Thông tin này được ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) chia sẻ tại hội thảo về thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước diễn ra ngày 8/9.
Ông Toàn cho biết, quá trình thoái vốn tại Habeco vẫn đang gặp những vướng mắc trong đàm phán với đối tác ngoại - đại gia bia Carlsberg (Đan Mạch). "Dù đã qua 9 phiên đàm phán nhưng hiện hai bên vẫn chưa thống nhất được", ông Toàn chia sẻ.
Sau khi trở thành cổ đông chiến lược tại Habeco gần 10 năm trước với việc nắm 16%, nhà đầu tư này khi ấy muốn mua thêm 13% vào năm 2012 khi Habeco thoái vốn tiếp. Chưa kể, theo hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần với cổ đông chiến lược và hợp tác chiến lược giữa Habeco và Carlsberg so với các quy định hiện tại gặp nhiều vướng mắc, trước tiên là đàm phán quyền ưu tiên mua với nhà đầu tư chiến lược.
"Do lộ trình thoái vốn Nhà nước có thay đổi, Chính phủ muốn thoái sâu tại Habeco nên họ muốn nắm 51%. Có điều do chúng tôi còn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như rượu, lương thực... mà các lĩnh vực này thì quy định cho nhà đầu tư ngoại chỉ ở mức 49% là tối đa", ông Toàn nói.
Phó tổng giám đốc Habeco cho biết, khi đàm phán, thống nhất xong được quyền ưu tiên mua của cổ đông chiến lược mới có thể tiến tới thỏa thuận các nội dung khác. Mục đích là để đảm bảo công khai, minh bạch, thu lại giá trị lớn nhất cho Nhà nước và phải giữ lại thương hiệu của Habeco. "Chúng tôi sẽ phải kết thúc đàm phán và trình kết quả lên Chính phủ trước ngày 15/11, dù khó khăn nhưng hai bên sẽ phải ngồi lại để đi đến được phương án cụ thể", Phó tổng giám đốc Habeco nói thêm.
Hiện Carlsberg đang là cổ đông ngoại nắm giữ 17,51% cổ phần tại Habeco. Không ít lần cổ đông ngoại này ngỏ ý việc muốn mua lại toàn bộ 81,79% cổ phần mà Bộ Công Thương đang nắm giữ tại Habeco, song hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Nếu như Carlsberg có thể nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên tối thiểu 51%, hãng bia tới từ Đan Mạch sẽ trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại doanh nghiệp sở hữu hơn 18% thị phần tiêu thụ bia trong nước của Việt Nam.
Trong một văn bản mới gửi tới Habeco liên quan tới việc thay thế người đại diện tại đơn vị này, Carlsberg tiếp tục bày tỏ việc sẵn sàng tham gia vào các thảo luận tiếp theo về các bước kế tiếp của quá trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco.
Chia sẻ với VnExpress, Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay, Chính phủ sẽ bán vốn từng phần tại 2 doanh nghiệp này nhưng lộ trình thoái cụ thể chưa được tiết lộ.
"Bia là ngành kinh doanh có điều kiện, vì thế thoái vốn tại lĩnh vực này, cũng như tại Habeco, Sabeco không phải bán tống bán tháo mà mục đích cao nhất phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Thị trường rất rõ ràng, nếu đưa giá thấp thì bán nhanh nhưng ngược lại hiệu quả đem lại không như mong muốn", ông Hưng nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, giá bán bao nhiêu cũng là vấn đề, nhưng quan trọng hơn đối tượng doanh nghiệp nào trên thị trường có đủ khả năng để bỏ giá tốt, chứ nếu vài quỹ đầu tư tài chính mua thì mức độ sinh lời sẽ không cao, bền vững. "Chúng tôi sẽ đưa ra những yêu cầu cam kết cụ thể với nhà đầu tư khi mua vốn tại 2 doanh nghiệp này", Thứ trưởng Hưng chia sẻ.
Cuối năm 2016, Habeco đã thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này. Hiện tại, cổ phiếu BHN của Habeco đang được giao dịch trên sàn HOSE với giá 85.700 đồng một cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt hơn 19.355 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn cổ phần của Nhà nước nắm giữ theo giá thị trường hiện đạt khoảng 15.800 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 6 tháng năm sau soát xét của Habeco cho thấy, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 345,4 tỷ đồng, tăng 23,14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng được xác định do sản lượng tiêu thụ và giá bia các loại của Habeco - công ty mẹ tăng so với cùng kỳ 2016. Ngoài ra, Habeco cũng ghi nhận tăng thu nhập khác khoản tiền đền bù vỏ chai, két nhựa của các khách hàng đã cược nhưng ngừng kinh doanh theo quy định, khoảng 33 tỷ đồng (chưa gồm thuế).
Theo kế hoạch, trong tháng 10 tới Habeco sẽ chi khoảng 417 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ chi trả 18% bằng tiền mặt, tương ứng mỗi cổ phần nhận 1.800 đồng. Cổ đông lớn nhất hiện tại của Habeco là Bộ Công thương với tỷ lệ nắm giữ gần 82%, tương ứng với 189,6 triệu cổ phiếu. Như vậy, trong đợt chi trả cổ tức lần này của Habeco, Bộ Công thương dự kiến thu về khoảng hơn 340 tỷ đồng.
Anh Minh