Trong năm nay, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa thủy điện khoảng 13 tỷ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung ứng điện năm nay gặp nhiều khó khăn do các nhà máy nhiệt điện than mới ở miền Bắc gồm Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn Động vẫn đang trong giai đoạn vận hành chưa ổn định. Dự kiến mùa khô năm nay cả nước sẽ nhập khẩu khoảng 2.506 triệu kWh từ Trung Quốc, cả năm con số này lên tới 4.566 triệu kWh.
Từ đầu tháng 3 sẽ tiết giảm điện. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bộ Công thương cho hay, cơ cấu sản xuất điện sẽ huy động tối đa các nguồn bao gồm thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than, điện nhập khẩu và huy động phát cao nguồn nhiệt điện dầu (4,72 tỷ kWh). Tuy vậy, nhiều khả năng hệ thống điện không đảm bảo cung ứng trong mùa khô. Sản lượng thiếu hụt dự kiến trong mùa khô khoảng 2,08 tỷ kWh. Do đó, Cục yêu cầu EVN xây dựng kế hoạch cung cấp, cắt giảm điện từ tháng 3.
Theo Bộ Công thương, tính đến 15/2, hệ thống điện quốc gia vẫn được vận hành theo nguyên tắc không thực hiện cắt giảm tải, trừ các trường hợp mất điện để bảo dưỡng sửa chữa. Khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện, Cục điều tiết điện lực đề xuất, EVN phải xem xét ưu tiên phân phối điện cho Hà Nội và TP HCM.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý tăng giá bán điện bình quân năm 2011 lên 15,28% so với năm 2010. Theo đó, giá điện năm 2011 sẽ tăng từ 1.058 đồng mỗi kWh lên 1.220 đồng mỗi kWh.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng mức tăng 15,28% là cao nhất từ trước đến nay. Điện tăng giá sẽ gây khó khăn cho một số ngành sản xuất và sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng giá theo như sắt thép, xi măng… Vị chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng cắt điện diễn ra sắp tới. Ông Doanh cho rằng việc tăng giá điện cùng rơi vào thời điểm cắt điện thì EVN sẽ khó giải thích với người dân.
Hoàng Lan