Ông Khư năm nay 70 tuổi, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (1998-2007). Nhà ở sát di tích, ông Khư vẫn thường xuyên lui tới thành cổ Quảng Trị, nơi gắn bó và lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp thời còn công tác. Một trong số kỷ niệm là câu chuyện tìm kiếm chiến sĩ trong bức ảnh "Nụ cười thách thức bom đạn", mãi đến bây giờ ông mới tiết lộ.

Ông Khư (phải) giới thiệu về bức ảnh và hành trình tìm kiếm người chiến sĩ trong bức ảnh với du khách. Ảnh: Hoàng Táo
Khoảng năm 1998, bức ảnh Nụ cười thách thức bom đạn của phóng viên Đoàn Công Tính được phóng lớn, treo trang trọng ở nhà trưng bày tại thành cổ Quảng Trị. Bức ảnh chụp 5 nhân vật, trong đó chiến sĩ ở tiền cảnh cười tươi rói, trong khi hậu cảnh là tường gạch đổ nát, hoang tàn. Ảnh chụp vào năm 1972, khi chiến sự ở thành cổ Quảng Trị vào thời điểm ác liệt nhất.
Đầu năm 2002, một đoàn khách từ Ngân hàng Công thương Việt Nam vào thăm di tích thành cổ Quảng Trị. Khi giới thiệu đến bức ảnh, một vị khách chăm chú nghe rồi nhìn rất kỹ, nói: "Hình như đây là anh Chinh, quê Thái Bình". Hoàn thành phần thuyết minh, ông Khư mời khách vào phòng rồi tìm hiểu câu chuyện. Thông tin nhận lại không nhiều vì du khách rời quê lên sống ở Hà Nội 13 năm trước. Ông chỉ biết thêm anh Chinh đã đi kinh tế mới, nhưng ở đâu không rõ.
"Phải tìm cho được anh Chinh, bởi bức ảnh đặc biệt có giá trị với thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến 81 ngày đêm đánh địch tái chiếm năm 1972. Biết là rất khó, nhưng tôi vẫn quyết định tìm anh", ông Khư kể.
Những năm 2000, danh bạ điện thoại là cuốn sổ đặt ở cạnh điện thoại bàn. Ông Khư tìm mã vùng tỉnh Thái Bình, gọi rất nhiều cuộc điện thoại cho Văn phòng UBND Thái Bình, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Tỉnh đội, Hội Cựu chiến binh... nhưng rất khó tìm ra cựu binh tên Chinh.
Cứ vài ba ngày, ông lại ra bưu điện để gọi điện. "Gọi một lần điện thoại đường dài, nói cho đủ ý, xem như mất mấy ngày lương", ông Khư cười nói.
Cuối cùng, ông Khư được phản hồi có 3 cựu chiến binh tên Chinh ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Loại trừ có đi chiến trường Quảng Trị chỉ còn một người ở xã Tân Việt, nhưng đã đi kinh tế mới ở Lai Châu.
Tiếp tục gọi lên Lai Châu, ông Khư khoanh vùng được cựu binh Chinh đang ở Đội 4, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên). Liên lạc khó khăn, người cần gặp không có điện thoại, ông Khư để lại số máy và hôm sau nhận được cuộc gọi từ Lai Châu.
Biết được người này kinh tế khó khăn, ông Khư đề nghị tắt máy rồi gọi lại và xác minh đúng là người trong bức ảnh. Cựu binh Chinh kể, thời ở chiến trường đồng đội chuyền tay nhau tờ báo đăng hình của ông, nhưng ông suy nghĩ như một bản tin bình thường rồi dần lãng quên.
4 tháng từ khi nghe được thông tin của du khách, ông Khư tìm ra người trong ảnh là cựu binh Lê Xuân Chinh, hiện 67 tuổi, trú xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ông Lê Xuân Chinh (trái, nhân vật trong ảnh) và ông Trần Khánh Khư trước bức ảnh Nụ cười thách thức bom đạn, năm 2002. Ảnh: Hoàng Táo chụp lại
Nhớ lại thời điểm nhận cuộc gọi từ một người lạ thông báo mình có trong một bức ảnh nổi tiếng, ông Chinh chia sẻ: "Tôi xúc động vô cùng, không cầm được nước mắt". Sau ngày giải phóng, ông Chinh mất hết giấy tờ, hồ sơ gốc bị thất lạc nên không làm được chế độ thương binh, gia cảnh khó khăn.
Xác minh được nhân vật trong bức ảnh, ngay năm 2002, phóng viên Đoàn Công Tính đã ra Điện Biên tìm gặp ông Chinh. Ông Đoàn Công Tính và một đồng đội khác giúp ông Chinh xác minh thời điểm đi bộ đội, làm lại giấy tờ để hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam.
Các ông Tính, Chinh và Khư sau đó nhiều lần gặp nhau tại thành cổ Quảng Trị. "Sau 30 năm, tôi tìm lại được chính mình, lại gặp được đồng đội cũ, thật quá tuyệt vời", ông Chính nói.
Còn nguyên Trưởng ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị chia sẻ: "Tôi quá mừng vì đã tìm được người trong ảnh. Từ nay, tôi có thông tin về nhân vật trong bức ảnh để giới thiệu với du khách. Vui hơn nữa bức ảnh đã giúp ông Chinh thay đổi cuộc sống".
Sau này, bức ảnh "Nụ cười thách thức bom đạn" trở thành biểu tượng của Thành cổ Quảng Trị, được tỉnh này lựa chọn để đúc trên trống đồng do Hội di sản cổ vật Thanh Hóa đúc và cung tiến năm 2020.

Bức ảnh trở thành biểu tượng ở Thành cổ Quảng Trị, được chọn đúc trên trống đồng. Ảnh: Hoàng Táo