Phải mất tròn một tuần, trận chung kết cờ vua thế giới mới xuất hiện yếu tố hấp dẫn. Sau gần tám tiếng thi đấu hôm 3/12, đã có một người thắng ván đầu tiên.
Lần đầu tiên sau 5 năm, một ván đấu ở chung kết thế giới mới không kết thúc hoà. Làng cờ khó có thể tin vào những gì họ đang thấy. Trong thời đại các Siêu đại kiện tướng được đào tạo bởi máy tính, mọi người ngày càng lo ngại trận chung kết thế giới đang dần trở nên buồn tẻ và dễ đoán. Sự chuẩn bị dường như ngày càng quan trọng hơn tính sáng tạo.
Thay vào đó, thời đại của siêu máy lại tôn vinh tài năng xuất chúng của một kỳ thủ vĩ đại.
Magnus Carlsen đang dẫn Ian Nepomniachtchi 6,5-3,5, trong trận chung kết kéo dài 14 ván. Kỳ thủ Na Uy đang trên đường chứng minh anh là Vua cờ vĩ đại nhất lịch sử. Anh đã giữ ngôi từ năm 2013, và còn là kỳ thủ có Elo cao nhất mọi thời.
Ngay cả các đối thủ cũng phải ngạc nhiên với cách Carlsen đã tận dụng cuộc cách mạng máy tính ở làng cờ, để áp đạt các đối thủ. Anh không hề sa vào cuộc đua trí nhớ, thi xem ai chuẩn bị tốt hơn cho ván cờ. Mà anh tận dụng sự trợ giúp của máy tính để biến các ván đấu thành cuộc chiến của con người.
"Magnus tự hào nói rằng cậu ấy là kỳ thủ hàng đầu làm việc ít nhất với máy tính, và chịu ảnh hưởng ít nhất từ chúng", Đại kiện tướng Peter Heine Nielsen nói. "Magnus muốn tin tưởng vào sự tính toán và trực giác của chính mình".
Nielsen là thầy của hai Vua cờ gần nhất: Viswanathan Anand và Carlsen. Ông đã giúp hai kỳ thủ này vô địch trong bảy trận chung kết thế giới gần nhất. Ông sắp giúp học trò lần thứ tám vô địch, khi Carlsen chỉ cần thêm một điểm từ bốn ván còn lại trước Nepomniachtchi.
Trong nhiều thập kỷ qua, các kiện tướng cờ vua tận dụng chiều sâu tính toán của máy tính để nghiên cứu các biến thể và khám phá những khả năng vô tận của môn thể thao này. Đến vài năm gần đây, ngày càng nhiều công cụ đánh cờ xuất hiện với năng lực tính toán và lập kế hoạch vượt xa trí não con người. Chúng có thể được tích hợp trên máy tính xách tay của bất cứ kỳ thủ nào. Chúng không chỉ tăng tốc độ tính toán, mà còn đánh giá từng thế cờ và các hướng đi tiếp theo một cách hiệu quả.
Khi những kỳ thủ như Carlsen hay Nepomniachtchi có hàng tháng chuẩn bị cho chung kết, họ được trang bị đủ công cụ để nghiên cứu, có thể lên tới hàng trăm giờ. Dựa trên đánh giá của của các công cụ này cho từng thế cờ, kỳ thủ học được các nước đi tối ưu.
Carlsen hiểu tác động từ siêu máy, thậm chí rõ hơn bất cứ ai khác trên hành tinh này. Nhưng, anh cũng sở hữu một trí óc sáng tạo đến nỗi những nước cờ của anh thường không phải nước tốt nhất của một máy tính, nhưng là nước tốt nhất của con người. Anh muốn ván đấu biến thành một con đường mờ mịt, nơi đối phương có thể bị lạc.
"Người ta ví cờ vua như một khu rừng sâu, tối tăm, đầy rắn và gai", Kiện tướng Quốc tế Danny Rensch nói. "Magnus đưa đối thủ vào khu rừng đó".
Các Vua cờ đã cố gắng tìm ra cách tốt nhất để tận dụng sự trợ giúp của máy tính gần nửa thế kỷ qua. Vua cờ thứ 12 Anatoly Karpov từng tập luyện cùng một máy tính thử nghiệm có tên "Tolinka" năm 1978. Người ta còn gọi chiếc máy là "Anatoly nhỏ". Nhưng, khi đó sức mạnh của kỳ thủ vẫn vượt xa máy tính.
Bước ngoặt của làng cờ xuất hiện năm 1997, khi một siêu máy do IBM chế tạo có tên Deep Blue đã thắng Vua cờ thứ 13 Garry Kasparov. Dù Kasparov cho rằng Deep Blue đã gian lận, nhưng ông cũng không thể phủ nhận rằng những cỗ máy đánh cờ đang tiến bộ ở tốc độ phi thường. Chưa đầy 10 năm sau, một máy tính khác là Deep Fritz cũng hạ gục Vua cờ thứ 14 Vladimir Kramnik. Nó sử dụng những biến nằm ngoài sức tưởng tượng của con người, và Kramnik không thể chống đỡ.
Trận đấu đó đã khẳng định máy tính vượt xa các kỳ thủ, và cuộc chiến giữa người và máy cũng coi như chấm dứt. Kể từ đó, các công cụ đánh cờ phổ biến rộng rãi đến mức người mới học chơi cũng có thể truy cập chúng để phân tích các nước đi, với chiều sâu có thể tới hơn 20 nước. Công cụ đánh cờ xuất hiện ngày càng nhiều, với phong cách chơi riêng. Từ đó, các kỳ thủ có thêm nhiều phương án lựa chọn để cải thiện trình độ.
Trận chung kết năm 2018 lần đầu kết thúc với 12 ván toàn hoà, và Carlsen thắng Fabiano Caruana ở loạt tie-break. Trước đó, một công cụ đánh cờ siêu việt mới xuất hiện, có tên Leela Chess Zero (Lc0). Lc0 được lập trình dựa trên mạng nơ-ron nhân tạo. Với dữ liệu vô vàn ván đấu của con người, nó tự chơi hàng trăm triệu ván đấu với chính mình. Từ đó, Lc0 xây dựng được chuỗi thuật toán và bắt chước cách thức hoạt động từ não bộ kỳ thủ. Nó mở ra một kỷ nguyên còn tiên tiến hơn cho các siêu máy. Có người còn lo ngại rằng siêu máy sẽ biến kỳ thủ thành những quân tốt.
Vài năm qua, Lc0 còn đem đến một xu hướng mới cho các Kiện tướng, hay Đại kiện tướng. Nó tập trung vào tấn công vua đối phương, khi tâm lý của kỳ thủ thường là giữ cho vua được an toàn. Ngay từ khai cuộc, Lc0 thường đẩy tốt lên h4 rồi h5, và tấn công thành. Những nước cờ như vậy góp phần giúp Lc0 bốn lần liền vô địch thế giới ở các giải do Chess.com tổ chức.
Với đà thăng tiến chóng mặt của cỗ máy đánh cờ, công việc của một Kiện tướng cũng thay đổi. Họ cần ghi nhớ những biến thể khai cuộc chẳng hạn như ở Phòng thủ Nga, đồng thời nghiên cứu nước đi mới để gây bất ngờ cho đối thủ.
Đó là lý do vì sao mỗi kỳ thủ chơi trận chung kết đầu cần một đội ngũ trợ tá gồm toàn Kiện tướng và Đại kiện tướng. Mỗi trợ tá được phân công nghiên cứu một phương án khai cuộc riêng dựa theo thói quen của đối thủ, để gây bất ngờ.
Nhưng điểm mấu chốt không phải là sử dụng công cụ phân tích để tìm ra những nước đi chỉ có máy tính mới hiểu. Điều quan trọng là tìm ra những gì máy tính bỏ qua nhưng vẫn có thể hữu ích trong trận chiến con người. Niềm khao khát của một kỳ thủ hàng đầu là khám phá ra một chuỗi nước đi mà máy tính có thể không đồng tình, nhưng lại là biến thể mà đối thủ chưa chuẩn bị.
"Đó là khao khát của chúng tôi", Đại kiện tướng Cristian Chirila nói. "Nếu đi đến được bước này, chúng tôi sẽ có lợi thế lớn". Chirila là một trong những trợ tá giúp Caruana cầm hoà Carlsen 12 ván cờ tiêu chuẩn năm 2018.
Trong một thế cờ nhất định, máy tính có thể đề xuất nhiều nước cờ, với độ chính xác tương đương nhau. Sẽ chỉ có một vài phương án để con người có thể nghiên cứu, nhưng Carlsen có thể tìm phương án khác. Anh có thể đi nước cờ khó hiểu hơn, hoặc bất lợi hơn so với máy tính đề xuất. Bằng cách đó, Vua cờ thứ 16 đẩy đối thủ vào một vùng đất xa lạ với họ.
Bản năng của Carlsen cho phép anh chọn ra những phương án gai góc nhất với đối thủ. Anh đã dùng cách này để chiếm ưu thế ở ván sáu trận chung kết năm nay. Ở trung lẫn tàn cuộc, máy tính đánh giá thế cờ cân bằng. Nhưng thực tế, Nepomniachtchi rất khó tìm ra cách phòng thủ tốt nhất. Sau 136 nước cờ, ván đấu dài nhất lịch sử chung kết thế giới kết thúc với một điểm cho Carlsen.
"Tôi nghĩ ván sáu là một trong những ván thú vị nhất lịch sử chung kết thế giới", Caruana nói.
Thực tế Nepomniachtchi cũng được đánh giá khá giống với Carlsen, về lối đánh khó lường và gai góc. Hai kỳ thủ sinh năm 1990 đều trưởng thành mà không có sự trợ giúp của một công cụ đánh cờ mạnh hơn con người. "Tôi nghĩ thế hệ sinh đầu những năm 90 là lứa cuối cùng mà không có điều kiện tận dụng ảnh hưởng của máy tính", kỳ thủ số một Nga nói. "So với các kỳ thủ tuổi teen đang toả sáng hiện nay, lối đánh của tôi giống con người hơn một chút".
Nhưng Nepomniachtchi chuẩn bị cho trận chung kết thế giới đầu tiên trong sự nghiệp, nhờ sự hỗ trợ của một siêu máy tính từ Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo ở Moscow, có tên Zhores. Qua 10 ván đấu, Nepomniachtchi thường xuyên chiếm ưu thế sau khai cuộc. Nhưng hầu hết ván đấu anh lại phải phòng thủ ở trung và tàn cuộc.
Trong cuộc chiến giữa con người, không có ai khó lường hơn Carlsen. "Tất cả chúng ta đều có thể sao chép những gì siêu máy khám phá được", Nielsen nói. "Nhưng những gì đang diễn ra trong tâm trí của Magnus, chỉ có Magnus mới biết".
Xuân Bình (theo WSJ)