
Những gì mắt thấy tai nghe thúc đẩy tôi tham gia. Cơ hội tình nguyện mà New Zealand tặng cho tôi thật nhiều và phong phú như bảo vệ môi trường, y tế, gây quỹ từ thiện, chăm sóc người già.
Khởi đầu, tôi chọn một việc mình đã quen làm ở Việt Nam là hiến máu nhân đạo. Tôi đã có những trải nghiệm mới về một việc tưởng đã quen. Sự thân thiện, chuyên nghiệp, và cả sự hài hước của các nhân viên New Zealand Blood đã làm tôi rất yên tâm, thoải mái và điều đó động viên tôi tiếp tục trở lại chiếc xe lưu động của New Zealand Blood.
Đến giờ, tấm thẻ New Zealand Blood vẫn được tôi giữ gìn cẩn thận và tự hào. Tìm hiểu thêm, tôi được biết những hoạt động tình nguyện ở Wellington được tổ chức rất tốt trong mạng lưới Wellington Volunteer. Họ sẽ giúp bạn tìm được những công việc tình nguyện vừa sức và đưa bạn vào cộng đồng tình nguyện thân thiện.
Nhưng không chỉ có những hoạt động của các tổ chức lớn mà những dự án nhỏ, có cái là tự tổ chức, cũng rất hiệu quả. Chỉ từ một thông báo của bạn bè trên Facebook, vậy là tôi thấy mình cùng hàng chục thanh niên khác, cặm cụi dọn rác trên bờ vịnh Island và vịnh Owhiro suốt một chiều.
Họ cũng không biết nhau từ trước, chỉ tụ lại cùng nhau cho một ngày tình nguyện rồi lại chia tay, mà trong ngày tình nguyện ấy, ai cũng làm việc nhiệt tình, tự giác. Rồi hai bạn tôi, một người gốc Việt, một người gốc Campuchia, tự tổ chức gây quỹ giúp hai trường hợp người nghèo bệnh nặng ở quê nhà.
Những ngày chúng tôi bán bánh hotdog trước siêu thị New World Thordon để quyên góp, trời mưa to gió lớn mà tôi thấy ấm áp vì nhiệt tình và tấm lòng của các bạn tôi, vì thiện chí của những nhân viên New World, vì hảo tâm của những khách mua, và vì sự động viên chân tình của một giáo sư trường Victoria. Số tiền quyên được ấy, các bạn tôi đã tìm cách trao tận tay cho người cần nó.
Càng ngày, tôi càng thấm hơn về chiều sâu của công tác tình nguyện nơi đây. Nó không phải là phong trào, nó là một giá trị New Zealand phổ quát. Cộng đồng tình nguyện ấy to lớn, đủ các tầng lớp và màu da, và với nhiều người, tình nguyện đã ngấm vào máu thịt.
Trong dự án trồng cây của tổ chức South Environment Asociation thực hiện ở Te Koupahou Reserve gần vịnh Owhiro Bay mà tôi thường tham gia vào các thứ bảy, có đủ thành phần, từ luật sư, viên chức, nội trợ, sinh viên, thiếu niên, phụ lão 80 tuổi, cả những bé vài tuổi được bố mẹ đưa đi cùng.
Họ khác nhau nhiều thứ, kể cả ngôn ngữ, nhưng họ giống nhau ở tinh thần cống hiến và trách nhiệm cộng đồng. Điều làm tôi khâm phục là tính tổ chức, sự tận tụy và bền bỉ của họ: họ, đơn giản, là làm việc với sự tận tâm hàng năm trời với dự án.
Còn điều làm tôi cảm động là sự giản dị và thầm lặng. Họ chỉ nói về những gì cần phải làm và chưa làm được. Còn những thành tựu và cống hiến đáng kể của họ, mãi sau tôi mới được biết: nhờ họ, một khu vực khá rộng gần vịnh Owhiro đã được giữ lại như một khu bảo tồn sinh thái.
Làm tình nguyện ở Việt Nam hay New Zealand đều giống nhau ở điểm là tôi có thêm những người bạn đáng quý, thêm kiến thức và kỹ năng mới, thêm cơ hội để chia sẻ, để thấy mình có ích. Nhưng điều mới tôi học được từ đây là cách tư duy sáng tạo hơn và độc lập hơn khi làm tình nguyện mà tôi có thể áp dụng ở quê nhà.
Cảm ơn những người bạn tình nguyện của tôi. Những dòng này là để tặng các bạn – các bạn chính là sắc đỏ rực sáng trong “Cầu vồng New Zealand” của tôi.
Xanh lá
Trong số những biểu tượng của New Zealand, tôi đặc biệt thích cây dương xỉ bạc (silver fern). Nó chinh phục tôi bởi vẻ duyên dáng của nhành cây, màu xanh mát mắt của sắc lá, và cái dáng cứng cỏi của thân cây. Màu xanh của lá dương xỉ là màu đại diện của những giá trị New Zealand mà tôi cảm phục, trân trọng và yêu mến.
Không cảm phục sao được trước tinh thần khám phá và tự lực tự cường DIY (do it youself). Những chủ nhân đầu tiên của New Zealand là người Maori và những người định cư châu Âu sau này đều là những người chinh phục thử thách, những người tiền phong, tự mình gây dựng lên tất cả trên vùng đất mới.
Với truyền thống ấy, người New Zealand luôn tự hào rằng khám phá và DIY đã ngấm trong gen của họ. Bởi vậy, không gì ngạc nhiên khi trong lịch sử khám phá thế giới của nhân loại, có tên những người con của Ateoaroa.
Đó Alexander Tunzelmann, chàng thanh niên New Zealand 17 tuổi trong đoàn thám hiểm của thuyền trưởng Kristensen tới Nam Cực năm 1895 và trở thành người đầu tiên trên thế giới bước chân lên châu lục hoang sơ ấy.
Đó là Edmund Hilary năm 1953 đã chinh phục thành công đỉnh Everest và đánh dấu tầm cao mới của loài người; đó là Ernest Rutherford (1871 - 1937) - nhà vật lý và hóa học nổi tiếng với những nghiên cứu về nguyên tử đã đoạt giải Nobel hóa học 1908.
Giờ đây, tinh thần ấy vẫn được tiếp nối khi New Zealand luôn đặt lên hàng đầu yêu cầu về Excellence (chất lượng vượt trội) mà được hiểu là vươn cao hơn, tư duy phản biện, hành động kiên quyết và sẵn sàng chấp nhận thử thách.
Nhờ vậy mà New Zealand đã đạt được những thành tựu phát triển đáng khâm phục, trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về chất lượng cuộc sống [3] và đạt chỉ số phát triển con người rất cao [4].
Không trân trọng sao được khi ở đây, dân chủ và sự công bằng đã được đưa lên thành những giá trị phổ quát.
New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận quyền bầu cử của phụ nữ (năm 1893) và hiện là quốc gia duy nhất công nhận ngôn ngữ ký hiệu New Zealand (NZSL). Đây là ngôn ngữ chính thức (năm 2006), bên cạnh tiếng Maori và tiếng Anh. New Zealand có đến 10,4% chỗ làm trong khu vực công hiện dành cho người khuyết tật [5].
Sự tham gia trở thành quyền lợi hàng đầu của người dân mà chính quyền và xã hội có trách nhiệm đảm bảo. Những sự công nhận chính thức và những số liệu thống kê này chỉ là một vài trong số nhiều ví dụ cho thấy cả một hệ thống chính trị và xã hội tôn vinh dân chủ và bình đẳng, bất kể sự khác biệt về văn hóa, chủng tộc, giới tính.
Nhưng những giá trị ngày nay tưởng như là tất yếu ấy không phải bỗng nhiên có. Nó là kết quả của nhiều năm đấu tranh và nỗ lực tự hoàn thiện mình của người dân người dân New Zealand.
Những câu chuyện về phong trào chống phân biệt chủng tộc trong môn rugby [6] đã gây ấn tượng mạnh với tôi bởi nó cho thấy sự quyết liệt khi những người dân New Zealand hiền hòa chấp nhận xung đột nội bộ, đấu tranh với chính mình để bảo vệ sự bình đẳng và quyền con người.
Không yêu mến sao được khi ở đây sự thân thiện và hòa đồng đã thành phong cách sống của người dân.. Có lẽ, phong cách ấy bắt nguồn từ thái độ rất nhân văn đối với bản sắc riêng và sự khác biệt.
Trẻ em từ nhỏ đã luôn được dạy rằng cần phải quý trọng bản sắc của mình nhưng cũng phải tôn trọng sự khác biệt. Nhờ đó, những cộng đồng người khác chủng tộc, khác ngôn ngữ có thể cùng chung sống hòa bình và đều được tạo điều kiện để bảo tồn văn hóa truyền thống của họ, đồng thời được chia sẻ và giao lưu với những cộng đồng khác.
Từ những hoạt động giáo dục, trình diễn nghệ thuật và mỹ thuật, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, thi đấu thể thao, đến kiến trúc, trang phục và ẩm thực, đều cho thấy sự hài hòa trong đa dạng. Yêu cái đẹp, trọng văn hóa, nên con người càng tử tế. Khi ở đây dù tới đâu tôi cũng dễ dàng tìm được sự giúp đỡ nhiệt tình từ người dân, từ nhà trường, từ các cơ quan công quyền. Điều đó làm tôi rất cảm động.
Không chỉ thân thiện với con người, người dân New Zealand còn ứng xử rất nhân văn với giới tự nhiên. Bởi vậy, New Zealand giữ được một phần không nhỏ món quà vô giá mà Mẹ Trái đất đã ban tặng.
Đó là hệ thực động vật bản địa nhiều loài quý hiếm có một không hai, là rừng bao phủ tới 80% diện tích cả nước, là những suối những sông mà nước của nó có thể uống được trực tiếp, là bầu không khí trong lành tinh sạch. Lòng yêu mến và biết ơn thiên nhiên cũng đã thành nếp nghĩ, nếp sống của người dân New Zealand như một giá trị cốt lõi.
Nói đến giá trị, chính là nói đến thái độ, đến niềm tin và cách ứng xử. Từ những hiểu biết của mình về đất nước và con người New Zealand và những trải nghiệm cá nhân có được qua hai năm học ở New Zealand, tôi khẳng định rằng họ thực sự tin vào sự công bằng và bình đẳng.
Người New Zealand tin vào sự hòa hợp trong đa dạng, tin vào tinh thần tự cường chinh phục khó khăn và nhất là họ tin rằng những giá trị ấy là yếu tố căn cốt kết nối họ lại với nhau để cùng nỗ lực.
Hơn thế, họ thực sự hành động theo niềm tin ấy. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cho người dân và bảo vệ môi sinh mà New Zealand đạt được như chúng ta đang thấy chẳng phải là bằng chứng thuyết phục nhất đó sao. Những giá trị New Zealand ấy quả thật giống như cây dương xỉ bạc: cứng cỏi, luôn xanh với sức sống mãnh liệt và tầm vươn cao.
Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, và trắng
Hai năm ở New Zealand là hai năm tôi lãng du trong một thế giới văn hóa kỳ thú muôn màu mà tôi có thể viết hàng trang không hết. Nhưng nếu chỉ có 1.000 từ để viết, tôi xin dành cả 1.000 từ cho sự đa dạng, điều mà theo tôi, là đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa New Zealand ngày nay.
Điều trước tiên và rất dễ thấy về sự đa dạng này chính là sự pha trộn độc đáo của văn hóa Maori và văn hóa Châu Âu. Nét nổi bật của văn hóa Maori là sự mạnh mẽ, và tinh thần mạo hiểm bắt nguồn từ đời sống gắn kết mật thiết với thiên nhiên.
Nó được thể hiện trong ba màu truyền thống đỏ, đen và trắng trên trang phục Maori, trên waka [7], hay trên marae [8] gợi cảm giác về những xung lực vừa tràn trề, vừa ẩn tàng; thể hiện trong các điêu khắc truyền thống, trên moko [9], trong các truyền thuyết cổ xưa, và cả trong lịch sử các bộ lạc.
Kể từ khi người châu Âu tới miền đất này, đã có những thời kỳ va chạm văn hóa giữa hai bên, nhưng hiện nay hai nền văn hóa khác nhau ấy đã sánh đôi và hòa quyện thành một Văn hóa New Zealand độc đáo.
Tôi đã đi Rotorua và Taranaki, nơi những hơi thở Maori còn nóng hổi. Tôi đã đi Christchurch và Dunedin, nơi những di sản châu Âu vẫn sừng sững và tôi sống hai năm ở Wellington, nơi tụ hội và đan xen văn hóa, bởi vậy tôi cảm nhận được sự hòa quyện ấy.
Nếu mà bạn được xem The All Blacks [10] đồng diễn Haka trước một trận đấu lớn. Rugby và Haka - Bóng bầu dục châu Âu và điệu chiến vũ của thổ dân Maori, đó thật là ví dụ sinh động và độc đáo về sự hòa hợp trong đa dạng.
Từ các châu lục và các quốc đảo Thái Bình Dương, các cư dân mới của New Zealand đã làm giàu có hơn sự đa dạng văn hóa. Sự đa dạng ấy có thể cảm nhận bằng trực quan.
Trường Victoria tôi học có tới hàng ngàn sinh viên quốc tế. Khu nhà tôi trọ cứ như một ngôi làng thế giới vậy bởi những đôi câu đối đỏ trên cửa gia đình người gốc Hoa, tiếng nhạc qua cửa sổ cho biết chủ nhân gốc Do Thái, còn mùi xúp hành từ căn bếp nọ như ngầm bảo về nguồn gốc châu Âu của gia chủ.
Còn Wellington thì thật xứng danh thủ đô văn hóa quốc tế. Ở khu trung tâm, tính chất quốc tế hiển hiện trên từng góc phố. Kia, trang phục của người Á, người Phi, người Âu đủ cả, rồi nữa, tiếng Anh nói bằng giọng kiwi, giọng Nam Mỹ, giọng Trung Âu, giọng Carribe, có hết.
Các áp phích quảng cáo các chương trình văn hóa nghệ thuật quốc tế cũng giúp ta hình dung rõ hơn về sự đa dạng. Sự đa dạng trong đời sống tín ngưỡng thể hiện qua sự hiện diện của nhà thờ công giáo, nhà thờ tin lành, chùa phái Nam Tông, thánh đường Hồi giáo, nhà thờ Do thái giáo – tôi đã thấy, đã được viếng thăm.
Thư viện Wellington và những chợ sách cũ với ấn phẩm đủ mọi thứ tiếng (có cả sách tiếng Việt) là một cách thú vị cho những người ham đọc du hành xuyên văn hóa.
Với những ai muốn khám phá văn hóa bằng con đường ẩm thực, Wellington là lựa chọn luôn đúng vì nó có đủ các tiệm ăn của các nền ẩm thực lừng danh như Ý, Pháp, Trung, cho đến những bếp ít được biết hơn nhưng không kém phần độc đáo như Campuchia, Iran, Hàn, Việt, Mexico.
Ở đó, bạn được thưởng thức không chỉ những món ăn, mà còn cả âm nhạc, cả ngôn ngữ, và cả một không gian văn hóa nho nhỏ thấm đẫm hương vị một đất nước xa.
Với riêng tôi, trải nghiệm văn hóa giản dị nhưng sâu lắng là Âm nhạc đường phố Wellington mà sự đa dạng của nó mang cho tôi sự hưởng thụ tinh thần phong phú.
Tôi đã thấy những nữ sinh trường nhạc réo rắt cenlo và violin bên ga tàu, đã lặng nghe bản Cavatina trên guitar gỗ bên một quầy cà phê đóng cửa một sớm thu. Tôi đã huýt sáo theo nhạc Beatles hoài niệm cạnh trạm xe bus, đã búng tay theo nhịp raggy hưng phấn khi một chàng Jamaica tóc bện chơi trống trên đường Cuba nhộn nhịp
Tôi như bị mê hoặc khi tù và gỗ và khèn tre của nhóm nhạc gia đình Bolivia ở chợ chủ nhật tấu lên những giai điệu tưởng như đến từ những đền đài Inca bí ẩn và rưng rưng nhớ nhà khi nghe cụ già người Hoa kéo những nốt hiu hắt buồn trên đàn nhị.
Âm nhạc của những nghệ sỹ đường phố ấy đẹp một cách đặc biệt bởi nó bất ngờ làm dịu lại sự căng thẳng của nhịp sống hối hả. Nó bất ngờ khiến một lần đi chợ bỗng phảng phất chất thơ đời thường, nó bất ngờ rung những kỷ niệm xưa,\ và bất ngờ, nó nhen lên ước mơ về những vùng đất xa.
Ẩm thực và âm nhạc đường phố là biểu hiện đời thường sống động và bình dị của sự đa dạng văn hóa. Rồi những nét đời thường ấy tuôn trào, vút cao và tỏa sáng trong những ngày lễ hay lễ hội cộng đồng như Ngày Watangi của New Zealand [11], Cuba Street Carnaval, New Zealand 7, tết Âm lịch của người Hoa, người Việt, lễ Dhiwali của người Ấn, khi mà âm nhạc, ẩm thực, ngôn ngữ, ánh sáng, sắc màu tràn ngập thành phố làm niềm vui tràn ngập trái tim.
Nền văn hóa rất đa dạng của New Zealand cũng là một cầu vồng rực rỡ, và chính bảy sắc ấy lại hòa quyện với nhau với nhau tạo thành sắc trắng, như màu những dải mây dài trên bầu trời cao thẳm của vùng đất Aotearoa.
Chú thích:
[1] Du lịch lữ hành, khám phá, có chút mạo hiểm
[2] Là môn thể thao mạo hiểm, người chơi buộc chân vào dây và buông mình từ cao xuống để hưởng thụ cảm giác rơi tự do và cảnh trí thiên nhiên.
[3] Theo báo cáo năm 2013 về chất lượng cuộc sống của tổ chức các nước OECD.
[4] NZ đứng thứ 6 trong bảng tổng sắp chỉ số HDI năm 2013 của UNDP.
[5] Theo báo cáo năm 2008 của Human Right Commission NZ.
[6] Môn bóng bầu dục – môn thể thao được ưa chuộng nhất ở NZ và cũng là môn khẳng định vị thế của NZ trong làng thể thao thế giới.
[7] Chiến thuyền của người Maori
[8]Nhà cộng động truyền thống của người Maori
[9] Nghệ thuật xăm mặt truyền thống của người Maori
[10] Đội tuyển rugby quốc gia New Zealand được gọi là The All Black, dựa vào đồng phục màu đen của họ.
[11] Là ngày lễ quốc gia, được tổ chức vào ngày 6 Tháng Hai hàng năm để kỷ niệm việc ký kết hiệp ước giữa các bộ lạc Maori với chính quyền Anh đã diễn ra tại Waitangi năm 1840.
Nguyễn Trang Thu