Ông Peter đến từ Ireland còn bà Sunny là người Mỹ. Một năm trước, họ tổ chức đám cưới tại New York.
Trước khi quen nhau, hai ông bà đều từng bị kết án tử hình oan cho tội danh sát hại cảnh sát. Nhà tù đã gặm nhấm phần lớn cuộc sống của hai người. Sunny ngồi tù 17 năm, còn Peter là 15 năm. Họ đều là nạn nhân của những phán quyết sai lầm, phải đối diện với cái án tử hình cho những tội danh chưa bao giờ tồn tại.
Peter và ý chí tự minh oan sắt đá
Peter là một trong những người cuối cùng ở Ireland bị tuyên án tử hình vào năm 1980. Hình phạt cao nhất này đã được bãi bỏ vào năm 1990.
Peter bị bắt năm 1980 sau khi hai cảnh sát, Henry Byrne và John Morley, bị bắn. Hai cảnh sát này đang trên đường truy đuổi ba tên cướp ngân hàng bịt mặt có vũ trang. Hai chiếc xe va chạm với nhau, các nghi phạm nổ súng khiến hai cảnh sát trên thiệt mạng. Những vụ việc như thế này tại Ireland luôn khiến dư luận phẫn nộ.
Sau vụ việc trên, Peter bị coi là nghi phạm. Tại phiên xử cuối cùng, Peter và ba nghi phạm khác bị tuyên án và chịu hình phạt tử hình. Luật sư của ông đã khóc khi nghe tòa tuyên án. Bên công tố giữ nguyên nhận định về tội danh của Peter, bởi một sợi len của chiếc áo mà ông mặc hôm bị bắt được phát hiện trên chiếc xe của các hung thủ. Trong một thông báo sau đó của cảnh sát, Peter đã tự nguyện gia nhập nhóm tội phạm trên.
Peter là người bị Garda, cơ quan điều tra Ireland, chú ý từ lâu, vì ông từng tham gia Lực lượng vũ trang cộng hòa Ireland (IRA), một tổ chức cực đoan, và từng bị bắt khi mới hơn 20 tuổi.
"Không gì có thể sánh nổi với những điều xảy ra tại nhà giam tử tù", Peter nhớ lại. Ông bị giam biệt lập 23 tiếng mỗi ngày trong hàng tháng trời. Gian xà lim chật chội, thiếu ánh sáng và chỉ có một cái bô nhựa thay cho nhà vệ sinh. Hàng ngày, ông phải nghe cai ngục nói về viễn cảnh bị treo cổ.
"Khi ở trong tù, tôi nhận ra rằng tôi vẫn là tôi. Họ không thể giam cầm tư tưởng, tâm hồn và trái tim tôi. Tôi tự hứa với lòng mình rằng sẽ sống trong tù theo cách đàng hoàng nhất có thể", Peter chia sẻ. "Nỗi sợ lớn nhất của tôi không phải là cái chết mà là chết khi nhân phẩm bị vẩn đục. Tôi không muốn mình cúi đầu trước cai ngục".
Tháng 6/1981, hai tuần trước ngày hành quyết, trưởng ngục nói với Peter, ông được giảm án từ tử hình xuống mức 40 năm tù. Như một phản ứng tự nhiên, Peter cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng ngay sau đó là nỗi tuyệt vọng. "Tôi không thể đối diện với án tù 40 năm mà không có cơ hội đấu tranh. Tôi nghĩ thà người ta giết tôi còn hơn. Nhưng niềm kiêu hãnh trong tôi không cho phép bản thân làm điều đó. Tôi sẽ sống để chứng minh mình vô tội", Peter nói.
Trong suốt thời gian thụ án, Peter lật lại từng ngóc ngách trong vụ án mà ông vướng phải. Một người bạn của ông in lại sách luật từ thư viện một trường đại học địa phương, gửi vào tù để ông nghiên cứu. Peter gửi đi tổng cộng 600 bức thư cho các luật sư, nhà báo, chính trị gia và giáo sĩ để cung cấp thông tin có thể biện hộ cho vụ án.
Vụ án oan của Peter chỉ đi đến hồi kết khi hai trong ba hung thủ của vụ án, Colm O'Shea và Patrick McCann, khẳng định ông không phải là thành viên của băng nhóm. Peter được trả tự do năm 1995.
Peter rất khó khăn sau khi ra tù. Ông không có tiền và thậm chí không thể tìm được một công việc. Những ngày đó, Peter cũng không nhận được một đề nghị bồi thường nào của chính phủ. Ông càng không thể kiếm được một luật sư cao cấp nào chịu theo đuổi vụ án đền bù với mình.
"Phải mất một thời gian dài tôi mới cảm thấy thoải mái với mọi người xung quanh. Người ta hỏi tôi về những gì đã xảy ra, nhưng tôi không muốn nói về điều đó. Họ cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong suốt 15 năm", Peter tâm sự. Chính Sunny là người thuyết phục Peter trải lòng mình và xuất bản cuốn hồi ký "About Time" (tạm dịch: Ngày ấy), chia sẻ những ký ức đau đớn trong tù.
Đức Dương (Theo Guardian)