Asmawi là người Malaysia gốc Singapore, sống tại Australia. Kể từ thời niên thiếu, cô vật lộn với vấn đề cân nặng và phải sử dụng chế độ ăn kiêng, thuốc giảm cân và thuê huấn luyện viên cá nhân. Song không phương pháp nào có tác dụng lâu dài. Cuộc đấu tranh với cơn thèm cơm hoặc mì ống thường đến vào đêm khuya. Lúc này, cô sẽ ăn nhiều hơn.
Tháng năm 5/2016, cân nặng của cô là 130 kg. Cùng lúc đó, cô mang thai đứa con thứ hai và phát hiện mắc bệnh tiểu đường type 2, phải tiêm insulin. 6 tháng sau, cô mắc chứng cao huyết áp.
Tình trạng sức khỏe tồi tệ đến mức đã có lúc Asmawi nghĩ cô không thể sống lâu hơn 40 tuổi để nhìn cả hai con gái của mình lớn lên.
"Nếu tiếp tục thế này, liệu tôi còn mắc thêm bệnh gì nữa", cô nhớ lại ý nghĩ lúc đó.
Là một chuyên gia y tế về rối loạn giấc ngủ, Asmawi thường xuyên phải gặp gỡ các bệnh nhân của mình. Lần tiếp xúc với hai người phụ nữ 40 tuổi đã thay đổi cái nhìn của cô về bản thân. Một người trông khỏe mạnh, hoàn toàn bình thường. Người còn lại là một bệnh nhân tiểu đường, thừa cân và cao huyết áp, đều là tình trạng mà Asmawi gặp phải.
"Trông cô ấy không được khỏe. Tôi nhìn thấy tương lai của mình ở cô ấy", Asmawi nói.
Năm 2017, cô quyết định phẫu thuật nội soi cắt dạ dày để giảm cân. Trong đó, người bệnh được loại bỏ 75% dạ dày, hạn chế lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể. Những năm gần đây, thủ thuật này đã trở nên phổ biến trên thế giới do tỷ lệ béo phì và tiểu đường tăng nhanh.
Theo một khảo sát được thực hiện tại 18 quốc gia trong khu vực Châu Á, năm 2017 có khoảng 95.000 bệnh nhân được phẫu dạ dày để giảm cân. Kết quả công bố tại hội nghị của Hiệp hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Bệnh lý Châu Á.
Đây là thủ thuật nhiều rủi ro, nó có thể khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong, theo Mayo Clinic. Chính Asmawi cũng từng rơi nước mắt khi kể lại trải nghiệm của mình.
"Mọi ca phẫu thuật đều có biến chứng. Tôi đã phó mặc cho số phận, nghĩ rằng điều gì đến sẽ đến và nói lời tạm biệt với các con của mình", cô chia sẻ.
Asmawi làm rõ một quan niệm sai lầm, chỉ ra rằng phẫu thuật dạ dày không phải lựa chọn dễ dàng để giảm cân như nhiều người tưởng tượng.
"Đó không phải điều đơn giản. Bạn phải học cách ăn uống trở lại", cô nói.
Trong những ngày đầu, lượng thức ăn dư thừa trong khi dung tích dạ dày giảm khiến cô bị đau hoặc nôn mửa. Sau chế độ ăn đồ lỏng nhiều tuần, cô bắt đầu ăn được cháo nhuyễn, thức ăn mềm và thức ăn đặc.
"Giống như trở lại làm trẻ sơ sinh một lần nữa", cô nói.
Asmawi phải khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, kiểm tra chế độ dinh dưỡng. Cô đã uống bổ sung vitamin B12 và D sau khi phẫu thuật.
"Bạn sẽ không cảm thấy đói, nhưng cần nhắc nhở bản thân ăn uống để có đủ dinh dưỡng, và dùng đúng loại thực phẩm", cô nói.
Asmawi trở nên hòa hợp với cơ thể mình và hiểu nhu cầu của bản thân hơn. Cô biết rằng ăn quá nhiều carbohydrate sẽ gây ra cảm giác lờ đờ, uể oải, vì vậy chủ động giảm thiểu lược carb dung nạp mỗi ngày. Cô cũng chọn chế độ ăn lành mạnh, dùng bữa sáng với chuối hoặc một bát sinh tố, ăn nhẹ cùng bánh mì nướng. Cô bỏ thói quen ăn khuya, không ăn quá nhiều cơm hoặc mì ống trong bữa tối để tránh tình trạng buồn nôn.
Cân nặng của cô giảm nhanh chóng sau đó. Khi mới phẫu thuật, Asmawi nặng 115 kg. Trong 6 tháng tiếp theo, cô giảm thêm 30 kg xuống còn 85 kg.
Khi việc giảm cân bị chững lại, cô bắt đầu đến phòng gym để rèn luyện sức bền. Để giữ vững thể lực, Asmawi lao vào tập thể dục 5 ngày một tuần. Tháng 3/2020, Covid-19 lan sang Australia. Melbourne nơi cô sống rơi vào tình trạng phong tỏa. Không thể đến phòng tập, cô bắt đầu đi bộ trong khu phố hàng ngày.
Hiện tại, cân nặng của Asmawi là 76kg, giảm gần 60 kg so với 4 năm về trước. Cô đặt mục tiêu giảm thêm 10 kg trong năm tới.
Điều quan trọng nhất là huyết áp và lượng đường trong máu của cô trở về ngưỡng bình thường. Trong buổi khám định kỳ với bác sĩ nội tiết vào tháng 9, cô được tuyên bố khỏi bệnh tiểu đường.
Dù đã lấy lại tự tin, đại dịch vẫn khiến cô lo lắng. Nghiên cứu từ châu Á, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ của Đại học Bắc Carolina đã chỉ ra rằng người béo phì mắc Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng và phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực cao hơn 74%, khả năng tử vong tăng 48%.
"Với tiền sử bệnh tiểu đường và cao huyết áp, tôi không biết cơ thể mình sẽ phản ứng thế nào nếu nhiễm nCoV. Nó làm tôi hoảng sợ. Tôi đã không lựa chọn thực phẩm một cách thông minh khi còn nhỏ. Tôi muốn đảm bảo rằng mình có một lối sống lành mạnh hơn và con cái tôi cũng vậy", cô chia sẻ.
Thục Linh (Theo SCMP)