Hưởng ứng cuộc thi "Học bổng đèn đom đóm", tôi tiếp tục giới thiệu một nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Đó là em Hứa Văn Trần, dân tộc Nùng, học sinh lớp 1A, trường tiểu học Kim Loan.
Theo sự chỉ dẫn của trưởng xóm, tôi không khó để tìm ra nhà em vì đó là một căn nhà sàn khác biệt so với phần còn lại của xóm, lụp xụp, lợp nửa ngói nửa tranh, được quây bởi các tấm cót rách và các mảnh bạt cũ. Dù đã đi nhiều nơi, ở miền sơn cước có không ít hoàn cảnh khó khăn nhưng đến nhà Trần, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Đó là một căn nhà hay đúng hơn là một cái chòi có người ở, trong nhà hầu như không có gì đáng giá ngoài những thứ tối thiểu nhất phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản của gia đình. Thứ giá trị nhất có lẽ là cái bàn uống nước bằng ván ép đã qua sử dụng mà nhà hàng xóm tặng.
Nhà Trần có 6 người, ông bà nội đã già yếu không còn làm việc được. Em trai Trần đang học mẫu giáo còn bố Trần bị mất sức lao động, đã mấy năm nay chỉ nằm một chỗ. Bởi vậy, mọi việc đồng áng, nương rẫy, việc gia đình, xã hội do một mình mẹ Trần gánh vác. Do lao động vất vả nên sức mẹ yếu dần, những hôm trái gió trở trời, căn bệnh thấp khớp của mẹ lại tái phát nhưng vẫn phải gắng gượng đi làm. Có lần, đến trưa mà mẹ vẫn chưa về, mọi người đi tìm tá hỏa khi thấy mẹ ngất ở trên nương, bên cạnh là những củ sắn rơi vương vãi. Nhà không có trâu, bò, ít ruộng nên thóc chỉ đủ ăn trong khoảng 5 tháng, các tháng còn lại phải đi mượn thóc hàng xóm, vay tiền mua thóc hoặc phải ăn cơm ngô, cơm độn sắn. Tiền vay ngân hàng để chữa bệnh cho bố thì cứ lãi mẹ, đẻ lãi con, bao nhiêu gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Không biết người mẹ ấy còn đứng vững được bao lâu.
Hiểu hoàn cảnh gia đình, thương mẹ nên Trần luôn vâng lời và giúp mẹ làm việc. Cứ mỗi buổi sáng, em phải dậy từ 5 giờ sáng để lên rừng nhặt trám, vì trám chỉ rụng nhiều vào ban đêm, nếu đi muộn, người ta sẽ nhặt hết. Sau đó, em mang theo túi trám đến trường bán cho thầy cô. Đến mùa sim chín, em tranh thủ lúc cùng mẹ đi làm thuê thì lên đồi nhặt sim về bán để người ta ngâm rượu. Số tiền ít ỏi thu được em đều đưa cho mẹ. Mẹ không cho em đi làm cùng vì không muốn nhìn con lam lũ, nhưng em đòi đi bằng được, mẹ đi trước, lẻn theo sau. Trong khi các bạn cùng trang lứa tung tăng vui chơi thì dù nắng hay mưa, Trần lại cùng mẹ lang thang trên khắp cánh đồng làm thuê cho người ta. Nỗi lo của hai mẹ con không phải là sự vất vả, bệnh tật mà chính là sợ không có ai thuê.
Cứ như thế, buổi sáng đi học thì buổi chiều em lại theo mẹ đi làm, thỉnh thoảng ở nhà để làm việc nhà và trông em. Ông bà nội và bố đều không ai đi lại được, những hôm mẹ đi vắng, em phải thay quần áo, cho em của mình ăn; nấu và bưng cơm vào buồng cho ông bà và bố, sau đó lại rửa bát... Em thực hiện những công việc đó rất thuần thực. Khổ nhất là lúc ông nội lên cơn co giật, em phải vượt qua quãng đường rừng xa xôi xuống trạm xá gọi bác sĩ lên nhà khám bệnh.
Người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một cậu bé đeo ba lô to tướng dắt em đến trường mẫu giáo sau đó đi bộ ngược lại để đến trường học. Ăn quà vặt với em là một điều gì đó rất xa xỉ, ước mơ có một chiếc xe đạp đến trường lại càng xa vời. Không chỉ thông thạo việc nhà, Trần còn là một học sinh ngoan ngoãn, cố gắng học tập, mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, được thầy cô và bạn bè quý mến. Em mong bố khỏi bệnh và mẹ khỏe mạnh để em yên tâm học tập và ước sau này trở thành chú bộ đội biên phòng để bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc.
Mùa đông sắp đến, áo ấm ở đâu khi cơm còn chưa đủ no, có lẽ bếp lửa sẽ là nơi ấm cúng nhất của gia đình. Em sinh ra ở đó và bao ước mơ cũng khởi phát từ đây nhưng tôi biết rằng điều đó không dễ dàng. Cầu mong em luôn giữ vững niềm tin, quyết tâm vượt khó để thực hiện ước mơ cao đẹp của mình.
Lý Văn Tỉn