Bài viết của tác giả Hứa Tiểu Mỹ, một chuyên gia giáo dục đăng trên diễn đàn dành cho cha mẹ tại Trung Quốc.
Với câu hỏi bất ngờ, tôi trả lời như những gì bố mẹ nói với tôi "Đọc sách có thể giúp con thu được nhiều kiến thức mà kiến thức sẽ thay đổi cuộc sống của con". Nghe câu trả lời, con gái nhún vai vẻ khó hiểu nhưng rồi lại mở sách đọc tiếp, như một thói quen hình thành từ lâu.
Khi tôi kể cuộc hội thoại này cho một người bạn là chuyên gia tâm lý, chị kể với tôi một câu chuyện về ý nghĩa của việc đọc sách.
"Một lão nông và cháu trai sống trên núi. Mỗi sáng, sau khi làm đồng về, lão nông đều ngồi đọc sách. Một ngày, cháu trai hỏi: 'Ông ơi cháu rất muốn đọc sách giống ông, nhưng cứ mỗi khi gấp sách vào là cháu quên tiệt mọi thứ trong đó. Vậy đọc sách có ý nghĩa gì đâu'.
Lão nông mỉm cười, chỉ vào một chiếc giỏ bằng tre vốn để đựng than rồi bảo: 'Cháu hãy ra con suối gần nhà, múc nước về đây ông sẽ có câu trả lời'. Cậu bé mang chiếc giỏ đi múc nước. Nhưng vì giỏ thủng, về đến nhà nước đã chảy ra hết.
'Cháu hãy chạy nhanh hơn', người ông khuyên. Lần này cậu bé múc nước rồi hộc tốc chạy, nhưng nước vẫn thoát ra ngoài và chẳng còn giọt nào khi về tới nhà. Sau khi thử nhiều lần, cuối cùng cậu bé đành nói: 'Ông ơi cái giỏ không đựng được nước. Nó thật vô dụng'.
Nghe cháu nói, người ông mỉm cười 'Cháu nghĩ nó vô dụng ư, vậy hãy nhìn vào chiếc giỏ đi'. Cậu bé cúi xuống nhìn. Nó thấy cái giỏ than ban đầu đầy cặn bẩn giờ đã rất sạch sẽ, từ trong ra ngoài.
'Quá trình đọc sách giống như cái giỏ tre này. Mặc dù mỗi lần sử dụng, nước đều chảy ra hết nhưng điều này sẽ khiến chiếc giỏ trở nên sạch sẽ hơn. Nó rõ ràng và tươi sáng như trí óc của con người vậy', lão nông nói với cháu".
Kể xong câu chuyện, người bạn tôi nói rằng ai cũng có thể giống như cậu bé, không thể nhớ những cuốn sách đã đọc trong đời. Nhưng chính những cuốn sách đó có thể làm cho họ trở thành người tốt hơn, dù trong vô thức.
Vậy khi một đứa trẻ hỏi "Tại sao con nên đọc sách", cha mẹ nên trả lời như thế nào?
Đọc sách sẽ tạo nhiều cơ hội lựa chọn hơn
Thầy dạy Văn học của tôi ở đại học từng ví rằng, kiến thức giống như tất cả các loại bánh. Bánh được chia thành bánh lớn, bánh nhỏ, bánh socola, bánh dâu... Càng tích lũy được nhiều kiến thức, bạn sẽ nhận được chiếc bánh càng lớn và có nhiều cơ hội để ăn chúng.
Khi chỉ có một chiếc bánh, bạn cũng phải ăn nó. Ngay cả khi bạn không thích hương vị cũng đành chịu vì chẳng còn lựa chọn nào khác. Còn nếu như ta có nhiều bánh, chúng ta có thể được lựa chọn theo sở thích của riêng mình.
Nhà văn nổi tiếng Đài Loan, Long Ứng Đài khi được con trai 15 tuổi hỏi câu "Tại sao bắt con phải đọc sách", đã trả lời như sau:
"Mẹ yêu cầu con đọc không phải chỉ mong muốn con sẽ thành công hơn những người khác, mà vì hy vọng con có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, tìm được công việc ý nghĩa, đúng với ước mơ mà không cần phải bắt buộc làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm.
Nếu con giỏi thì con sẽ có nhiều cơ hội, nắm quyền quyết định điều con muốn. Ngược lại, con không đủ khả năng thì hãy chấp nhận cuộc đời mình bị người khác điều khiển số phận. Con muốn sở hữu thứ mà người khác không chạm tới, thì phải chấp nhận trả giá cho những nỗ lực mà người khác không thể, không có mục tiêu con sẽ không bao giờ có được hạnh phúc", nhà văn nói.
Bởi vậy, ý nghĩa của việc đọc là cho bạn nhiều sự lựa chọn và tự chủ cuộc sống của mình hơn là bị người khác điều khiển.
Đọc sách xác nhận tầm nhìn
"Bill Gates không học cao mà vẫn thành tỷ phú. Jack Ma tốt nghiệp đại học địa phương, tại sao họ vẫn thành công và giàu có", không ít người trẻ đặt câu hỏi này với bố mẹ.
Nhưng đừng quên rằng, ở thời đại của Jack Ma, việc đỗ được vào một trường đại học dù ở địa phương cũng là một học sinh ưu tú. Còn ngôi trường nơi Bill Gates bỏ học được gọi là Đại học Harvard.
Dù xuất thân, màu da, quốc tịch khác nhau, nhưng giữa Bill Gates và Jack Ma, họ đều có chung một sở thích, đó là đọc sách.
Tỷ phú Warren Buffett từng nói "Đọc và học là thói quen và niềm tin của tôi". Ông từng nói rằng, tất cả những cuốn sách bạn đã đọc sẽ không bao giờ gọi là vô ích. Chúng có thể giúp ích cho bạn vào một dịp nào đó trong tương lai.
Với vị tỷ phú này, đọc sách có thể mang lại cho ông sức mạnh và niềm hạnh phúc mà không một phương tiện giải trí nào có thể sánh được.
Khi Lỗ Tấn còn là một thiếu niên, ông luôn đắm mình với những trang sách kể cả vào ban đêm. Để có thể tránh cái lạnh thấu xương thấu thịt đêm đông, ông thường xuyên nhai ớt cay, vừa tỉnh ngủ vừa giữ ấm cơ thể. Kết quả ông trở thành nhà văn nổi tiếng.
Bởi vậy có thể nói: Mục tiêu cuối cùng của việc đọc sách là tích hợp kiến thức và mở rộng tầm nhìn của chính bản thân mình.
Đọc sách có thể cải thiện vận mệnh
Trước đây trong xã hội gia trưởng của Trung Quốc, người ta nhấn mạnh rằng các cô gái không cần phải đọc sách và học lên cao. Bởi dù sao khi lớn lên, việc của họ là làm những công việc nội trợ bình thường và sinh con đẻ cái. Tại sao phải đọc sách?
Thế nhưng, ở Trung Quốc, không ai không biết tới cô giáo Trương Quế Mai. Cô Trương là giáo viên thành lập trường học dành cho nữ sinh đầu tiên tại vùng núi của tỉnh Vân Nam. Bà là người đã dìu dắt 1.600 nữ sinh nghèo, mồ côi học tập vươn lên, đỗ vào các đại học danh tiếng tại Trung Quốc.
Trương từng nói "Một người không thể phát triển nếu không có sách giống như trẻ em lớn lên mà không có bố mẹ".
Vị giáo viên này cho biết, nếu nuôi dưỡng được người mẹ có học thức và trách nhiệm, những đứa trẻ ở vùng núi sẽ chẳng bao giờ phải bỏ học. Một người phụ nữ thích đọc sách luôn hiểu rằng trẻ em cần một nền tảng tri thức vững vàng hơn là một cuộc sống xa hoa, nhung lụa.
"Một người phụ nữ thích đọc sách, ngay cả khi đang ở trong bếp hay ngoài đồng, hương thơm của trí thức sẽ ngấm vào toàn bộ cơ thể của cô ấy và truyền sang chất lượng của thế hệ tiếp theo", Trương nhấn mạnh.
"Do đó, nếu có thời gian, việc tốt nhất bạn nên làm là đọc sách", bà khẳng định.
Shakespeare từng nói: "Không có cuốn sách nào trong cuộc sống mà không có ánh sáng của mặt trời. Không có cuốn sách nào trong trí tuệ con người giống như con chim không có cánh".
Chỉ khi cha mẹ hình thành thói quen đọc tốt, con cái họ mới có thể hình thành thói quen đó. Làm thế nào để hướng dẫn trẻ tìm thấy niềm vui khi đọc sách và cảm thấy đọc là hạnh phúc là một chủ đề giáo dục rất quan trọng đối với cha mẹ.
Bạn biết đấy, trẻ em rất tò mò và khao khát khám phá, nhưng chúng cũng nhanh chán trong vài ba phút. Bởi vậy mới nói cha mẹ là "ngôi trường" đầu tiên trẻ học được kiến thức và làm quen với thế giới. Thói quen đọc sách của trẻ cần có sự hướng dẫn chính xác từ cha mẹ.
Tôi tin rằng những đứa trẻ thích đọc luôn có hành vi tốt và sẽ chẳng bao giờ bị thất thế với xã hội. Tuy nhiên, đằng sau những đứa trẻ này phải có những bậc phụ huynh ưu tú, những người luôn âm thầm khích lệ và cổ vũ văn hóa đọc cho con.
Vy Trang (Theo sohu)