16h20 ngày 8/5/1954, sau 10 phút di chuyển, xe chở đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cắm cờ đỏ sao vàng dừng trước Palais des Nations - khu phức hợp, trụ sở của nhiều tổ chức Liên Hợp Quốc ở châu Âu. Phái đoàn vừa bước xuống xe đã có người chờ sẵn, đón dẫn vào buồng riêng đợi đến giờ khai mạc hội nghị Geneve, cố luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Công thương, viết trong nhật ký.
Năm phút trước giờ họp, người từ các buồng đổ dồn về phòng V, nơi diễn ra phiên khai mạc. Qua cửa phòng họp, mọi người trình giấy ở bàn thư ký rồi ai vào bàn đấy, không bắt tay nhau. Trong phòng, có 9 bàn xếp thành hình bầu dục theo thứ tự A, B, C. Mỗi bàn có ba ghế hàng đầu, bốn ghế hàng sau, còn sau nữa là ghế nhỏ.
Đoàn Pháp "khai màn" xong đến lượt đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát biểu. Cả chủ tọa và thành viên các bên đều chăm chú, nhấc máy nghe đặt lên tai bởi tưởng rằng đoàn Việt Nam nói tiếng Pháp. Song tất cả đều thất vọng. Tiếng Việt vang lên và đây là lần đầu tiên "tiếng Việt Nam được nói trong một hội nghị quốc tế", theo nhật ký của cố luật sư Phan Anh.
Hội nghị Geneve chính thức khai mạc từ ngày 26/4/1954, mục đích ban đầu bàn về khôi phục hòa bình ở Triều Tiên và Đông Dương. Do lập trường giữa các đoàn có khoảng cách quá lớn nên vấn đề Triều Tiên không đi đến hồi kết.
Tại ba nước Đông Dương (Việt Nam, Campuchia, Lào), cuộc xâm lược của Pháp đã bước sang năm thứ 9. Các bên trong thế giằng co, bất phân thắng bại. Pháp kiệt quệ cả về người và của nên muốn tìm lối thoát trong danh dự nhằm kết thúc chiến tranh. Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm đương đầu với đội quân của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Pháp hoàn toàn bại trận trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Một ngày sau, vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương được đặt lên bàn đàm phán Geneve. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự hội nghị trong tâm thế của người chiến thắng. Tuy nhiên, theo đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Lịch sử quân sự, hội nghị Geneve là diễn đàn quốc tế do các nước lớn sắp đặt. Họ toàn quyền quyết định thành phần, thời gian, bước đi và thậm chí là cả kết quả nên phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có quyền quyết định.
Toan tính của các nước tham gia hội nghị
9 nhà đàm phán chủ chốt tại hội nghị Geneve gồm Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Anh, Pháp, Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu, ủy quyền cho Pháp tham dự trực tiếp), Vương quốc Lào và Campuchia. Đại diện hai tổ chức chống Pháp ở Lào và Campuchia là Pathét Lào và Khmer Issarak có mặt tại Geneve song không được tham dự.
Ngoài tương quan thực lực, ý đồ chiến lược của các bên, kết cục đàm phán còn phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế và toan tính của các nước lớn tham dự hội nghị. Liên Xô - nước đưa ra sáng kiến triệu tập hội nghị tìm mọi cách để không bị đổ bể, tạo cớ cho Mỹ mở rộng chiến tranh.
Lập trường Liên Xô là chiến tranh Đông Dương cần được giải quyết bằng thương lượng với giải pháp thỏa đáng cho các bên. Trong bối cảnh đó, Liên Xô không chỉ hạn chế các kế hoạch toàn cầu của Mỹ mà còn giúp Pháp rút khỏi Việt Nam mà "không bị mất mặt".
Với Trung Quốc, hội nghị Geneve là cơ hội để trở thành nước lớn có vai trò ở châu Á. Trung Quốc cũng tận dụng thời cơ này để nâng cao vị thế trong giải quyết các vấn đề quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây, tạo môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Vì thế họ đã cử tới Geneve hơn 200 đại biểu đến từ nhiều bộ, ngành.
"Trung Quốc khi đó một mặt mong muốn chấm dứt chiến tranh ở ba nước Đông Dương để ổn định chính trị, phục hồi phát triển kinh tế. Mặt khác vừa ủng hộ lập trường của Việt Nam song Trung Quốc lại không muốn làm mất lòng các nước phương Tây", đại tá Long phân tích.
Trung Quốc đã khuyên Việt Nam đưa ra điều kiện "công bằng và hợp lý", "đơn giản và rõ ràng" để Pháp có thể chấp nhận được và dễ hiệp thương. Nước bạn cũng gợi ý Việt Nam nên tránh thảo luận mất thì giờ và kéo dài đàm phán để tạo cớ cho Mỹ phá hoại đàm phán.
Bại trận ở Điện Biện Phủ, Pháp bước vào hội nghị Geneve khi được Mỹ và Anh hậu thuẫn. Ban đầu, Pháp giữ lập trường cứng rắn, cố gắng xoa dịu dư luận, đồng thời tranh thủ thời gian cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương. Pháp chủ trương chỉ giải quyết vấn đề quân sự theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là ngừng bắn và giải pháp tại chỗ những lực lượng không chính quy, không có giải pháp chính trị.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng, kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn tham dự hội nghị. Lập trường của Việt Nam được nêu rõ trong tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là "sẵn sàng đàm phán nếu Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình".
Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội nghị ở thế tương đối bị động do thiếu thông tin. Phương thức đàm phán là thương lượng đình chiến, chủ yếu giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp. Trong báo cáo trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá "mục đích chính của phe ta là làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng" và chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp trên thế giới bằng thương lượng.
75 ngày cân não trước các cường quốc
Hội nghị Geneve trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn. Căng thẳng được đẩy lên cao từ phiên họp đầu tiên khi Pháp tranh mở màn, đề nghị chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập chính trị; tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam.
Theo nhật ký của cố luật sư Phan Anh, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng ngay khi mở đầu đã đề nghị mời đại biểu Khmer Issarak và Pathét Lào. Cuộc thảo luận về chủ đề này lập tức sôi nổi, bật lên vai trò của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault đòi bác đề nghị của Việt Nam và gọi Khmer Issarak và Pathét Lào là "chính phủ ma".
Ông Phạm Văn Đồng đáp lại: "Có hai hạng người, tuy còn sống, nhưng cũng là ma vì họ hết thời rồi. Chúng tôi còn nhớ trước kia đại biểu Pháp cũng gọi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ ma. Sao các ông phải đi đánh ma để bị thiệt mạng hàng vạn quân vì ma? Bây giờ, chính phủ ma ấy đã đến đây, ngồi trước mặt các ông. Các ông muốn biết chính phủ Khmer Issarak và Pathét Lào là thật hay ma, cứ việc mời họ đến đây".
Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa dứt lời, nhiều người cười. Duy có Bidault "xám mặt đi" song vẫn phải cười ngượng. "Trước khi ông Phạm Văn Đồng nói, anh em trao đổi rằng có nên đập Bidault không? Mình đáp rằng cứ đập đi, đập thật mạnh", theo nhật ký của luật sư Phan Anh.
Trong giai đoạn một của hội nghị (từ 8/5/1954 đến 19/6/1954), các đoàn chủ yếu trình bày lập trường về giải pháp cho vấn đề ở Việt Nam và Đông Dương. Trong phiên họp toàn thể thứ hai, ngày 10/5/1954, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra lập trường 8 điểm về một giải pháp toàn diện cho vấn đề Đông Dương.
Việt Nam kiên định lập trường buộc Pháp thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương. Dù có nhiều diễn biến không thuận lợi trong khuôn khổ hội nghị và giữa các nước lớn, Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh cho một giải pháp toàn diện cả quân sự và chính trị.
Mặt quân sự là ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Mặt chính trị là bảo đảm hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam.
Trong phiên họp thứ tám, ngày 21/5/1954, "lại gay go, không khí chán nản, mệt mỏi", ông Phan Anh viết. Lập trường giữa các bên có khoảng cách lớn nên không có chuyển biến về đàm phán. Bước ngoặt đã đến vào ngày 12/6/1954, nội các bảo thủ của Thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức. Mendès Franc trong lễ nhậm chức Thủ tướng hứa sẽ từ chức nếu trong một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương.
Với thái độ mềm dẻo hơn, Chính phủ mới của Pháp muốn rút khỏi chiến tranh ở ba nước Đông Dương trong danh dự, đồng thời muốn duy trì lợi ích kinh tế và ảnh hưởng văn hóa tại các nước. Nhưng mọi đàm phán vẫn "chẳng đi đến đâu".
Trước bế tắc của hội nghị, cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai diễn ra ở Liễn Châu, Trung Quốc đã mang tính quyết định. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về phân vùng tập kết, thời hạn tổng tuyển cử và cả vấn đề Lào, Campuchia.
Căng thẳng nhất lúc này là đàm phán về phân chia vĩ tuyến. Pháp chọn vĩ tuyến 18, ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải từ bỏ vùng kháng chiến ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, địa bàn có lực lượng Việt Minh rất mạnh cả về chính trị lẫn quân sự. Còn phía Việt Nam kiên định ở vĩ tuyến 16.
"Chào nhau sau cuộc gặp, Thủ tướng Chu Ân Lai với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói sẽ bàn với đoàn Liên Xô về các vấn đề này. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn mong Chủ tịch Hồ Chủ tịch cho phép được linh hoạt. Từ linh hoạt mà ông Chu Ân Lai nói ngầm ý là không giữ được vĩ tuyến 16", đại tá Trần Ngọc Long phân tích.
Đến phiên họp chiều tối 20/7/1954, các bên mới thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Thời hạn 2 năm tổng tuyển cử cũng như các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia và các vấn đề khác đều là sự giằng co giữa các bên.
Hiệp định Geneve - mốc son lịch sử của dân tộc
Đúng 24h ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Ngày 21/7/1954, hội nghị Geneve kết thúc, thông qua tuyên bố chung gồm 13 điểm, gồm công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước; đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương; Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước; tổng tuyển cử ở mỗi nước...
Ngoài thỏa thuận chung, hội nghị còn có những thỏa thuận riêng với mỗi nước. Riêng Việt Nam có những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình như ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng.
Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam gồm: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào.
Những điều khoản chính trị gồm: Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử vào tháng 7/1956; người dân tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.
Phát biểu sau hội nghị Geneve, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá "ngoại giao ta đã thắng lợi to". Nếu như trong Hiệp định sơ bộ 1946 Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp thì lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế.
70 năm sau ngày ký kết, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá hiệp định Geneve không chỉ là mốc son lịch sử của dân tộc mà còn mang ý nghĩa thời đại. Hiệp định để lại nhiều bài học về nghệ thuật ngoại giao mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế để tạo nên "một sức mạnh vô địch".
Phạm Dự
Tư liệu tham khảo: 70 năm Hiệp định Geneve - những bài học lịch sử, đặc san của Thế giới và Việt Nam; nhật ký của cố luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Công thương; Hồ Chí Minh toàn tập; ảnh tư liệu triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia