Ebola đã lan tràn tại một số quốc gia Tây Phi, đồng thời bộc lộ những thiếu sót trong thủ tục y tế ở Texas và Tây Ban Nha, hai nơi mới ghi nhận các ca nhiễm căn bệnh nguy hiểm này. Các nước trên thế giới đang áp đặt thêm nhiều quy định để phòng ngừa Ebola. Theo các luật sư, các biện pháp này tuy hợp pháp, nhưng thách thức đặt ra là phải đảm bảo việc cách ly, hạn chế di chuyển và các phương pháp khác không xâm phạm quá nhiều vào tự do của người dân.
"Con người có xu hướng thà quá đề phòng còn hơn nơi lỏng, vấn đề này có thể dẫn đến sự trượt dốc về quyền lợi của người dân", AP dẫn lời Paul Millus, một luật sư về dân sự và lao động ở New York, cho biết.
Tại Sierra Leone, Guinea và Liberia, nơi các ổ dịch Ebola đã giết chết hàng nghìn người, chính quyền các nước này đang thực hiện các biện pháp kiểm soát khắt khe.
Giới chức đã áp đặt lệnh giới nghiêm, chặn và phong tỏa đường. Họ cũng yêu cầu người dân dừng nghi thức tang lễ truyền thống là chạm vào thi thể người quá cố lần cuối. Toàn bộ một tiểu đoàn của quân đội Sierra Leone đang chờ được triển khai đến Somalia đã bị cách ly khi phát hiện một người lính dương tính với Ebola.
Tại Mỹ, nhân viên y tế thứ hai tại Texas đã được xác định dương tính với căn bệnh này. Thống đốc bang Connecticut Dannel P. Mallo tuần trước thông qua một quy định, cho phép ủy viên y tế công cộng của bang có quyền cách ly bất kỳ người nào được cho rằng đã được tiếp xúc với người mang virus Ebola.
John Thomas, giáo sư Đại học Luật Quinnipiac ở Connecticut, cho biết thế giới sẽ phải giải quyết "ngày càng nhiều" mâu thuẫn giữa chính sách y tế và tự do dân sự.
"Áp lực ở đây là nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa này đến quy mô nào", ông nói. Thomas trích dẫn "các mô hình cách ly tích cực" tương đối hiệu quả trong đại dịch cúm những năm đầu thế kỷ 20, và cả những biện pháp "vô lý" trong những ngày đầu của khủng hoảng AIDS.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong vòng hai tháng, Tây Phi có thể có đến 10.000 ca nhiễm Ebola mới một tuần. Con số này tăng vọt từ 9.000 ca được ghi nhận cho đến nay, khoảng một nửa số bệnh nhân này đã tử vong.
Các bác sĩ tại đây hàng ngày phải đối mặt với những tình huống khó xử, có thể bị chỉ trích vì y đức.
Juli Switala, một bác sĩ nhi khoa tại Nam Phi của tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho biết nhóm của bà quyết định không điều trị cho một số trẻ em bị bệnh vì lo sợ các nhân viên có thể bị lây nhiễm qua chất dịch cơ thể. Phòng khám của nhóm tại thị trấn Bo, Sierra Leone cũng quyết định từ chối chăm sóc phụ nữ mang thai do nguy cơ lây nhiễm virus khi sinh rất lớn.
"Các bác sĩ gặp khó khăn khi ra quyết định phẫu thuật sinh con cho các phụ nữ, vì sẽ có rất nhiều máu và chất dịch cơ thể trong quá trình thực hiện. Nếu thực hiện ca mổ, các bác sĩ sẽ đặt nhân viên và nhóm của mình vào nguy hiểm", Switala nói.
Bà cũng nhắc đến lệnh giới nghiêm cấm người dân đi xe máy sau 7 giờ. Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến tại đây, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ sắp sinh sau thời gian đó không có cách nào đến được phòng khám. Ngoài ra, người dân còn lo sợ gặp phải trạm kiểm soát của cảnh sát, vì họ không chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ bị yêu cầu kiểm tra và phát hiện sốt.
Thời gian ủ bệnh của virus Ebola lên đến 21 ngày. Triệu chứng ban đầu khi nhiễm bệnh là sốt và mệt mỏi, sau đó có thể dẫn đến suy cơ quan và chảy máu trong nghiêm trọng. Virus này có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể, hoặc vật thể dính dịch cơ thể của người nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, Congo, nơi căn bệnh lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976, đã quen với những cơn bùng phát dịch định kỳ. Qua những kinh nghiệm khó khăn, chính phủ biết phải làm cách nào để tiếp cận các làng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Ebola và kiểm soát nghi lễ chôn cất của họ.
"Người dân không phản đối và cảm thấy bị tước đoạt quyền lợi vì họ hiểu đó là điều cần thiết", Bộ trưởng Y tế Nam Phi, Aaron Motsoaledi, cho biết khi công bố biện pháp phòng ngừa.
Nam Phi theo dõi các du khách đến từ các nước có Ebola ở Tây Phi trong 21 ngày và liên lạc với họ qua điện thoại. Các chuyên gia cảnh báo rằng lệnh cấm đi lại tại các nước Tây Phi sẽ rất khó thực thi. Chúng có nguy cơ làm trầm trọng hóa vấn đề, phá vỡ những nỗ lực hỗ trợ và tác động xấu đến những nền kinh tế vốn đã lung lay.
Tháng trước, nhóm Giám sát Nhân quyền cho biết một số biện pháp cách ly Ebola không có hiệu quả và không đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền lợi con người, "những người dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng ngừa khắt khe gồm người già, người nghèo, và những người có bệnh mãn tính hoặc khuyết tật".
Theo giáo sư Thomas, các quốc gia lo sợ Ebola sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn về việc giữ gìn sức khỏe của người dân và tự do của họ.
"Khó có thể tìm được sự cân bằng tuyệt đối giữa hai vấn đề".
Phương Vũ (Theo AP)