Đọc bài viết về nữ thủ khoa phải về nuôi lợn vì không xin được vào biên chế làm giáo viên mà tôi cảm thấy buồn. Xã hội hiện nay đâu có chỉ có dạy ngừoi khác biết đọc, biết viết mới được gọi là thầy. Tại sao các bạn không nghĩ rằng hàng trăm lĩnh vực khác cũng có thể tạo ra những người thầy tốt cho cộng đồng nhỉ?
Khi bạn giỏi võ, mở lò võ thì bạn được nhiều võ sinh gọi bạn là thầy, kể cả bạn không có trình độ văn hoá đi chăng nữa. Cũng tương tự khi bạn dạy người khác sửa chữa ôtô, xe máy, bạn cũng là thầy. Bạn dạy người ta làm đầu, sơn móng tay, bạn cũng là thầy. Bạn dạy người ta học yoga, bạn cũng là thầy. Vậy cớ chi cứ nghĩ mình phải đứng trên bục giảng, trước bảng đen, phấn trắng mới là người thầy đích thực.
Một cô gái đã từng dành được thủ khoa thì rõ ràng bạn đã học rất giỏi. Tuy nhiên tôi cho rằng như thế là chưa đủ, bởi điểm số ở trường chỉ nói lên là bạn ấy học rất tốt chứ không hề quyết định được việc bạn ấy có thành công ở ngoài xã hội hay không?
(Xem thêm: 'Học sinh không phải là chuột bạch thí nghiệm')
Bạn ấy phải ngay lập tức hiểu ra rằng những kiến thức bạn ấy lãnh hội ở trường đang thừa mứa, đầy rẫy ngoài xã hội vì hiện nay đâu đâu cũng thừa giáo viên, nếu giáo viên đó chỉ để dạy học viên đọc thông viết thạo.
Bạn ấy có thể cùng lúc học thêm một chuyên ngành khác và tích luỹ một kỹ năng sống tốt để có thể khi ra trường nếu không đi dạy văn hoá thì có thể đi dạy thêm ngoại ngữ, dạy thêm tin học hay dùng những kiến thức đó để kiếm một công việc tốt hơn thay vì về bán rau, nuôi lợn.
Tôi xuất thân là một học sinh học lực bình thường, tôi đã chọn nghề làm bếp. Và bây giờ tôi đã có riêng cho mình một trung tâm đào tạo nghề bếp. Đã có hàng nghìn học viên học tôi là thầy, và tôi cũng cảm thấy rất tự hào về danh hiệu đó. Mặc dù tôi chẳng phải dạy họ cách cầm bút mà tôi dạy họ cách cầm dao, nấu ăn.
>> Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây
Tôi đã xem một bộ phim Trung Quốc nói về một người học võ cố bắt chước mọi động tác của Lý Tiểu Long, nhưng khi thi đấu thường thất bại. Mãi cho đến khi cậu ấy dùng ngay chính tuyệt học của môn phái gia đình mình thì lại dành chiến thắng. Vậy điều đấy cho thấy bạn đừng cứ nhìn vào hàng nghìn giáo viên được biên chế mà cũng mong mình sẽ trở thành trong số họ. Bạn đừng nghĩ rằng ai cũng cần bằng đại học để thành công thì đó quả là sai lầm.
Bạn hãy cố gắng phát huy những thế mạnh nào tốt nhất cho bản thân để thành công chứ không nhất thiết phải luôn chạy theo trào lưu của xã hội. Hy vọng cô gái thủ khoa trên có thể nhận ra rằng mình nên phát huy sự giỏi ấy trong nhiều lĩnh vực khác, để năm sau tôi có thể thấy được những bài viết ca ngợi bạn ấy là một người giỏi thực sự, dù là làm giáo dục hay đi chăn lợn.
>> Xem thêm: Ngân sách Nhà nước có tiền tăng lương nếu giảm biên chế