"Cho đến chết mẹ vẫn tin tưởng con". Đây là câu nói mà mẹ của Hong Sung Ho nói với con khi cậu muốn trở thành một game thủ vào năm lớp 10.
Suốt từ tiểu học đến hết cấp 2, Hong luôn bị bạn bè gắn cho biệt danh "cặn bã" bởi thành tích học tập kém và lối sống bất cần. Cậu chỉ dành được 20 trên thang điểm 100 mỗi môn học. Mỗi lần kiểm tra, cậu luôn là học sinh đội sổ của lớp.
Tuy nhiên trong kỳ thi đại học 7 năm trước, Hong vào được một trường đại học danh tiếng và nhận học bổng toàn phần trong 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, anh gia nhập công ty điện tử hàng đầu thế giới và trở thành một tài năng được mong đợi.
Sự nổi loạn và trưởng thành của Hong Sung Ho đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều phụ huynh Hàn Quốc khi chương trình truyền hình về chàng trai này được phát sóng trên đài EBS gần đây.
Ngay từ cấp 1, Hong Sung Ho đã bị trò chơi điện tử làm mê muội. Mỗi ngày cậu dành ít nhất 6 giờ đồng hồ để chơi game, nhiều lúc quên cả ngủ. "Có những trò chơi mới, tôi có thể thức 24/24h để chơi mà không biết chán", Hong kể lại.
Chính vì bị game quyến rũ, Hong thường trốn học. Cuối năm cấp 2, trong số 505 học sinh cả khối, cậu xếp thứ 490. Giáo viên gọi đến hỏi: "Tại sao không học bài", Hong dương dương tự đắc: "Dù sao em vẫn chưa bét khối. Còn 15 người nữa vẫn đứng sau em".
Thầy cô phản ánh, bố mẹ đau lòng không tìm được cách dạy dỗ đứa con bất trị. Đã có thời điểm, bố dùng đòn roi răn đe cậu. Những lúc như vậy, Hong chỉ cười rồi bỏ đi.
Bạo lực không ăn thua, bố mẹ cậu bé Hong cố gắng đối thoại với con. Họ thường xuyên mở cuộc họp gia đình để con trai nói về tâm tư của mình.
Trong mọi cuộc họp, Hong có duy nhất một câu hỏi: "Tại sao phải đi học?". Cậu nói rằng không thích ở nhà rộng, chỉ cần sống trong một ngôi nhà nhỏ. "Nhà lớn nhỏ chẳng có ý nghĩa gì nếu con trở thành ăn xin", Hong nêu quan điểm. Cậu bé học lớp 9 khi đó luôn khẳng định muốn sống ở thế giới mà trẻ em không cần phải đi học.
Muốn gần gũi con hơn, mẹ đưa Hong vào bếp cùng nấu ăn, cố gắng chuyển sự chú ý của cậu sang việc khác. Nhưng ngay khi cô quay đi, Hong lại chạy đi chơi game. Người mẹ bắt đầu đặt câu hỏi: "Với những thứ Hong thích, tại sao chúng lại có sự mê hoặc kỳ lạ? Có thể tạo ra niềm yêu thích khác cho con ngoài việc chơi game không?"
Để giúp con tìm thấy những điều mình thích, bố mẹ đưa Hong đi du lịch, học nhảy và tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Dù đi đâu, làm gì bố mẹ cũng luôn đồng hành với cậu.
Thế nhưng, Hong vẫn không tỉnh ngộ.
Hàng ngày Hong vẫn hăng say chơi game, thậm chí từng có ý định bỏ học năm lớp 10 với mong muốn trở thành một game thủ.
Người mẹ rất đau lòng, bà nói rằng nếu đòn roi có thể cải thiện điểm số của con, bà có thể đánh cậu không dưới 20 lần trong ngày. "Nhưng đứa trẻ này, cứng rắn hay nhẹ nhàng cũng không ăn thua, tôi giờ biết phải làm thế nào", mẹ Hong từng đặt câu hỏi với giáo viên chủ nhiệm của con.
Không có cách nào kiểm soát suy nghĩ của Hong, mẹ cậu chuyển hướng, cố gắng tin tưởng vào quyết định và sở thích của con trai. "Nếu muốn trở thành game thủ, con hãy làm đi", bà nói với cậu.
Với tâm lý này, bố mẹ Hong đã quay sang ủng hộ cậu trong các cuộc thi game. Họ luôn động viên: "Cố gắng lên, con sẽ giành chức vô địch", khiến Hong thấy cảm động.
Không ai ngờ, đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời của Hong. Cậu đã gặp phải những game thủ chuyên nghiệp và thua thảm hại.
Nhiều năm sau khi nhớ lại, Hong nói rằng cậu đã khóc sau khi cuộc thi kết thúc.
"Thắng thua không khiến tôi đau đớn mà chính là tôi đã phụ niềm tin bố mẹ đặt vào mình", Hong nói. Chàng thanh niên này vẫn nhớ bố mẹ đã bắt xe bus đến địa điểm thi đấu và cổ vũ nhiệt tình ra sao.
"Khi đó đột nhiên tôi cảm thấy có lỗi với bố mẹ. Cảm giác đó rất lạ, chưa từng trải qua trong đời. Nước mắt cứ thế trào ra", Hong hồi tưởng.
Sau thất bại này, Hong nhận ra bản thân không có khả năng trở thành một game thủ chuyên nghiệp. Cậu bắt đầu xem xét các hướng phát triển mới của mình.
Dù điểm số trên lớp vẫn thấp nhưng Hong không còn phản đối việc học. Cậu suy nghĩ: "Có thể do mình lười học nên điểm số còn thấp". Hong bắt đầu phân bổ việc học, tuy nhiên không bị áp lực như học sinh khác phải cố gắng hết sức để vào trường đại học danh tiếng.
"Bố mẹ không bắt ép tôi làm gì. Dù sao tôi biết rằng, dù mình lựa chọn thế nào thì bố mẹ cũng luôn ủng hộ", Hong nói. Từ suy nghĩ này, bài kiểm tra tiếp theo, cậu đã đạt trên 90 điểm - điều chưa có tiền lệ trước đó.
Giống như sự tận tâm với game, toàn bộ thời gian sau này của Hong dành cho việc học. Chỉ trong một năm, cậu đã vươn lên đứng thứ hai trong lớp và đứng đầu toàn trường về thành tích học tập sau đó ít lâu.
Kỳ thi tuyển sinh đại học năm đó, Hong đỗ vào một trường đại học danh tiếng tại Hàn Quốc với học bổng toàn phần trong 4 năm học.
Sau khi tin tức lan truyền, nhiều người không tin vào kết quả của Hong. Kể cả khi lấy giấy thông báo nhập học, nhiều người vẫn thắc mắc: "Có phải do máy tính sai không?"
Hong nói rằng, cho dù người khác tin hay không, điều đó không quan trọng bởi điều cậu quan tâm nhất chính là sự tin tưởng của cha mẹ dành cho mình. Mẹ từng nói với Hong rằng: "Cho đến chết, mẹ vẫn luôn tin tưởng con".
Mẹ của Hong cho hay, có sự tin tưởng từ cha mẹ, ngay cả khi con chọn sai đường, chúng sẽ tự mình gánh chịu hậu quả, sửa chữa lỗi lầm và cuối cùng đạt được cuộc sống mà chúng muốn.
Vì tin tưởng, bố mẹ Hong luôn tạo cho con một môi trường phát triển tự do và thoải mái, cho phép con làm theo quyết định của chính mình.
"Chỉ những đứa trẻ không bị quấy rầy mới có thể phát huy hết khả năng vốn có", người phụ nữ ngoài 50 tuổi chia sẻ.
Bà cũng nhấn mạnh trong chương trình phỏng vấn với EBS, cuộc sống giống như một cuộc đua marathon, trong quá trình chạy nhiều lúc trẻ bị vượt qua và muốn bỏ cuộc.
"Sức mạnh quyết định sự kiên trì của trẻ không phải là đòn roi sau lưng, mà là sự ủng hộ tin tưởng của cha mẹ đã nằm trong tim chúng", người phụ nữ này nói.
Vy Trang (Theo EBS)