"Vì công việc chung mà mình ráng đi thôi, chứ ai muốn xa nhà vào giờ phút thiêng liêng đó. Tôi chưa bao giờ ăn Tết trên đất khách cả. Bà xã tôi lặng thinh khi hay tin chống vắng nhà đúng đêm 30", ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch Uỷ ban Tôm Việt Nam tâm sự với VnExpress trước lúc lên máy bay sang Washington, hôm 17/1. Cùng đi với ông lần này có cả Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Hồ Quốc Lực, Phó tổng thư ký VASEP Trương Đình Hoè và Phó giám đốc Coifdec TP HCM Nguyễn Thanh Xuân. "Nếu chúng tôi làm được một việc gì đó có ý nghĩa cho ngành tôm đúng vào đêm 30 Tết thì chuyện phải xa nhà chẳng là gì cả", ông Kịch nói thêm. Ông Kịch hiện là Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Thuỷ súc sản Xuất khẩu Cần Thơ (Cafatex), một công ty xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu cả nước. Năm 2003, doanh số xuất khẩu tôm của Cafatex là 67 triệu USD, tổng lãi khoảng vài chục tỷ. Tuy nhiên, với người đàn ông chưa đầy tuổi ngũ tuần này, vụ kiện bán phá giá tại Mỹ là cả cuộc thử thách đáng giá. "Khó khăn thì khó khăn thật, nhưng đã buôn bán là phải đối mặt và tìm cách vượt qua. Chúng tôi quyết không bỏ thị trường Mỹ chỉ vì vụ kiện như vậy", ông tuyên bố. Theo ông, một mặt doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh mình không hề bán phá giá, không hề được trợ cấp của Chính phủ; mặt khác phải tìm mọi cách bám rễ thị trường Mỹ nhiều hơn nữa. "Doanh nghiệp Việt Nam cũng hoạt động như doanh nghiệp Mỹ, cũng phải thu mua hoặc nhập nguyên liệu như họ rồi chế biến, xuất khẩu. Có khác gì đâu. Giá bán phải chăng, vừa đủ lãi vừa hợp túi tiền người tiêu dùng. Chính phủ Mỹ cần nhìn rõ sự thật đó", ông Kịch bức xúc.
|
Ông Trương Đình Hoè.
Năm nay 45 tuổi, Phó tổng thư ký VASEP Trương Đình Hoè cũng chưa bao giờ xa nhà đúng vào đêm 30. "Họ kiện mình như vậy, còn Tết nhất gì nữa. Hy vọng sẽ mang lại điều gì đó cho hàng triệu người lao động ngành tôm", ông nói. Ngay khi trở về, khoảng mùng 2 Tết, ông Hoè lại cùng các đồng nghiệp và luật sư lại lao vào làm việc, tiếp tục chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo của vụ kiện. "Dù gì thì gì chúng ta cũng quyết không bỏ thị trường Mỹ", ông chia xẻ quan điểm với ông Kịch.
Ông Hồ Quốc Lực: "Họ kiện mình thì mình càng nỗ lực hơn".
Chủ tịch VASEP Hồ Quốc Lực lại có được sự lạc quan của một người từng kinh qua nhiều diễn biến quan trọng trong nghiệp buôn bán. Sự từng trải khiến ông tự tin. Sự hiểu biết và nhanh nhạy giúp ông vững vàng trước những rủi ro trong buôn bán quốc tế. Với ông, vụ kiện bán phá giá tôm chỉ là một trong những trở ngại, hàng rào kỹ thuật hết sức bình thường mà các doanh nghiệp gặp phải. "Đã hội nhập thì mình phải chấp nhận luật chơi chung của quốc tế. Họ kiện mình, gọi mình đi lúc nào thì mình phải đi hầu kiện lúc đó. Đáng tiếc lại rơi đúng vào giờ phút thiêng liêng nhất của mình, đành ăn Tết sau vậy", ông nói.Theo ông Lực, vụ kiện sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam vững vàng hơn, nhất là trong điều kiện hiện nay, xu hướng bảo hộ ngành công nghiệp nội địa ngày càng rõ nét. Ông lạc quan nói: "Ông bà mình có câu, mọi chuyện đâu có đó, cái khó bó cái khôn. Họ kiện mình, gây khó dễ cho mình thì mình lại nỗ lực hơn và làm sao tiêu thụ hết sản lượng cho bà con mà vẫn có lãi là được".
Điều may mắn với ngành tôm Việt Nam, theo ông Lực, là vụ kiện rơi đúng vào cuối vụ, nguyên liệu đang ít dần. 6 tháng nữa mới tới vụ chính, từ nay đến lúc đó có thể điều chỉnh làm sao để hạn chế rủi ro. Ông Lực đang tìm cách giúp bà con thay đổi cách thức nuôi trồng theo hướng tăng cường quảng canh cải tiến, chấp nhận năng suất không cao, lợi nhuận thấp nhưng ít rủi ro hơn.
Khác với 3 đồng nghiệp, Phó giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) Nguyễn Thanh Xuân tỏ ra kiệm lời. Ông từ chối nói về chuyến đi cũng như vụ kiện tôm, bởi theo ông đây là công việc kinh doanh hết sức bình thường. Năm nay 46 tuổi, ông Xuân đã lăn lộn với nghiệp tôm hàng chục năm trời và cũng dành tới gần 20 năm gắn bó với Cofidex. Đây là lần thứ 2 ông ăn Tết ở nước ngoài. Cách đây hơn 6 năm, ông Xuân cũng đã phải sang Nhật gặp gỡ khách hàng đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Song Linh