"Xây cầu không chỉ phục vụ giao thông, mà cần xác định mục tiêu phía sau là phát triển khu cảng Sài Gòn thành trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế", TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP HCM, nói tại hội thảo ảnh hưởng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn, do Báo Nhân Dân tổ chức, chiều 18/8.
Thủ Thiêm 4 là cây cầu được quy hoạch nối Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, TP Thủ Đức sang quận 7, dự kiến triển khai giai đoạn 2024-2027, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Công trình dài hơn hai km, rộng 28 m, 6 làn xe, điểm đầu từ nút giao cầu Tân Thuận 2, theo đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, rẽ vào tuyến Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu sau đó vượt sông Sài Gòn, nối vào đường Nguyễn Cơ Thạch trong KĐTM Thủ Thiêm.
Một trong các phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 được nghiên cứu có tĩnh không thông thuyền (khoảng cách tính từ mực nước cao nhất đến gầm cầu) là 10 m, bị cho quá thấp, cản trở tàu thuyền, kìm hãm phát triển du lịch, giao thông. Phương án trên cũng khiến cảng Sài Gòn, quận 4, mất lợi thế là nơi đang tiếp nhận tàu biển chở khách du lịch lớn.
Theo ông Lịch, cầu Thủ Thiêm 4 ở cửa ngõ cảng Sài Gòn, nên việc xây dựng cần nhìn xa hơn là hướng đến mục tiêu phát triển cho cả khu vực. Ông cho biết dải đất ven sông bên khu cảng gắn với lịch sử, văn hoá ở TP HCM. Do vậy, thành phố cần tiếp tục phát triển nơi này thành một trung tâm dịch vụ, du lịch, điểm nhấn kinh tế đêm, thay vì biến thành khu ở, biệt thự "cho người giàu".
"Nếu xác định rõ mục tiêu này thì các quy hoạch liên quan cũng như xây dựng công trình giao thông cần phục vụ cho điều đó", ông Lịch nói và cho rằng theo định hướng trên, tương lai nơi này cùng với bờ đối diện là Thủ Thiêm sẽ là khu vực phát triển sầm uất nhất thành phố và là trung tâm du lịch quốc tế. Do vậy, thành phố cần tính toán kỹ phương án xây cầu Thủ Thiêm 4.
Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng thành phố cần tận dụng lợi thế mở do sông Sài Gòn mang lại, không thể lãng phí tiềm năng khi bị chặn lại bởi cây cầu thấp. Chưa kể, việc này cũng là trở ngại khi không thể phát huy được không gian ven sông, cản trở sự phát triển của thành phố.
Theo chuyên gia này, phát triển TP HCM nên là nơi hội nhập, gắn với sông nước, các công trình kiến trúc ven sông. Sài Gòn, Đồng Nai là những dòng sông thuần Việt rất hiếm. Do vậy, các con sông này cần được bảo về và có giải pháp phát huy lợi thế vốn có.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng nếu tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 chỉ 10 m thì sông Sài Gòn chảy qua lòng thành phố, có khả năng bị "đứt đoạn", mất đi tiềm năng khai thác. Do đó, thành phố cần có tầm nhìn xa, để không phải trả giá trong tương lai. "Chúng ta cần định danh mục tiêu phát triển ở khu vực là gì để lựa chọn giải pháp phù hợp, tránh làm lỡ mất cơ hội", ông nói.
Trong khi đó, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, khi triển khai cầu Thủ Thiêm 4 cần nhìn theo góc nhìn kinh tế đô thị, bởi công trình sẽ gắn với yêu cầu phát triển các không gian dọc bên. Theo ông, cây cầu này trước đây được quy hoạch dựa trên quy hoạch chung của Thủ Thiêm, đang rời rạc. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội và mục tiêu phát triển của thành phố đã thay đổi rất nhiều, việc xây cầu cần theo tư duy quy hoạch tích hợp, liên kết với nhau.
Theo đại diện đơn vị tư vấn, cầu Thủ Thiêm 4 khi xây dựng sẽ hình thành trục giao thông huyết mạch theo hướng Bắc - Nam của thành phố. Ngoài tăng kết nối cho khu Thủ Thiêm, công trình sẽ giúp giảm ùn tắc cho khu vực xung quanh. Phương án tĩnh không của cầu được tính toán là 10 m không chỉ liên quan khả năng thông thuyền mà còn nhằm hạn chế ảnh hưởng quy hoạch, chi phí đầu tư... Một phương án khác cũng được nghiên cứu là tĩnh không 15 m, hoặc xem xét phương án làm các nhịp mở cho tàu lớn ra vào.
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, nói phát triển giao thông, du lịch đường thủy, đặc biệt trên sông Sài Gòn đang được thành phố ưu tiên. Điều này có thuận lợi khi thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung, cùng các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98. Trong đó, việc triển khai các công trình không cứng nhắc chỉ làm theo quy hoạch được duyệt mà sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp, không ảnh hưởng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
"Việc nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 không khó về kỹ thuật, đồng thời chi phí đầu tư cũng không phải là yếu tố cản trở trước mong muốn phát triển chung tại khu vực", ông Lâm nói và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của chuyên gia để tham mưu lãnh thành phố xem xét, điều chỉnh phù hợp.
Theo quy hoạch, có 4 cây cầu và một hầm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Hiện, nơi này đã đưa vào khai thác cầu Thủ Thiêm 1, Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn trên đại lộ Đông - Tây. Ngoài cầu Thủ Thiêm 4, còn cầu Thủ Thiêm 3 nối KĐTM này sang quận 4 chưa đầu tư.
Gia Minh