Nhắc đến biểu tượng văn hóa nước Nga, người ta thường nhớ tới búp bê Matryoshka. Biểu tượng này của nước Nga mới xuất hiện được hơn một thế kỷ. Búp bê Matryoshka đầu tiên được trình làng vào năm 1890, tại hội thảo “Giáo dục cho trẻ em” tại Moscow do nghệ nhân Sava Mamontov (1841 – 1918) làm ra.
Cho tới nay, không ai biết chính xác nguồn gốc của loại búp bê này. Tuy nhiên, theo những câu chuyện truyền miệng, Matryoshka được sản xuất dựa trên mẫu hình ảnh tượng nhà thông thái của nước Nhật. Vào tháng 12/1896, tại một buổi triển lãm nghệ thuật Nhật Bản tại Nga, người ta không khỏi kinh ngạc thích thú với 7 bức tượng nhỏ dần của một nhà thông thái Phật giáo tên Fukuruma được mang tới từ đảo Honshu. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng dù xuất xứ từ Nhật bản, những bức tượng này lại được làm ra bởi một nhà sư người Nga đang sống tại đây.
Nghệ nhân Mamontov, người đầu tiên sản xuất ra loại búp bê này nói rằng ông lấy cảm hứng từ những bức tượng kỳ lạ của Nhật Bản đó và chọn hình ảnh người phụ nữ dựa vào câu chuyện cổ tích của Nga từ xưa. Câu chuyện nói về tình cảm gia đình sâu sắc. Khi một đứa trẻ trong nhà đi lạc tới khu vực của sói hung dữ, người chị nhìn thấy em mình từ xa đã cùng bà và mẹ chạy đuổi theo cô bé tới hang ổ của sói để đưa cô về nhà.
Cái tên Mastryoshka cũng là một bí ẩn vì không ai biết người đầu tiên đặt tên cho búp bê là ai và vì sao lại đặt tên như vậy. Mastryoshka là một từ không có nghĩa, nhưng các nhà ngôn ngữ học đã tìm được nguồn gốc có liên quan của từ này với tiếng Latin có nghĩa là “người mẹ”. Có lẽ cũng vì hình ảnh mang trong mình những búp bê nhỏ dần mà búp bê này có tên gọi ý nghĩa như thế.
Một bộ búp bê Matryoshka không có giới hạn số lượng. Bên trong búp bê có thể có từ 2 tới 60 con búp bê nhỏ hơn được vẽ đủ thứ màu sắc, hình ảnh. Bộ Matryoshka hoàn hảo đầu tiên được làm bởi Vassily Zviozdochkin và do Sergey Maliutin sơn vẽ có 8 búp bê. Từ “người mẹ” bên ngoài, tới các “chị lớn”, mỗi tượng cầm một vật dụng khác nhau như cái giỏ, cái liềm, bát cháo, cái chổi, tượng thứ 5 là một "người con trai", tiếp đến hai "em gái" và cuối cùng là một đứa trẻ còn đang bọc tã.
Dù phát triển mạnh với nhu cầu khách hàng lớn, búp bê Matryoshka vẫn được giữ nguyên quy trình sản xuất thủ công. Những loại gỗ thường được dùng để làm búp bê là gỗ chanh, gỗ bạch dương, gỗ cây sủi, gỗ cây dương. Quá trình làm thường từ búp bê trong cùng nhỏ nhất, sau đó dần tới các phần thân dưới búp bê được gắn khít vào nhau và cuối cùng là những phần đầu búp bê được thiết kế sao cho đặt vừa với phần thân. Khi làm những phần này, các nghệ nhân thường không phải đo đạc gì mà chỉ ước lượng bằng cảm quan và kỹ năng chuyên nghiệp của mình. Sau khi được gọt cắt đúng hình dạng, những búp bê này được tẩm dầu để giữ ẩm và tránh nứt vỡ. Cuối cùng là việc vẽ màu cho các búp bê với bột màu hay màu nước.
Mặc dù tên gọi và nguồn gốc của Matryoshka vẫn chưa thực sự sáng tỏ, những bộ búp bê Matryoshka mang nhiều hình ảnh ý nghĩa và màu sắc rực rỡ này vẫn luôn là biểu tượng của Nga và là thứ đồ lưu niệm tuyệt nhất mỗi khi du khách tới thăm đất nước bạch dương xinh đẹp.
Diệp Thảo