Trang, ở Hà Nội, tăng 4 kg chỉ trong một tháng qua, tích nhiều mỡ bụng. Chị ăn vặt gấp ba ngày thường, không tập thể dục, ăn uống đảo lộn. Bữa ăn trong ngày Tết chỉ toàn bánh chưng, thịt gà luộc, xôi, rồi phải "xử lý" nốt đồ ăn thừa vì tiếc, không nỡ bỏ. Ba ngày Tết xong, chị quyết định nhịn ăn, bỏ toàn bộ thịt, chỉ uống nước và ăn một ít hoa quả buổi trưa để giảm cân cấp tốc.
Ngày đầu tiên nhịn ăn, chị đói, không thể tập trung làm việc, uống nước cầm hơi. Ngày thứ hai, chị căng thẳng, mệt mỏi, chóng mặt vì tụt huyết áp, hạ đường huyết. Chị đành quay lại chế độ ăn bình thường, chỉ cắt giảm tinh bột, đồ ngọt, không còn nghĩ đến việc giảm cân nữa.
Còn Lan, 22 tuổi, chỉ ăn rau, hoa quả, đồ luộc suốt một tuần Tết nhưng tăng cân. Hai ngày nay, cô nhịn ăn gián đoạn, bỏ tinh bột, giảm được nửa kg, song cứ nửa đêm là đau quặn bụng, ngủ không thẳng giấc.
Cô đeo nịt bụng để siết eo, giảm mỡ nhưng không hiệu quả lại bị đau nhức hai bên sườn, khó vận động. Sợ ảnh hưởng đến xương, cô bỏ đai rồi lên mạng tìm kiếm phương pháp giảm cân khoa học hơn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho rằng sau Tết mọi người tìm mọi cách giảm cân là tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên, cưỡng ép giảm cân vừa phản khoa học vừa nguy hại sức khỏe, dễ tăng cân trở lại.
Một chế độ dinh dưỡng đúng và đầy đủ bao gồm đạm, béo, bột đường, rau, trái cây, sữa và các thực phẩm làm từ sữa. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho tổng năng lượng trong ngày của một người bao gồm 45-65% carbonhydrate, 20-35% lipid, 10-15% protein cùng với các vitamin, chất khoáng khác. Nếu áp dụng chế độ ăn uống, giảm cân thiếu khoa học có thể dẫn đến hậu quả tức thời như mệt mỏi, hạ đường huyết, ngất xỉu, lâu dài gây thiếu vitamin, khoáng chất thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Theo Insider, khi thiếu ăn, cơ thể sẽ trải qua "giai đoạn đói" vì không còn đủ lượng calo cần thiết để cung cấp năng lượng cho các cơ quan. Thiếu calo, cơ thể buộc phải tìm nguyên liệu từ các nguồn khác. Đầu tiên, cơ thể hấp thụ bất kỳ lượng glucose nào còn sót lại. Trong vài giờ đầu, cơ thể lấy glucose trong máu, còn gọi là đường huyết. Sau đó, cơ thể tìm đến glycogen - glucose trong gan. Lượng glucose này sẽ cạn kiệt sau 24 giờ. Nếu cơ thể hấp thụ ít hơn 800 đến 1.000 calo mỗi ngày, quá trình trao đổi chất bị chậm lại. Như vậy, cơ thể đốt cháy ít calo, việc giảm cân khó khăn hơn.
Một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia về vấn đề tuyệt thực cho thấy nếu chỉ được uống nước, người tuyệt thực có thể trụ được 28 đến 38 ngày. Trong những trường hợp khác, người tuyệt thực sẽ chết sau khoảng 45 đến 61 ngày.
Phụ nữ có thể nhịn đói lâu hơn nam giới và tồn tại được ở mức BMI thấp hơn. Nguyên nhân là phụ nữ có tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn, có thể sử dụng chất béo thay vì vùng cơ để lấy năng lượng trong thời gian đói.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo nhịn ăn, bỏ bữa hay cố nôn thức ăn đều là cách giảm cân nguy hiểm và phản khoa học. Chẳng hạn, nôn thường xuyên sẽ gây mất nước và sưng tuyến nước bọt, thiếu hụt dinh dưỡng, năng lượng, dẫn đến suy kiệt, mệt mỏi. Chưa kể, axit từ dạ dày trào ngược lên có thể gây hại thực quản, dạ dày, mất dinh dưỡng, mất dịch tiêu hóa. Nôn ra hết thức ăn còn gây cảm giác thèm ăn, khiến cơn đói đến nhanh hơn, muốn ăn nhiều hơn. Khi cơ thể mệt mỏi, bạn có xu hướng ăn uống trở lại, dẫn đến béo hơn lúc ban đầu. Những người có tiền sử mắc bệnh dạ dày, tiêu hóa, càng nguy hiểm.
Để giảm cân, bạn có thể áp dụng một số chế độ ăn an toàn như "Eat clean" (ăn sạch), giúp tiêu thụ nhiều thực phẩm nguyên chất hơn như trái cây, rau, các loại thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh...Ngoài ra, người ăn cần hạn chế các thức ăn nhanh, thực phẩm đã qua chế biến, đồ ngọt và thực phẩm đóng gói khác.
Quy tắc lòng bàn tay được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra để ước lượng tương đối khẩu phần ăn của mỗi người trong một ngày. Người trưởng thành với bàn tay to hơn, cần khẩu phần lớn hơn và ngược lại với trẻ nhỏ. Hay nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu thụ thức ăn hoàn toàn, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt lượng calo dung nạp. Hình thức nhịn ăn gián đoạn thường là hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại).
Huấn luyện viên Đinh Thị Bích, hệ thống phòng tập Trends Kick Fitness, cho biết để giảm cân thì lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn hoặc bằng lượng calo tiêu thụ. Calo nạp vào cơ thể (calo in) một ngày gồm thức ăn, đồ uống. Calo tiêu thụ (calo out) là quá trình trao đổi chất, các hoạt động thông thường (kể cả hít thở hoặc ngủ) và việc tập thể dục.
"Do đó, bạn cần kết hợp cả dinh dưỡng và tập luyện, tuyệt đối không nhịn ăn", huấn luyện viên nói.
Sau Tết, mọi người giảm cân nên ăn nhiều chất xơ, ít năng lượng để đủ no (rau, trái cây ít ngọt, cá, đậu phụ...). Hạn chế thức ăn nhiều năng lượng như mỡ, món chiên, quay, xào, thịt mỡ, đồ ngọt. Uống thêm nước chanh, cam giàu vitamin C, cân bằng lượng kiềm và độ PH, tăng cường hệ miễn dịch, giúp gan khỏe mạnh và làn da săn chắc mịn màng. Ngoài ra, các loại trái cây họ cam, quýt... giúp gan sản xuất các enzyme giải độc, loại bỏ các chất ô nhiễm.
Ngoài ra, mỗi người chỉ nên giảm khoảng 1,5 đến hai kg trong một tháng. Không quá lo lắng hay ám ảnh cân nặng gây hại sức khỏe thể chất và tinh thần. Duy trì tập luyện để giảm cân an toàn như boxing, chạy bộ, đạp xe hoặc các môn thư giãn như yoga, thiền.
*Tên nhân vật thay đổi
Thùy An