Hơn một năm trước, cậu con trai ba tuổi của vợ chồng anh Phạm Minh Tuấn, quê Nam Định, phải nghỉ học vì dịch Covid-19. Bố là YouTuber, rảnh chút lại chúi đầu vào game. Mẹ bận chăm em gái tên Nấm mới sinh, cậu bé tên Thộn chỉ chơi một mình.
Thời điểm này anh Tuấn cũng liên tiếp gặp biến cố trong cuộc sống. Bán nhà ở Bình Dương đưa cả gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp nhưng rồi phá sản, người bạn thân nhất cũng bất ngờ mất vì tai nạn khiến người đàn ông 36 tuổi buồn bã. Mệt mỏi và chán nản, anh thường chơi game thâu đêm, hút thuốc, hay văng bậy. Cậu con trai nhìn bố học theo, có lần giơ tay mô phỏng hút thuốc, miệng chửi tục khiến Tuấn giật mình.
"Mình đã biến con thành kiểu người gì thế này?", anh đặt câu hỏi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, người bố nhận ra bản thân phải thay đổi để dành thời gian cho con.
Tuấn bắt đầu đọc sách báo, lên các diễn đàn nuôi dạy con học kinh nghiệm. Người đàn ông bắt đầu giảm bớt công việc để quay sang dạy con. Khác với phương pháp truyền thống, Tuấn dạy Thộn theo kiểu ngẫu nhiên, gặp gì học nấy. Ở ngoài đường, con sẽ được dạy về cây cối, về chiếc lá. Đi chợ sẽ học về những vật dụng được bày bán ngoài đó. Mỗi ngày thêm vài từ mới, dần dần Thộn đọc được tiếng Việt mà không phải học ghép vần như những bạn nhỏ khác. Đến 4 tuổi, cậu bé đã đọc thông viết thạo.
Tìm hiểu thêm, Tuấn và vợ nhận ra cách dạy con của mình khá giống với phương pháp giáo dục Unschooling - một xu hướng đã âm thầm phát triển ở nhiều quốc gia. Theo đó, trẻ không học theo giáo trình, thích gì học nấy, tò mò điều gì thì tìm hiểu cái đó. "Chương trình này phù hợp với Thộn, bởi được gần gũi bố mẹ nhiều, cháu không thích đến trường nữa", ông bố giải thích
Để theo đuổi phương pháp giáo dục này, một năm trước gia đình 4 người chuyển từ Sài Gòn đến Vũng Tàu. Họ ở trong một căn nhà đi mượn trên núi, bao quanh toàn cây cối, phía dưới là bãi biển trải dài. Cả nhà sống theo lối tối giản, rau tự trồng, ăn cá ghẹ ở biển, sống gần gũi với thiên nhiên.
Tại nơi ở mới, lên rừng xuống biển là việc làm hàng ngày. Dù "về rừng" nhưng gia đình thường bỏ trống nhà 3-4 ngày để rong ruổi trên hai chiếc xe đạp, ngao du khắp nơi. Với những chuyến đi ngắn ngày, Thộn và Nấm được bố mẹ dạy những thứ thuộc về thiên nhiên, hướng dẫn con tìm những loại rau dại có thể ăn, kỹ năng sinh tồn trong môi trường rừng núi khi đêm tối. Hai anh em được bố cho xuống hồ mò trai bắt ốc làm thức ăn hay làm toán với những trái cây trong vườn...
Là người học mỹ thuật, Tuấn chỉ cho con màu sắc biến thiên của chiếc lá vào 4 mùa trong năm hay màu của bầu trời thay đổi trong ngày. "Con đừng nghĩ chiếc lá chỉ có màu xanh. Nó có thể có bất kỳ màu nào tùy vào thời tiết và sắc thái thiên nhiên", Tuấn dạy cậu bé Thộn. Từ bài học của bố, Thộn biết dùng trí tưởng tượng của mình để vẽ tranh với những màu sắc riêng biệt. Không chỉ cảm thụ màu sắc, cậu bé 4 tuổi vẽ ra những thứ được trực tiếp nhìn thấy, bằng cảm xúc của chính mình.
"Trẻ con ít có cơ hội làm những gì mình muốn bởi bị người lớn đặt giới hạn. Lâu dần, khả năng sáng tạo của chúng bị thui chột dần đi", chị Bùi Thị Thúy, 33 tuổi, mẹ của Thộn và Nấm, cũng từng là cô giáo mầm non chia sẻ.
Thúy nhớ lần hai mẹ con phải đi qua một chiếc cầu khỉ. Thấy cầu tre chênh vênh, người mẹ chậm chạp bước qua. Đến lượt Thộn, vài chục giây sau đã sang được bên kia cầu nhanh gọn. "Việc dạy con cũng là cách để bố mẹ học hỏi cho chính mình. Trước đây tôi có nhiều nỗi sợ, nhưng khi đã vượt qua được thì thấy không gì quá ghê gớm", Thúy nói.
Coi con cái là bạn, bố mẹ chỉ là người hướng dẫn, hai vợ chồng làm gì cũng để trẻ làm cùng. Bởi được khuyến khích, 4 tuổi Thộn đã biết tự tắm rửa, đánh răng rửa mặt, giặt quần áo bằng tay. Cậu bé biết nấu cơm, luộc rau, rán trứng, rán cá thành thạo, dù ở núi phải đun bếp củi. Nấm, em gái Thộn, mới bước sang tuổi thứ 2 nhưng cô bé cũng biết giặt quần áo bằng quả bồ hòn, tự xúc cơm, mặc quần áo không cần ai giúp đỡ.
Một tháng trước, cả gia đình trả nhà ở Vũng Tàu, quyết định sống du mục, bởi "Nấm đã đủ sức khỏe đi đường dài". Đồ đạc họ mang theo là hai chiếc xe đạp và một xe kéo nhỏ chở đồ, kèm theo các dụng cụ thiết yếu như tấm pin năng lượng mặt trời, lều trại, đèn pin, xoong nồi cũng như sách vở cho hai con. Đến tối, gia đình sẽ dựng lều nghỉ ngơi, sáng hôm sau lại bắt đầu hành trình mới. Để duy trì cuộc sống, Tuấn vẫn làm việc online. Mỗi tháng kiếm thêm 3-5 triệu đồng, với anh thế là đủ trang trải cuộc sống.
Hành trình của gia đình không có đích đến, nơi họ dừng chân là những nông trại được bạn bè giới thiệu hay địa điểm đẹp thấy bên đường. Hơn một tháng cả gia đình 4 người đã di chuyển được 200 km và hiện đang có mặt ở huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng.
Khác với những chuyến đi ngắn ngày trước đây, chuyến đi lần này, Thộn và Nấm được học thêm kỹ năng khi gặp nhiều người lạ, được trải nghiệm nuôi dâu tằm, cách ong làm mật tại những nơi xa mà chúng chưa từng ghé qua. Hai đứa trẻ mặc sức vui chơi với gió trời, với mưa sa, với bạn bè đủ lứa tuổi gặp trên đường. Chúng cũng cảm nhận được tình cảm của những người xa lạ cho thức ăn, nước uống thậm chí cho ngủ nhờ mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. "Đây là cách giúp bọn trẻ học được cách vượt qua khó khăn, gắn kết gia đình và va chạm xã hội nhiều hơn", ông bố trẻ nói.
Bởi vậy dù nhận nhiều chỉ trích về cách nuôi dạy con có phần hoang dã nhưng hai vợ chồng không bận tâm. Họ cho hay, con người không chỉ học kiến thức trong sách vở, mà còn vô vàn thứ khác cần có như tình yêu gia đình, đạo đức, nghị lực...
Chị Phan Thị Mộng Tú, một người bạn thân thiết của gia đình Tuấn cho hay, chị luôn ủng hộ cách dạy con của ông bố hai con này. "Cách sống tự nhiên của con Tuấn ngày hôm nay giống với tuổi thơ tôi trước đây. Nên nhìn thấy các con sinh hoạt như vậy, tôi vô cùng thích thú". Người phụ nữ này cho biết, bởi có tuổi thơ như vậy, nên khi trưởng thành chị có thể sống tốt ở mọi môi trường. Tuy vậy chị Tú vẫn muốn khuyên người bạn của mình cho các bé đi học để hòa nhập với trường với đời.
Về lời khuyên của bạn, Tuấn nói rằng nếu Thộn và Nấm sau này muốn chọn cuộc sống trường học thì anh cũng đáp ứng, bởi đó là quyết định của con. Còn thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa biết khi nào chuyến đi của gia đình mới kết thúc, bởi cả bốn người vẫn vẹn nguyên sự háo hức muốn khám phá cuộc sống xung quanh.
"Chúng tôi là 4 người lớn. Dù làm gì mỗi người cũng tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Vì thế dù ở đâu mọi chuyện cũng luôn ổn", Tuấn khẳng định.
Hải Hiền