Nằm sâu trong con hẻm ở huyện Bình Chánh (TP HCM), căn phòng trọ chừng 12 m2 là nơi 4 thế hệ trong gia đình Nguyễn Trương Thế Thanh (học sinh lớp 7, trường THCS Bình Chánh, TP HCM) sinh sống. "Phòng đờn ca tài tử" là cái tên thân mật xóm trọ gọi nơi Thanh ở, bởi ngày nào họ cũng được nghe cô cháu cậu bé ca vọng cổ.
Ngồi bệt giữa nhà, Thanh vừa tất bật rửa rau, thái thịt, làm nước tương để chuẩn bị mang ra quán cho bà bán vừa nhịp nhàng cất giọng ca trong trẻo, ngọt lịm theo chương trình ca nhạc trên tivi. "Em hát như một thói quen hàng ngày. Ngoài những lúc tập trung vào việc học, thời gian còn lại hễ cứ rảnh em ca cho đỡ buồn", cậu bé 13 tuổi có gương mặt bầu bĩnh và nụ cười hiền nói.
Cha mẹ Thanh chia tay nhiều năm trước, cậu và em trai về sống với bà nội cùng gia đình cô út Nguyễn Ngọc Thúy. Ông nội gốc miền Tây, vốn là nhạc công và sở hữu giọng ca Nam bộ ngọt ngào. Không được gần gũi với ông nhưng Thanh bảo rằng hai cô cháu đều được thừa hưởng gen đam mê đờn ca tài tử từ người ông quá cố.
"Em thích hát từ nhỏ, khi ngày ngày cô út nghe các chương trình đờn ca tài tử, cải lương trên radio, tivi. Mỗi lần cô út ca em cũng nhép theo rồi ghiền thể loại nhạc này lúc nào chẳng biết", Thế Thanh nói và cho biết đờn ca tài tử, cải lương có một sức hút đặc biệt với cậu bởi những âm điệu ngọt ngào mang âm hưởng miền Tây.
Ngoài việc là giáo viên bất đắc dĩ, cô út còn đăng ký cho Thanh tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương. Thấy Thế Thanh có chất giọng đặc biệt, đam mê nhưng hoàn cảnh lại khó khăn, thầy Tư Hồng - nghệ sĩ đờn ca có kinh nghiệm trong xã - nhận em làm học trò và dạy miễn phí. Thế nên ban ngày Thanh đi học văn hóa, tối rảnh lại đạp xe sang nhà thầy để luyện giọng. Không chỉ biết thêm nhiều bài hát mà em còn được thầy hướng dẫn cách lên xuống giọng và kỹ thuật xử lý từng tông nhạc.
Thành thục một chút, Thanh được cô đăng ký cho thử sức ở các cuộc thi về dòng nhạc cổ truyền này. "Lần đầu tiên đứng trên sân khấu con run quá nên quên mất lời, phải xin hát lại. Sau này khi đi hát nhiều, con tự tin và biểu diễn tốt hơn, chẳng bao giờ quên lời nữa", Thế Thanh chia sẻ.
Năm 11 tuổi, Thanh chính thức tham dự cuộc thi "Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới" cấp thành phố tổ chức tại huyện Bình Chánh. Cậu giành giải nhất đơn ca và là tài tử nhỏ tuổi nhất.
Tiếp nối triển vọng đó, Thế Thanh tham dự Liên hoan đờn ca tài tử TP HCM năm 2013; giải Hoa Sen Vàng và được trao tặng giải "Tài năng trẻ". Cậu bé được chọn vào Đoàn đờn ca tài tử của TP HCM tham dự cuộc thi cấp quốc gia lần thứ nhất ở Bạc Liêu. Với bản ca Hồn thiêng sông núi - điệu Ngũ đối hạ, em đã xuất sắc mang về tấm huy chương bạc.
Ngoài ra, Thanh còn giành được nhiều giải thưởng khác như Tài tử trẻ nhất Liên hoan Bông Sen Vàng; huy chương Vàng Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới huyện Củ Chi... Với thành tích này cậu bé được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM tặng giấy khen, được tuyên dương Sáng tạo trẻ TP HCM và lọt vào top 10 ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu của thành phố năm 2014, đồng thời được nhận học bổng 12 triệu đồng từ Quỹ bảo trợ tài năng trẻ.
Những ngày này Thanh đang tất bật tập luyện để tham gia một chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi. Nói về đứa cháu của mình, giọng chị Thúy đầy vẻ tự hào: "Mê hát nhưng nó chưa bao giờ quên nhiệm vụ học tập ở trường. Nó chỉ tranh thủ thời gian nghỉ hè hoặc buổi tối cuối tuần để tập luyện. 6 năm qua Thanh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường".
Nguyễn Loan