Thứ tư, 27/11/2024
Thứ ba, 13/8/2024, 12:03 (GMT+7)

Cầu Hiền Lương 70 năm sau hiệp định Geneve

Quảng TrịCầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, nơi 70 năm trước chia cắt hai miền Nam - Bắc, đang được lên kế hoạch trùng tu.

Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải gồm cầu Hiền Lương, kỳ đài, nhà liên hợp ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh được tỉnh Quảng Trị lên kế hoạch tu bổ, tôn tạo. Dự án bắt đầu từ quý III/2024, hoàn thành năm 2025, kinh phí 80 tỷ đồng.

Theo hiệp định Geneve 1954, vĩ tuyến 17 với con sông Bến Hải, cầu Hiền Lương được chọn làm ranh giới chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự. Sau hai năm, hai miền sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đôi bờ Hiền Lương đã bị chia cắt tới năm 1975.

Pháp xây dựng cầu Hiền Lương năm 1952 với dầm cầu bằng thép, mặt lót gỗ thông, rộng 4 m, hai bên thành cao 1,2 m. Sau hiệp định Geneve, cầu là chứng nhân cho những cuộc "chọi loa", "chọi cờ", đặc biệt là cuộc chiến màu sơn trên thành cầu của hai bên.

Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập. Năm 2001, tỉnh Quảng Trị đã phục chế nguyên bản cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải như thời Pháp xây dựng, mặt cầu lát gỗ lim.

Thành cầu Hiền Lương lần đầu được sơn năm 2014, với màu xanh ở phía bờ Bắc, màu vàng ở bờ Nam để tái hiện một giai đoạn lịch sử.

Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m, sơn hai màu. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván, thành cầu được sơn màu xanh da trời. Bờ Nam có 444 tấm ván, thành sơn màu vàng. Ranh giới chính là đường kẻ vạch màu trắng.

Hơn 20 năm sau khi được phục chế, cầu Hiền Lương đã xuống cấp, màu sơn lan can phai nhạt.

Mặt cầu, tà vẹt bằng gỗ lim đã xuống cấp, nhiều thanh ván mục ruỗng.

Phần sơn xanh ở đầu cầu phía Bắc sau 10 năm đã bay màu, ốc vít bị rỉ sét ăn mòn.

Phần trụ cầu xây bằng bêtông cốt thép theo lối kiến trúc từ năm 1952.

Trụ sở đồn công an Hiền Lương phía bờ Bắc sông Bến Hải được phục dựng vào năm 2004 theo kiến trúc nguyên mẫu đồn công an những năm 1955-1967.

Đồn công an Hiền Lương là một trong hai đồn chính nằm dọc bờ Bắc sông Hiền Lương. Đây là nơi làm việc và sinh hoạt, nghỉ ngơi của các chiến sĩ đồn công an giới tuyến Hiền Lương làm nhiệm vụ thực thi quy chế khu quân sự, kiểm tra người qua lại khu giới tuyến.

Cột cờ nằm bờ Bắc sông Bến Hải, chứng nhân lịch sử cho cuộc chiến "chọi cờ" ở hai bên vùng giới tuyến sau hiệp định Geneve năm 1954.

Cột cờ hiện nay được xây dựng theo mẫu thiết kế năm 1962, cao 38,6 m, bên dưới được bổ sung phần đài nhằm tôn vinh chiến thắng. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên. Khi Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam nâng cột cờ lên cao nhất 35 m thì năm 1962 chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở bờ Bắc đã dựng cột cờ cao 38,6 m, kéo lên đỉnh lá cờ rộng 96 m2. Cách đỉnh cột cờ 10 m có một ca-bin để có thể đứng thu và treo cờ dễ dàng. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến trong cuộc "đấu cờ".

Cầu Hiền Lương nhìn từ hướng bờ Bắc sông Bến Hải. Cạnh cầu Hiền Lương lịch sử được phục hồi năm 2001 là cầu Hiền Lương bằng bêtông cốt thép được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng vào năm 1996, dài 230 m, rộng 11,5 m nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Cầu Hiền Lương sau 70 năm Hiệp định Genève
 
 

Hiện trạng cầu Hiền Lương. Video: Võ Thạnh

Võ Thạnh