Trên công trường chống ngập Ngã 3 Cống, TP Thủ Dầu Một giữa cái nắng oi ả tháng cuối năm, nhóm công nhân miệt mài điều khiển xe múc, đổ hồ, xây cống. Đây là một trong những công trình chống ngập trọng điểm của tỉnh nhằm giải quyết "rốn ngập" ở trung tâm TP Thủ Dầu Một trên đường Thích Quảng Đức và Phan Đình Giót.
Theo đại diện nhà thầu, tranh thủ không mưa ngập, đơn vị huy động hàng chục công nhân cấp tập thi công. "Chúng tôi cũng sử dụng máy móc để sớm hoàn thiện các công đoạn còn dang dở để kịp đưa dự án về đích", nam kỹ sư trưởng ở công trường nói.
![Công nhân thi công dự án chống ngập Ngã 3 Cống ngày 3/12. Ảnh: Phước Tuấn](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/12/04/6T1A9048-JPG-2775-1733308041.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WV4snAlOjO5evVeuSnvf9A)
Công nhân thi công dự án chống ngập Ngã 3 Cống ngày 3/12. Ảnh: Phước Tuấn
Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) cho biết, dự án chống ngập Ngã ba Cống có 2 tuyến kênh thoát nước với tổng chiều dài 795,63 m. Trong đó tuyến kênh phía sau nhà hàng Thắng Lợi dài 370 m; đoạn rạch Thầy Năng (từ cống Thích Quảng Đức đến cầu Bà Hên) dài 425,63m; tổng vốn đầu tư công trình trên 172 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, công trình đã xây dựng hoàn thành hai cống qua đường (Bà Hên và cống Thích Quảng Đức), hoàn thành kênh hộp (2x2m) từ phía sau nhà hàng Thắng Lợi đấu nối vào cống Thích Quảng Đức dài 370 m; hoàn thành 285 m kênh chính rạch Thầy Năng trên chiều dài thiết kế là 325 m. Còn lại khoảng 55 m kênh rạch Thầy Năng, gồm 35 m phía bờ phải còn vướng một hộ dân chưa giải tỏa khiến tiến độ dự án ảnh hưởng.
"Đến nay, dự án đã thực hiện khoảng 85%, dự kiến đầu quý 1/2015 sẽ hoàn thành. Khi đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo tiêu thoát nước cho lưu vực rộng trên 435 ha, giải quyết dứt điểm việc ngập mỗi khi mưa lớn trên địa bàn TP Thủ Dầu Một", ông Sơn nói.
![Dự án chống ngập Ngã 3 Cống đã hoàn thành chừng 85%. Ảnh: Phước Tuấn](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/12/04/6T1A8997-JPG-7981-1733308041.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=88g4lXa6V__it1mVaxOYLA)
Dự án chống ngập Ngã 3 Cống đã hoàn thành chừng 85%. Ảnh: Phước Tuấn
Trong khi đó, Dự án nạo vét và gia cố suối Cái với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng được xem là đại công trình thoát nước của Bình Dương. Đây là dự án không chỉ giúp bảo vệ sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần cải thiện hệ thống thoát nước cho nhiều đô thị Bình Dương như Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An...
Suối Cái dài hơn 31 km, bắt nguồn từ khe suối sau cống D700 và chảy ra sông Đồng Nai. Hơn 10 năm trước, con suối vốn là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho các cánh đồng, vườn cây của những vùng quê trù phú Bình Dương. Suối Cái còn đóng vai trò quan trọng điều hòa lượng nước mưa, giảm nguy cơ ngập úng trong mùa mưa, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến nhiều khu vực thường xuyên ngập úng, suối Cái không còn thoát nước kịp cho lượng nước mưa lớn đổ xuống cùng lúc. Tình trạng sạt lở bờ suối và thu hẹp lòng suối khiến khu vực ven suối Cái thường xuyên ngập úng vào mùa mưa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp và đời sống người dân.
Theo chủ đầu tư, dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai có tổng chiều dài 18,95 km; đi qua các phường Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Hiệp, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, và Thạnh Phước (TP.Tân Uyên). Khi dự án hoàn thành, lưu vực tiêu thoát nước khoảng 22.503 ha. Trong đó có 3.181 ha các khu, cụm công nghiệp, 19.322ha khu dân cư và đất nông nghiệp, cùng với xây dựng 37,4 km đường giao thông cấp khu vực.
Dự án bao gồm 10 gói thầu xây lắp, trong đó 2 gói thầu (2A và 2B) đã được triển khai từ tháng 1/2024, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2025. Đến nay, gói thầu 2A đạt 37% khối lượng; gói thầu 2B đạt 21% khối lượng.
Một số dự án lớn khác là xây dựng cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm ở TP Thuận An, đến nay, dự án hoàn thành 95% khối lượng công việc. Dự án chống ngập ở suối Siệp, TP Dĩ An cũng đang đẩy nhanh tiến độ sau dự cố nước cuốn trôi một nữ tài xế.
![Dự án cải tạo nẹo vét suối Cái qua TP Tân Uyên. Ảnh: Phước Tuấn](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/12/04/1d5b64cadee564bb3df4-1938-1733308042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uXNb1pmsxCtxc3EDuDiRFQ)
Dự án cải tạo nạo vét suối Cái qua TP Tân Uyên. Ảnh: Phước Tuấn
Bình Dương hiện là một trong những tỉnh đô thị hóa nhanh nhất cả nước khi trong 15 năm qua, từ một tỉnh lấy thị xã Thủ Dầu Một làm trung tâm thì đến nay toàn tỉnh đã có 5 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát với tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%, cao gần gấp đôi mức trung bình cả nước (42-43%).
Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống thoát nước. Sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và đô thị khiến hệ thống thoát nước hiện tại chưa đáp ứng kịp trong điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, địa phương đang từng bước khắc phục tình trạng ngập úng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của Bình Dương, 16 dự án với mục tiêu giải quyết các điểm ngập trên địa bàn tỉnh.
Chống ngập và ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của Bình Dương trong quá trình phát triển bền vững. Trong tương lai, với sự đầu tư vào hạ tầng và công nghệ thông minh cùng chuyển đổi kinh tế xanh và sản xuất xanh, Bình Dương kỳ vọng giải quyết triệt để bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tạo môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Phước Tuấn