Ông Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11, cho biết trong tuần tới sẽ ôn lại các bài đã dạy online khi học sinh nghỉ học phòng dịch bệnh. Bởi học online là giải pháp tình thế, không hiệu quả bằng việc học tập trung. Chưa kể, một số em vắng mặt do thiếu thiết bị hoặc nhiều em có thể chỉ đăng nhập vào lớp nhưng làm việc riêng.
Năm nay, thầy Phương dạy cả ba khối 10, 11, 12, mỗi khối 2 lớp. Theo phân phối chương trình, mỗi lớp sẽ có 2 tiết Vật lý trong tuần. Do đặc thù trường dạy hai buổi mỗi ngày nên giáo viên sẽ có thêm 2 tiết buổi thứ hai. "Như vậy thời gian để dạy bổ sung kiến thức, phụ đạo cho học sinh yếu là khá thoải mái. Tất nhiên là phải dạy lại toàn bộ bài giảng online, mà chỉ củng cố lại những vấn đề chính, thời gian có thể rút gọn một nửa", thầy Phương nói.
Cùng quan điểm học online chưa hiệu quả, khó kiểm soát việc học của học sinh, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Toán trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng lên kế hoạch dạy bổ sung cho học sinh. Trong hơn 2 tuần nghỉ phòng dịch trước và sau Tết, thầy dạy trực tuyến qua ứng dụng K12Online kết hợp với Zoom và Zalo. Trong tháng 3 tới, ngoài 4 tiết học chính khoá, giáo viên Toán còn có thêm 4 tiết ở buổi hai nên dễ dàng sắp xếp các buổi học bù. "Thời gian khá thoải mái nhưng thầy trò vẫn phải tăng tốc để kịp chương trình, nhất là học sinh khối 12", anh chia sẻ.
Hàng loạt trường THPT như Ten Lơ Man, Trưng Vương (quận 1), Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Du (quận 10)... cũng chuẩn bị lịch củng cố kiến thức cho học sinh ngày đầu học lại sau Tết.
Tại trường THPT Lương Thế Vinh, Ban giám hiệu điều chỉnh hoạt động, dạy học của nhà trường phù hợp với tình hình thực tế. Trường rà soát mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng mà học sinh đã học trực tuyến, tổ chức phụ đạo từ ngày 1/3 (tuần thực học 26) củng cố cho học sinh yếu kém hoặc không có điều kiện học online. Ngoài ra, trường vẫn duy trì cho học sinh học qua phần mềm trực tuyến để tạo thói quen tự học. Một tuần sau đó, các em làm bài kiểm tra tập trung các môn Toán, Lý, Hoá, Văn, tiếng Anh.
Với giáo viên môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá ở các trường học hai buổi mỗi ngày, thời gian buổi hai khá dư dả để củng cố kiến thức bị hụt trong thời gian học online. Nhưng với các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân, thời gian ít hơn vì không có tiết buổi hai. Do đó, thay vì dạy theo đơn vị bài học, nhiều thầy cô sắp xếp theo nhóm chủ đề.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cho biết trong tháng 2 mỗi lớp phải học trực tuyến 2 tiết Sử với các bài học mới. Bởi khó kiểm soát lớp học trực tuyến nên giáo viên cũng không thể đánh giá ngay học sinh mà phải ôn tập lại.
Với học sinh lớp 12 chọn tổ hợp Khoa học xã hội thi tốt nghiệp THPT và xét vào đại học, khoảng thời gian tới rất quan trọng, phải tăng tốc để nắm vững kiến thức. "Chúng tôi không dạy theo bài mà sắp xếp thành các chuyên đề, lược bỏ những phần không quan trọng để các em nắm kiến thức trọng tâm. Các bài kiểm tra định kỳ vẫn được tổ chức theo hình thức làm dự án nhưng phải thay đổi cách làm cho phù hợp với bối cảnh dịch bệnh", thầy Du nói.
Ở khối THCS, thầy Trần Văn Minh, Hiệu phó trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận 6) sẽ ôn tập lại các bài đã dạy trực tuyến cho hơn 810 học sinh. Do đặc thù là trường nội trú, ngoài hai buổi một ngày nên các môn đều được tăng tiết. Ban ngày học sinh được học bài mới và ôn lại bài cũ, buổi tối sẽ luyện giải bài tập. "Nếu tình dịch bệnh ổn định từ nay đến cuối năm thì việc hoàn thành chương trình sẽ thuận lợi, đảm bảo cho các em không bị hổng kiến thức", thầy Minh nói.
Ở tiểu học, với chủ trương không gây áp lực cho học sinh, thầy Ủ Thiện Phước, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Định (quận 6) cho biết những tuần nghỉ học trước đó giáo viên giao bài cho học sinh qua Zalo, thu bài và đánh giá, nhận xét. Đầu tuần tới, giáo viên sẽ hướng dẫn lại các em toàn bộ bài học Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Những em nào yếu, không theo kịp chương trình, nhà trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng riêng.
"Với học sinh khối 1, giáo viên tuân thủ theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, dạy theo phân hoá trình độ", thầy Phước .
Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hầu hết trường ở thành phố đều triển khai đa dạng hình thức dạy học trên Internet. Khoảng 80% học sinh tham gia các lớp học trực tuyến, trong đó khối 12 đạt 96%. Khối lớp 1 và 2 gặp nhiều khó khăn nhất bởi học sinh còn nhỏ, đa số trường dùng phiếu giao bài tập, kết hợp các đoạn video bài giảng. Trẻ mầm non được hướng dẫn nhiều kỹ năng sống, vui chơi, sinh hoạt bằng các đoạn phim ngắn do thầy cô thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhìn nhận chất lượng tiếp thu bài học qua Internet ở từng trường, lớp có sự chênh lệch bởi nhiều yếu tố khách quan. Do đó, giáo viên có trách nhiệm rà soát lại việc học trực tuyến của từng em, đưa ra biện pháp dạy bổ sung cho phù hợp.
"Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên không bị ràng buộc thời gian phải hoàn thành bài học mà có thể chủ động xây dựng, đảm bảo được mục tiêu chung. Thầy cô có thể dừng lại một ít thời gian để dạy lại cho các em, miễn không ảnh hưởng tới tiến độ cuối năm", ông Hiếu nói.
Các trường, tổ chuyên môn được yêu cầu điều chỉnh kế hoạch dạy học, tuỳ điều kiện từng nơi. Riêng lớp 1, giáo viên phải chia các mốc năng lực cần đạt được thành cách chặng nhỏ, có kế hoạch riêng cho từng nhóm học sinh. "Ở cấp tiểu học, chúng tôi mong phụ huynh cùng hỗ trợ nhà trường, quan tâm nhiều hơn đến học sinh bởi các em còn nhỏ, chưa có thói quen tự học", ông Hiếu nói.
Hơn 1,74 triệu học sinh toàn thành phố sẽ học tập trung từ ngày 1/3, sau gần một tháng nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ phòng chống dịch. Hiện các trường đã tổng vệ sinh khuôn viên, lớp học, chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.