Giữa tháng 11, một blogger du lịch người Malaysia đăng tải lên Facebook video về cuộc trò chuyện với cậu bé Campuchia bán quà lưu niệm có khả năng nói hơn 10 thứ tiếng. Video thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem và hàng chục nghìn chia sẻ, bình luận chỉ sau 5 ngày. Thông tin về cậu bé bán hàng rong được tìm kiếm.
Thuch Salik, 14 tuổi, nhân vật chính trong video, trở nên nổi tiếng. Chanel News Asia ngày 17/11 mô tả cuộc sống của Salik đang bước sang một trang mới.
Em được mời sang Trung Quốc du lịch. Nhiều đài truyền hình đài thọ toàn bộ chi phí cho cả gia đình Salik tới làm khách mời trong các chương trình. Nhiều doanh nhân, tổ chức từ thiện giúp đỡ hàng nghìn USD, dành nhiều phần quà và cam kết hỗ trợ giáo dục cho em đến khi tốt nghiệp đại học. Tithya, em trai của Salik, cũng nhận được những hỗ trợ tương tự.
Salik là một trong số rất nhiều trẻ em Campuchia bán đồ lưu niệm cho khách du lịch ở cổng vào quần thể đền Angkor ở Campuchia. Để giao tiếp với người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay các nước châu Âu, em và các bạn phải học những câu ngoại ngữ đơn giản.
Thế nhưng, Salik tỏ ra nổi trội hơn cả. Em khiến du khách ngạc nhiên với khả năng trò chuyện bằng nhiều ngôn ngữ một cách linh hoạt và khiến họ ngưỡng mộ với tinh thần tự học.
"Em bắt đầu bán đồ lưu niệm rong từ năm 11 tuổi. Ban đầu, em chỉ học một chút tiếng Anh. Nhưng sau đó, mẹ đưa em đến bán hàng ở núi Bak Kheng - nơi có nhiều khách Trung Quốc và em phải học cách nói chuyện với họ. Nếu thấy họ, em sẽ bắt đầu hát", Salik nói và cho biết khách Trung Quốc rất ngạc nhiên trước khả năng của em. Với du khách nói tiếng Anh, Salik thực hiện cách tương tự.
Số tiền kiếm được, Salik đưa hết cho mẹ để đóng học cho hai anh em và trang trải sinh hoạt phí cho gia đình cũng như trả nợ.
Bà Mann Vanna, mẹ của Salik, cho biết đã không thể tin được khi nghe về sự nổi tiếng của con trai. "Tôi thấy hạnh phúc, vui mừng và không thể so sánh cảm xúc này với bất kỳ thứ gì. Dù là mẹ, tôi không biết cháu thông minh đến vậy và còn có thể biết hơn 10 thứ tiếng. Tôi không nghĩ con trai có thể hấp thụ tất cả kiến thức đó. Tôi cảm thấy bị sốc", bà nói.
Dù vậy, người mẹ vẫn mô tả con trai tốt bụng, chăm học và không bao giờ phàn nàn về việc phải mặc quần áo cũ, phải đi xe đạp trên quãng đường dài đến trường hay khi không có đủ thức ăn.
"Khi thấy những người khác mua quần áo mới cho con, tôi cảm thấy thất vọng về bản thân bởi chúng tôi không có khả năng làm điều đó và tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi sinh ra nhưng không có khả năng chu cấp và dạy dỗ các con", bà Vanna bộc bạch.
Hiện, Salik vẫn đi học vào ngày thường và bán hàng sau khi tan học. Tuy nhiên, những ngày đứng ở cổng đền bán đồ lưu niệm rong của em có thể sẽ được kết thúc bởi cuộc sống của gia đình đã thay đổi sau video blogger Malaysia đăng tải trên Facebook.
Bà Mann Vanna cho biết có thể sẽ không cho Salik đi bán hàng nữa. Bà khuyến khích con tập trung vào việc học nhiều hơn vì muốn con trai được giáo dục tốt. Nếu rảnh, cậu bé vẫn có thể phụ giúp bà.
Về phía Salik, em tỏ ra hào hứng vì chưa bao giờ nghĩ sẽ trở nên nổi tiếng. "Ngay cả khi em đang ăn trưa, mọi người cũng tới và yêu cầu chụp ảnh cùng em", Salik nói và hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành hướng dẫn viên du lịch, có thể khám phá những di tích cổ và đặt chân tới nhiều quốc gia mới.
"Xin đừng mua đồ của trẻ em bán rong"
Có hàng nghìn đứa trẻ khắp Campuchia đang trở thành công cụ kiếm thêm thu nhập cho gia đình như Salik nhưng không phải ai cũng có được may mắn.
UNICEF Campuchia ước tính có 80.000 trẻ em nước này không được đến trường. Đói nghèo khiến tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng và bóc lột khá cao. Không chỉ bán hàng rong, nhiều đứa trẻ phải làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm như làm gạch hay khai thác muối.
Theo ông Bruce Grant, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của UNICEF Campuchia, việc đưa tiền cho trẻ em tại các điểm du lịch hay trên đường phố có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
"Chúng tôi khuyên khách du lịch không nên cho tiền và mua hàng của trẻ em bán rong. Tôi biết điều đó khó nhưng đó là việc làm đúng đắn", ông Bruce nói và gợi ý du khách chỉ nên mua đồ lưu niệm từ người lớn, cho trẻ em sách vở, bút viết hoặc tìm đến các tổ chức xã hội để yêu cầu hỗ trợ các em khó khăn.