Lớn hơn một chút, những năm đi học xa nhà hay thời kỳ sống độc thân, có người sẽ thấy quen với việc trộn tất cả thức ăn vào một cái bát to và ngồi xì xụp ăn chúng cho qua bữa. Nhưng cơm trộn Nhật Bản lại là một câu chuyện khác hẳn. Nếu bạn có cơ hội thưởng thức nó, chắc chắn ký ức về cơm trộn của bạn sẽ bị đảo lộn ngay.
Người Nhật cầu kỳ trong ẩm thực từ hình thức đến hương vị. Trong các món ăn của họ luôn đầy đủ ngũ vị (ngọt, chua, cay, đắng, mặn) và màu sắc cũng đủ màu trắng, vàng, đỏ, xanh, đen.
Nếu bạn từng đọc Tốt Tô Chan - Cô bé bên cửa sổ, bạn sẽ có hình dung cụ thể về những món ăn này. Trong câu chuyện, thầy hiệu trưởng một trường tiểu học đã có yêu cầu đơn giản về bữa ăn trưa, đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh là phải có các món từ biển (cá, rong, biển) và các món từ đất (rau, ngũ cốc).
Cũng chính vì thế mà trong bữa cơm thường ngày, người Nhật sẽ khai vị bằng sashimi, tiếp đến là sushi hoặc mì udon hoặc soba hay một bát cơm trộn. Kết thúc bữa ăn, họ sẽ không quên uống trà xanh.
Riêng nói về cơm trộn Nhật Bản, cùng với thời gian, ở nhiều nơi, thậm chí là ngay trên đất nước này cũng có nhiều phiên bản khác nhau. Loại cơm phổ biến gồm có nấm hương, cà rốt thái chỉ trộn với đậu, tôm, trứng tráng. Cơm để trộn phải là cơm nấu bằng gạo Nhật, trộn với giấm cho dẻo và có vị chua thanh. Tất cả những nguyên liệu ấy, trộn với một loại nước sốt đặc biệt nữa sẽ cho ra một bát cơm có màu trắng của gạo, màu nâu của nấm hương, màu cam đỏ của cà rốt và tôm, màu vàng của trứng tráng và màu xanh của đậu, vừa đẹp mắt lại vừa có hương vị ngon ngọt.
Để tiết kiệm thời gian hơn trong các bữa ăn, người Nhật còn có món cơm trộn trà xanh Chazuke hoặc Ochazuke gồm: cơm nóng, cá hồi, thịt heo, hải sản tùy mùa, ớt, umeboshi (mơ muối), rong biển trộn với washabi và nước trà xanh nóng. Đây là món ăn được nhiều người Nhật yêu thích trong những mùa đông lạnh giá. Tương truyền, món ăn này có mặt từ rất lâu đời như một món ăn "nhà nghèo" tiết kiệm thời gian và sử dụng những nguyên liệu thực phẩm có sẵn trong gia đình.
Đến thế kỷ thứ 17, nước trà xanh mới được bổ sung để tạo nên sự độc đáo của Nhật trong món ăn. Hiện những gói gia vị ăn liền của món này được bán sẵn trong siêu thị, để những người bận rộn có thể chỉ cần cắm một nồi cơm và cho gia vị cùng nước trà nóng vào là đã có một món cơm truyền thống ngon lành.
Một món cơm trộn lạ khác ở Nhật mà bạn sẽ e dè khi nghe miêu tả, nhưng lại khó bỏ qua khi có cơ hội thưởng thức là món Tamago kake gohan - Cơm trộn trứng gà sống. Cơm nóng, trứng gà tươi được đập thẳng vào trộn với nước tương tạo thành một hỗn hợp cơm trứng sền sệt. Theo quan niệm của những người địa phương, món ăn này giàu dinh dưỡng, dễ làm và giữ lại đầy đủ hương vị và dưỡng chất của trứng.
Bước vào quán ăn Hàn Quốc, bạn cũng có thể gặp một biến thể tương tự của món ăn này, có điều cơm được giữ trong nồi nóng nên trứng gà sẽ chín hơn và đỡ khiến thực khách lo lắng.
Nhờ nguồn hải sản phong phú, người Nhật có thể chế biến những món cá, mực, bạch tuộc, cá chình, sò biển, tôm vào trong những món cơm của họ. Cầu kỳ hơn nữa, nhiều bà nội trợ lại thích dành tình cảm vào những hộp cơm Bento (cơm trong hộp được sắp xếp theo tỷ lệ bốn phần cơm, ba phần thịt, cá, hai phần rau và một phần tráng miệng).
Những khuôn cơm nhiều hình dạng được bán khắp các cửa hàng cộng với những ý tưởng sáng tạo và sự khéo léo của người Nhật đã cho ra những hộp cơm như những tác phẩm nghệ thuật.
Bento có hai phong cách: Bento nhân vật, thường mô tả các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Hello Kitty, Pokemon... hay các nhân vật trong trò chơi điện tử; một loại khác là Bento tranh, gồm các hộp cơm trang trí hình người, tượng đài, cây trái hoặc bất cứ thứ gì người làm muốn thể hiện trong hộp cơm.
Có nhiều cách để thể hiện tâm hồn hay cá tính của mình và người Nhật đã chọn cách thể hiện họ qua những món cơm ngày thường.
Chữ Bento - tiếng Nhật có nghĩa là cơm hộp. Xuất hiện vào cuối thời Kamakura (1185 - 1333), ban đầu Bento là phần cơm rang sẽ được đựng trong chiếc hộp nhỏ. Đến thời Azuchi Momoyama (1568-1600), những hộp đựng cơm được làm bằng sơn mài hay gỗ khá đẹp mắt và tinh xảo. Vào thời Taisho (1912-1926), những hộp cơm này làm bằng nhôm xuất hiện với những phụ kiện xa hoa. Cho đến năm 1980, khi lò vi sóng bắt đầu phổ biến, những hộp cơm bằng gỗ, kim loại được thay thế bằng những chiếc hộp bằng chất liệu nhựa polystyrene và loại hộp này được dùng phổ biến đến hiện nay. |
Anh Nguyễn
Tư vấn bởi: MEC Global và Inspiration Communication
SG003634