Bên lề hội thảo "ASEAN và quan hệ Trung - Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực", giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, chia sẻ với VnExpress về những diễn biến mới trên Biển Đông và cách thức đối phó với các hành động mang tính quân sự hóa của Trung Quốc trên vùng biển này.
- Ông đánh giá thế nào về mô hình "quan hệ nước lớn kiểu mới" mà Trung Quốc muốn đưa ra với Mỹ?
- Trung Quốc nghĩ ra và thúc đẩy khái niệm này, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng muốn có vị thế cạnh tranh ngang bằng với Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Barack Obama lại không sử dụng thuật ngữ đó, mà nhấn mạnh vào quan hệ hợp tác với các đồng minh, đối tác. Thứ Mỹ muốn xây dựng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một mô hình mới của hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các nước và giảm thiểu đối đầu.
Những lời nói của Trung Quốc về quan hệ "đôi bên cùng có lợi" không thuyết phục được các quan chức Mỹ khi những hành động của họ trên Biển Đông đang đi ngược lại với tinh thần này.
Không ai trong khu vực có thể phủ nhận rằng Trung Quốc đã trở thành một cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, nhưng các cường quốc cũng có giới hạn trong các hành động của mình, và cái giá mà họ phải trả khi vượt qua các giới hạn đó sẽ là rất đắt.
Trung Quốc cần đến Mỹ cũng nhiều như Mỹ cần đến Trung Quốc, và nếu có bất cứ yếu tố nào, chẳng hạn như xung đột trên Biển Đông, ảnh hưởng đến nền kinh tế hai nước, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những kẻ thất bại. Kinh tế Trung Quốc muốn phát triển, họ phải tiếp tục giao thương, buôn bán với các nước khác. Bắc Kinh sẽ phải tính đến cái giá về kinh tế mà họ phải trả trước khi có bất cứ hành động phiêu lưu nào ở Biển Đông.
- Trung Quốc cho rằng Mỹ mới là bên quân sự hóa Biển Đông. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trung Quốc luôn tuyên bố rằng họ không quân sự hóa Biển Đông, trong khi những đường băng mà họ xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa có chiều dài tới 3.000 mét, đủ cho các máy bay ném bom chiến lược cỡ lớn như B-52 cất hạ cánh. Các trạm radar cao tần mà nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách tăng cường kiểm soát vùng biển, vùng trời trên Biển Đông.
Trung Quốc tố cáo rằng Mỹ mới là nước quân sự hóa Biển Đông khi điều tàu chiến, tàu sân bay tới vùng biển này. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các tàu chiến Mỹ tới và cập cảng ở Biển Đông đều theo lời mời của các đối tác trong khu vực như Singapore hay Philippines. Trong khi đó, không bên nào "mời" Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, xây các đường băng cỡ lớn hay các trạm radar ở đó cả.
- Mỹ có thể áp dụng chiến lược nào đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông?
- Hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc là khó có thể đảo ngược được, đây là thực tế mà không ai có thể phủ nhận. Các đảo nhân tạo phi pháp đã được Trung Quốc bồi đắp, xây dựng xong trên các bãi đá ở Trường Sa, và các công trình quân sự, dân sự khác nhau đang tiếp tục được hoàn thiện.
Biện pháp khả thi nhất là tiếp tục gây sức ép về ngoại giao và chính trị với Trung Quốc, ngăn ngừa nước này có "động thái đầu tiên" có thể đẩy khu vực vào tình trạng xung đột, đối đầu.
Dưới sự hậu thuẫn về ngoại giao của các đồng minh và đối tác trong khu vực, Mỹ cần áp dụng chiến lược "trò chơi thách đố" (game of chicken) trên Biển Đông, bằng cách tiếp tục các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực này. Khi các máy bay của Mỹ thực hiện các chuyến bay trong không phận quốc tế theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ không bao giờ dám bắn hạ chúng.
Mỹ đang tăng cường hợp tác ba bên với Australia và Nhật Bản nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực, đồng thời có những động thái để Ấn Độ có những hành động thiết thực hơn đóng góp vào tiến trình này. Dù hiện nay Ấn Độ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về một liên minh Mỹ - Australia - Nhật Bản - Ấn Độ ở châu Á - Thái Bình Dương, các bên vẫn đang tiếp tục thảo luận để tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
- Nguy cơ nổ ra xung đột trên Biển Đông lớn đến đâu?
- Nhưng Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc có các hành động quân sự hóa Biển Đông, và đã từng cảnh báo về những "hậu quả cụ thể" của những "hành động cụ thể". Trong thời gian tới, chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra bằng tàu chiến, máy bay trên Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc đã đưa tên lửa, chiến đấu cơ ra Hoàng Sa.
Dĩ nhiên, hành động này cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ nổ ra va chạm bất ngờ, giống như vụ chiến đấu cơ Trung Quốc va vào máy bay trinh sát Mỹ gần đảo Hải Nam năm 2001. Trong các chuyến tuần tra tương lai của tàu chiến Mỹ, Trung Quốc có thể áp dụng chiến thuật đâm va để ngăn cản hoạt động này.
Bởi vậy, tình hình trên Biển Đông có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Cuộc đối đầu của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông sẽ chạm tới giới hạn khi một sự cố bất ngờ xảy ra, như tàu chiến bị đâm chìm, máy bay bị rơi, hay ai đó bắn ra một quả tên lửa.
Trong hoàn cảnh đó, điều quan trọng là các chỉ huy hải quân Mỹ phải biết cách duy trì kỷ luật và kiểm soát, buộc các binh sĩ thuộc quyền phải xử lý mọi vụ việc theo các quy trình đã thống nhất với phía Trung Quốc, tránh những hành động bột phát, bất ngờ, gây hiểu lầm giữa hai bên.
- ASEAN và Việt Nam cần làm gì để giữ gìn hòa bình, an ninh trên Biển Đông?
- ASEAN hiện nay là trọng tâm trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều người lo ngại rằng khi quan hệ Mỹ - Trung đạt đến một mức độ nào đó, vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực sẽ dần mờ nhạt. Nhưng với vị trí địa chính trị quan trọng của mình, ASEAN luôn là nhân tố không thể thiếu trong các quá trình thúc đẩy an ninh khu vực, đặc biệt là với vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Để phát huy vai trò trung tâm một cách thực chất, ASEAN với tư cách là một cộng đồng cần phải góp phần làm rõ khái niệm "quân sự hóa" trên Biển Đông, nhằm đặt ra những giới hạn cho hành động của Trung Quốc trên vùng biển này.
Ngoài ra, ASEAN cần thúc đẩy các sáng kiến về minh bạch hàng hải, nhằm minh bạch hóa hoạt động của các bên ở Biển Đông, phục vụ cho mục đích bảo đảm hòa bình, an ninh trong khu vực.Là một thành viên của ASEAN và là quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam nên tích cực sử dụng và phát huy kênh này để nêu lên những quan ngại, lập luận của mình đối với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một hành động nữa mà ASEAN và Việt Nam có thể cùng thực hiện để ngăn chặn những tình huống tồi tệ có thể xảy ra ở Biển Đông là cùng phối hợp với các bên có liên quan triển khai đầy đủ DOC, thúc đẩy quá trình xây dựng và ký kết COC.
Trò chơi thách đố (game of chicken) là một mô hình giải quyết xung đột nổi tiếng trong lý thuyết trò chơi, được minh họa bằng hình ảnh hai chiếc xe đang lao vào nhau trên một cây cầu hẹp. Nguyên tắc của trò chơi là nếu cả hai tài xế đều không chịu đánh lái, điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Nếu một tài xế đã đánh lái, trong khi tài xế kia non gan và cũng đánh lái theo, tai nạn vẫn khó có thể tránh khỏi. Kịch bản lý tưởng nhất là một người giữ thẳng lái, còn một người bẻ lái tránh sang một bên. |
Trí Dũng