Ngôi nhà trọ nhỏ nằm khuất sâu trong hẻm gần chợ Bình Chánh (TP HCM) những ngày qua rộn ràng hơn khi có bà con trong xã đến hỏi thăm và chúc mừng "thằng Thanh được lên ti vi". Trong tập bốn vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt nhí 2015 phát sóng cuối tuần qua, Nguyễn Trương Thế Thanh nhận được sự chú ý với ca khúc Phương xa nhớ mẹ.
* Video: Thế Thanh hát "Phương xa nhớ mẹ" |
Cậu bé 13 tuổi có hoàn cảnh gia đình khá giống với cô bé hát dân ca Phương Mỹ Chi của The Voice Kids mùa đầu tiên. Cha mẹ Thanh chia tay từ khi em mới ba tuổi, hai anh em trai về sống với bà nội cùng vợ chồng cô Út. Bà nội nhận nuôi người em trong khi Thanh được cô và dượng chăm sóc. Thỉnh thoảng, cha mẹ gửi tiền về, tuy nhiên khoản tiền chỉ dành cho em trai Thanh.
Chị Nguyễn Ngọc Thúy - cô ruột Thanh - nói: "Thằng bé rất ngoan và có hiếu. Tôi không hiểu sao anh chị tôi có vẻ không thương Thanh bằng em trai nó". Nghe cô Út nói vậy, cậu bé nhỏ nhẹ: "Con không buồn đâu. Vì con có cô, có dượng lo cho ăn học, em con còn nhỏ quá nên phải được cha mẹ cưng hơn".
Tuy nhiên, khi hỏi có muốn về sống chung với cha hoặc mẹ không, Thanh dứt khoát: "Giờ em chỉ muốn ở đây thôi. Em muốn phụ gia đình bán bột chiên, và sau này đi làm kiếm tiền báo hiếu cho cô, dượng. Em cũng thương cha mẹ, nhưng em thương cô hơn". Nhiều năm qua, có những lần được cha đón về nhà chơi, cậu bé nằm cạnh cha mà rớt nước mắt vì nhớ cô và bà nội, theo lời kể của gia đình.
Hoàn cảnh sống ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ, cách ăn nói của Thế Thanh. Nhiều người trong xóm khen cậu bé chững chạc như người lớn nên hay gọi là "ông cụ non".
Hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ, cậu bé đã biết phụ gia đình bán bột chiên, nui chiên hàng ngày. Mỗi buổi chiều sau khi đi học về, Thanh phụ trách rửa rau, thái thịt, làm nước tương để mang ra quán vỉa hè của bà nội và cô. Thanh khoe em được truyền nghề, có thể đứng ra nấu thay người lớn. "Nhưng em thường bị dầu bắn trúng khi chiên, nên cô không cho em làm nhiều, chủ yếu là thu tiền kiêm chạy bàn". Mỗi ngày, quán nhỏ của cô cháu Thanh lời được khoảng vài trăm nghìn. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình và là kinh phí để nuôi Thanh ăn học.
Quán nhỏ nhưng ít khi thưa khách bởi những lúc cao hứng hay được ai đó yêu cầu, cậu bé chạy bàn "khuyến mãi" khách bằng những bài vọng cổ, dân ca. "Tiếng hát trong trẻo của cậu bé phần nào xua tan nỗi mệt nhọc của những người dân lao động ở xóm nghèo khi chiều về", người hàng xóm của gia đình Thanh nói.
Tuy sống ở TP HCM, chất giọng và cách nói chuyện của Thanh "rặt" chất miền Tây. Nhờ thế giọng hát cải lương của em nghe "mùi" hơn. Với sở thích ca hát, cậu bé từ sớm đã làm quen các sân khấu tại trường, lớp hay của xã, huyện... Cậu tin rằng mình có duyên với cải lương chứ không phải là một bộ môn nghệ thuật nào khác. Vì thế những khi đi hát, cậu thường chỉnh trang lại y phục, khấn vái Tổ đàng hoàng rồi mới bước lên sân khấu.
Năng khiếu ca hát của Thế Thanh được thừa hưởng từ ông nội - vốn là nhạc công miền Tây. Dù ông mất sớm, Thanh được bù đắp từ người cô. Cô Út dạy cháu trai hát, cả cách luyến láy, lấy hơi... Thấy cháu quá mê đờn ca tài tử, cô còn đăng ký cho Thanh tham gia một câu lạc bộ ở địa phương. Nhờ đó, Thế Thanh có dịp gặp thầy Tư Hồng - một nghệ sĩ cải lương - và được dạy học miễn phí vào mỗi cuối tuần. Sau khi được giảng giải về chuyên môn và thực hành các kỹ thuật cơ bản, Thế Thanh khoe mình đã thuộc gần hết 20 bài Tổ của cổ nhạc tài tử Việt Nam.
Tình yêu với dòng nhạc quê hương lớn dần theo năm tháng, đến nỗi lúc đang ăn, làm việc nhà hay trước khi đi ngủ, Thế Thanh đều tranh thủ luyện giọng. Cậu bé cũng thử sức ở các Liên hoan đờn ca tài tử TP HCM (năm 2013), giải Hoa Sen Vàng... Từ khi nhận danh hiệu "Tài năng trẻ" của Thành Đoàn TP HCM, Thế Thanh bắt đầu được các bầu show cải lương ở Sài Gòn và các vùng lân cận chú ý. Thanh kể trước đây em rất đắt show, tuần nào cũng có người gọi đi diễn. Thu nhập mỗi lần đi hát từ 100.000 - 300.000 đồng, Thanh đưa hết cho cô để đóng học phí. Nhưng từ khi vỡ giọng, Thanh thiếu tự tin hơn nên cũng hạn chế nhận lời. Đó cũng là nỗi lo lớn của gia đình khi em đến với cuộc thi này.
"Từ hai năm trước, cháu đã đòi đi thi rồi nhưng tôi cản vì nghĩ là cuộc thi dành cho trẻ con, sẽ không chấp nhận thể loại nhạc của cháu. Thấy nó quyết tâm quá, năm nay chúng tôi không thể trì hoãn nữa. Thôi thì đến được vòng nào hay vòng nấy", cô Út tâm sự. Chính cô là người nghỉ bán để theo sát cháu trong những ngày thi "Giọng hát Việt nhí".
Yêu ca cổ và cải lương, Thế Thanh mơ ước mình sẽ trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp, mang lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời và giúp gia đình có cuộc sống khá giả. Em chia sẻ, em biết thu nhập của nghệ sĩ cải lương rất bấp bênh, ít show nhưng vẫn lạc quan: "Em có thể tìm thêm công việc nào đó làm ban ngày để kiếm thêm thu nhập, còn buổi tối sẽ đi ca. Cải lương là niềm đam mê từ khi còn nhỏ nên em sẽ không bao giờ bỏ".
Nghe nhiều người so sánh mình với Phương Mỹ Chi, Thế Thanh cười: "Em nghĩ mỗi người có một phong cách khác nhau. Nếu có nhiều cơ hội đi sâu vào vòng trong, em muốn cống hiến cho khán giả thêm những tiết mục đờn ca tài tử".
* Video: Thế Thanh hát cải lương |
Vân An