Cơ quan Tổng thanh tra Lầu Năm Góc (OIG) hồi giữa tháng 11 công bố báo cáo về những khó khăn mà quân đội Mỹ gặp phải đối với thiết bị lọc khí động cơ (EAPS) trên trực thăng lai V-22 Osprey. Bộ phận này dường như không được thiết kế phù hợp với yêu cầu kỹ thuật từ nhà sản xuất động cơ Roll-Royce để bảo đảm dòng Osprey có thể hoạt động ổn định ở điều kiện sa mạc.
Trực thăng lai V-22 được biên chế chủ yếu cho thủy quân lục chiến và không quân Mỹ, nhưng hải quân lại chịu trách nhiệm chính trong quá trình phát triển. Văn phòng Chương trình Osprey của Liên quân Mỹ nằm dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Các hệ thống không quân hải quân (NAVAIR).
Những vấn đề với EAPS nói riêng và động cơ nói chung đã ám ảnh dòng V-22, gây ra nhiều tai nạn chết người trong vòng 10 năm qua. Hải quân Mỹ hai lần thiết kế lại EAPS vào năm 2010 và 2011, nhưng đều không thể giải quyết dứt điểm lỗi của bộ phận này. Các chuyên gia lo ngại nỗ lực sửa lỗi lần thứ ba cũng không bảo đảm dòng Osprey có thể hoạt động được trong môi trường sa mạc.
"Lần tái thiết kế này giúp tăng khả năng lọc cát bụi khỏi luồng khí đầu vào động cơ V-22 so với mẫu EAPS nguyên bản. Tuy nhiên, lượng cát bụi còn lại vẫn nhiều gấp 4 lần tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Những rủi ro khi vận hành V-22 vẫn chưa được khắc phục triệt để, bất chấp những nỗ lực chỉnh sửa EAPS suốt 9 năm qua", báo cáo của OIG có đoạn.
Biến thể MV-22 của thủy quân lục chiến và CV-22 không quân lần lượt được biên chế vào năm 2007 và 2009. Cả hai mẫu này đều được trang bị hai động cơ Roll-Royce T406. Mỗi động cơ có một hệ thống EAPS nhằm loại bỏ cát bụi và dị vật khỏi luồng khí đầu vào. Phiên bản V-22 Nhật Bản và biến thể CMV-22 cho hải quân Mỹ sắp ra mắt cũng ứng dụng thiết kế tương tự.
Hai cánh quạt của Osprey tạo ra lực đẩy rất lớn, giúp phi cơ có thể cất hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn như trực thăng. Tuy nhiên, chúng cũng thổi cát bụi lên không và bao phủ toàn bộ máy bay khi hạ cánh ở sa mạc, làm giảm tầm nhìn và công suất động cơ, có thể dẫn tới mất lực nâng khiến máy bay rơi xuống đất.
Sỏi đá, cát bụi trong luồng khí cũng mài mòn, làm hư hại lá cánh turbine và thành động cơ. Những loại cát chứa kim loại kiềm có thể bị nóng chảy bởi nhiệt độ cao trong động cơ, gây kết dính các bộ phận nhạy cảm và khiến chúng ngừng hoạt động.
Nhiều tai nạn với dòng V-22 bắt nguồn từ EAPS. Một chiếc MV-22 rơi ở Hawaii hồi tháng 5/2015 khiến hai lính thủy quân lục chiến thiệt mạng và 20 người bị thương. Các nhà điều tra cho rằng lỗi thuộc về phi công, nhưng cũng đề xuất phát triển bộ lọc không khí mới, đồng thời giảm thời gian trực thăng được bay treo gần mặt đất từ 60 xuống còn 35 giây.
Hải quân Mỹ phát hiện vấn đề của EAPS và bắt đầu thiết kế lại bộ phận này từ năm 2010. Vào thời điểm đó, mỗi chiếc V-22 được đánh giá đủ sức hoạt động 500 giờ trước khi phải đổi bộ lọc, nhưng con số thực tế khi vận hành ở sa mạc chỉ là 200 giờ.
Trực thăng lai Osprey từng 8 lần gặp sự cố đột ngột mất lực đẩy trong giai đoạn 2008-2015. Dù những sự cố này không dẫn tới tai nạn rơi máy bay, chúng vẫn cho thấy động cơ của V-22 đã xuống cấp nhanh chóng. Hải quân Mỹ phải đề xuất nhiều biện pháp nhằm tránh tình trạng trên, bao gồm hạn chế số giờ bay trong môi trường cát bụi, cải thiện hệ thống cảnh báo mất lực đẩy và sửa giáo trình huấn luyện.
Nhiều dự án chỉnh sửa động cơ và EAPS được đề xuất sau đó đều không mang lại kết quả rõ rệt. Báo cáo của OIG cho rằng các dự án thái thiết kế bộ lọc thất bại bởi kế hoạch thử nghiệm không phản ánh chính xác điều kiện vận hành thực tế.
"Không một mẫu đất đá nào trong thử nghiệm phù hợp với điều kiện tự nhiên trên thế giới. Hải quân chỉ kiểm tra EAPS với 100% cát hoặc 100% bùn, trong khi các loại đất trên thế giới được cấu thành chủ yếu bởi cát, bùn và đất sét", báo cáo của OIG tiết lộ.
Hải quân Mỹ tỏ ý không đồng tình với kết luận của OIG, giải thích rằng bộ lọc khí đủ mạnh theo yêu cầu của nhà sản xuất sẽ khiến chiếc Osprey mất lực đẩy khi bay treo gần mặt đất vì động cơ không hút đủ không khí.
Trong đợt chỉnh sửa mới nhất, hải quân Mỹ quyết định hợp tác với Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) và không quân để thiết kế lại cửa hút khí động cơ với sản phẩm mang tên "Giải pháp cửa hút cải tiến" (IIS). Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa hoàn thiện và các trực thăng lai V-22 sẽ phải tiếp tục sử dụng EAPS trong thời gian tới.
Lã Linh (Theo Drive)