Ưu đãi chỉ là một phần thu hút đầu tư. |
Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Bến Tre Nguyễn Chúc Sơn giải thích, các điều kiện tự nhiên của tỉnh không hấp dẫn bằng khu vực lân cận như Long An, Hậu Giang, hơn nữa Bến Tre lại bị cô lập bởi sông nước chằng chịt, vì thế có ưu đãi mới kéo được dự án về. Sau rất nhiều cân nhắc, từ đầu năm nay Bến Tre quyết định cho phép các dự án đầu tư vào khu công nghiệp Giao Long được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 4 năm và được giảm 50% thuế trong 7 năm tiếp theo. Tỉnh cũng đưa thêm 3 huyện vào danh sách các địa bàn khó khăn so với quy định của Chính phủ, còn các chính sách khác đều dưới khung.
Theo ông Sơn, chính sách vừa ban hành nên chưa có ảnh hưởng gì tới ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trong báo cáo tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cho tiếp tục duy trì ít nhất đến hết năm nay. "Nhà đầu tư sẽ nghĩ sao khi một văn bản vừa ký chưa ráo mực đã thu hồi. Khi cầu Rạch Miễu và một số hạng mục hạ tầng hoàn thành, Bến Tre sẽ điều chỉnh", ông Sơn nói.
Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh do Phòng Thương mại công nghiệp VN công bố mới đây khiến nhiều địa phương giật mình khi Bến Tre xếp thứ 3, trên cả các đầu tàu Hà Nội, TP HCM... Các chỉ số về chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, thời gian thực hiện các quy định của nhà nước đều cao. Nhà đầu tư có ý định đến với Bến Tre chỉ cần liên hệ một đầu mối, thời gian cấp phép cho dự án được rút ngắn tối đa xuống 2-3 ngày, dự án nào phức tạp mới 7 ngày, trong khi quy định chung là 15 ngày.
Trong báo cáo của mình, Bắc Ninh nhấn mạnh ưu đãi chỉ là một trong các lý do kéo nhà đầu tư về với địa phương. Ông Đặng Thành Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc, chủ đầu tư Khu công nghiệp Quế Võ kể, dù có kinh nghiệm rất thành công về cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài ở khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM), khi đàm phán với tập đoàn Canon Nhật, nhiều lần ông cảm thấy hụt hơi. Họ luôn đưa ra những yêu cầu mà ông chưa gặp với các đối tác trước. Đơn cử như đất, họ đề nghị đưa hàng ngàn mẫu đất, mẫu nước ngầm tại khu công nghiệp đi xét nghiệm theo ba tiêu chuẩn của Việt Nam, Nhật và của chính tập đoàn. “Ưu đãi về thuế hay đất không quyết định nhà đầu tư có đặt bút ký hợp đồng hay không, mà còn do nhiều yếu tố khác”, ông Tâm cho biết.
Nhận xét của ông Tâm khá đúng với tình hình thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc. Hiện tỉnh có hơn 400 dự án với số vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng qua tăng tới 47% - cao nhất cả nước. Ông Nguyễn Ngọc Phi, Bí thư tỉnh ủy cho hay, ưu đãi vượt khung duy nhất là nhà đầu tư được kéo dài thời hạn nộp thuế so với quy định. Điểm hấp dẫn nằm ở chỗ địa phương đã có quy hoạch công nghiệp, dịch vụ rõ ràng, có quỹ đất thuận lợi, kết cấu hạ tầng trọng yếu như đường, điện, nước khá đầy đủ... Đặc biệt thủ tục hành chính tinh giản tới mức tối đa.
Ông Phi cho rằng cơ chế ưu đãi đầu tư chung không thể thích ứng với tất cả các tỉnh, vì thế mỗi địa phương cần có chính sách riêng để phát huy nội lực. Từ thực tế đầu tư ở Vĩnh Phúc cho thấy, nếu kéo được doanh nghiệp đầu tư rồi thì khoản ngân sách hỗ trợ sẽ trở nên dễ giải quyết. Chỉ 10 ha đất cấp cho tập đoàn Honda đã thu về hơn 600 tỷ đồng/năm, hoàn toàn bù đắp được khoản thâm hụt, chưa kể các loại hình dịch vụ khác cùng phát triển. Đánh giá về tình trạng xé rào, ông Phi đề nghị nên xem xét một cách cụ thể, toàn diện, lấy hiệu quả kinh tế làm trọng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng “xé rào” có hai mặt. Trước hết, phải xem xét tại sao địa phương lại “xé rào”, rồi xem mọi quy định của mình có đúng hết hay không. "Tôi chắc rằng không ai muốn chủ ý vi phạm kỷ luật Nhà nước. Nên xem xét rằng quy định cũ còn phù hợp và có hiệu quả không, những việc họ đang làm có điều gì hợp lý, điều gì vi phạm kỷ luật để xem xét một cách cầu thị. Nên tránh hai thái cực: hoặc vỗ tay hoan nghênh cho rằng những tỉnh “xé rào” đều năng động, hoặc bảo rằng “xé rào” là phá hoại kỷ cương", ông Doanh nêu ý kiến.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) về hiệu quả hoạt động của Chính quyền địa phương cho thấy trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã tiến hành phân cấp mạnh mẽ. Tỷ lệ chi của chính quyền địa phương trong tổng chi tăng nhanh, từ 26% năm 1992 lên 48% năm 2002. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có rất ít biện pháp tạo nguồn thu ngân sách, và có rất ít quyền kiểm soát đối với ngân sách mà họ thu được. Để khắc phục điều này, WB cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể làm nhiều việc, ví dụ như đảm bảo sao cho chính quyền địa phương có động cơ khuyến khích tạo nguồn thu và kiểm soát chi, trong đó thu hút đầu tư là biện pháp hữu hiệu nhất.
Phong Lan