Dự án đường và cầu Tam Tiến dài hơn 4 km, từ đường Võ Chí Công đến quốc lộ 1, đi qua xã Tam Tiến, Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2, do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn 220 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 187 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện.
Đường được thiết kế rộng 9 m, tốc độ tối đa 60 km/h. Toàn tuyến có cầu Tam Tiến bắc qua sông Tam Kỳ dài 358 m, có 9 nhịp, nối xã Tam Tiến với xã Tam Xuân 1. Tháng 5/2019, tỉnh Quảng Nam phê duyệt công trình, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2022.
Đây là công trình trọng điểm của huyện nhằm rút ngắn khoảng cách từ trung tâm huyện đến các xã ven biển; phục vụ cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai; thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương. Công trình hoàn thành mỗi ngày sẽ có hàng nghìn phương tiện lưu thông.
Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn hoàn thành hơn 5 tháng, dự án mới xong được 5 trụ, một mố và ba nhịp cầu Tam Tiến, bằng một nửa khối lượng công trình. Đường dẫn lên cầu và cả tuyến đường chưa được đổ đất đắp. Trên công trường chỉ có một vài công nhân và máy móc hoạt động.
Cầu chậm hoàn thành khiến người dân hai xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 muốn qua sông Tam Kỳ phải đi vòng xa khoảng 10 km. Nếu muốn đi nhanh hơn, bà con bất chấp lệnh cấm của chính quyền, đi trên máng dẫn nước rộng 80 cm, dài hơn 200 m nằm cách cầu Tam Tiến khoảng 50 m.
Máng nước hoàn thành năm 1986 để dẫn nước cho xã Tam Tiến sản xuất nông nghiệp, không có chức năng đi lại. Hiện máng xuống cấp, nhiều đoạn lan can bảo vệ gãy, bề mặt có nhiều ổ gà, dễ khiến người đi lại rơi xuống sông.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nga, trú xã Tam Tiến, hàng ngày vẫn đi lại trên máng nước để đến chợ Tam Xuân 1. Lo sợ rơi xuống nước, bà dắt xe máy đi thật chậm. "Từ nhà tôi đi đường lớn đến chợ mất 15 km, trong khi đi qua cầu máng chỉ hơn một km, chưa đến 10 phút", bà giải thích.
Theo ông Trần Hải Nam, Phó chủ tịch xã Tam Tiến, từ ngày cầu máng được sử dụng đến nay có 17 người thiệt mạng vì rơi xuống sông. "Chính quyền mong muốn cầu Tam Tiến sớm hoàn thành để đóng hai đầu máng nước, cấm người và phương tiện", ông nói.
Lý giải việc cầu Tam Tiến chậm tiến độ, đại diện nhà thầu cho biết do chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng và khan hiếm đất, cát đắp đường. Hiện nhà thầu đúc ống và làm dầm cầu, thi công "kiểu cầm chừng".
Ông Nguyễn Chí Dân, Phó chủ tịch huyện Núi Thành, cho rằng ngoài vướng mặt bằng còn do mưa lũ, dịch Covid-19, nhà thầu thi công không huy động đủ máy móc, thiết bị và nhân lực.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cầu Tam Tiến, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, đã yêu cầu huyện Núi Thành tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng và điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đến cuối năm 2023.