- Điểm cốt lõi trong chỉ thị thúc đẩy làn sóng đầu tư nước ngoài mà Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng là gì, thưa ông?
- Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là đầu mối soạn thảo chỉ thị mà Chính phủ giao. Theo chúng tôi, điểm cốt yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi đón làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam bắt nguồn từ nội tại môi trường đầu tư và kinh doanh. Chúng ta cần cố gắng xây dựng môi trường hoàn toàn thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với luật pháp, chính sách của Việt Nam và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Dự thảo sắp tới sẽ cố gắng chỉ ra những bất cập hiện nay trong việc thu hút FDI. Từ những bất cập đó sẽ chỉ ra những công việc cần làm, bộ ngành nào cần tiến hành những công việc gì liên quan để xoá bỏ bất cập, rào cản trong thu hút đầu tư.
- Những bất cập đó phải chăng là sự xé rào thu hút đầu tư ở các địa phương?
- Xé rào chưa phải là vấn đề quá lớn trong bối cảnh hiện nay. Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục phân cấp sâu rộng hơn, lớn hơn cho các địa phương trong việc quản lý cũng như cấp phép các dự án FDI.
Cái cơ bản vẫn là nội tại môi trường đầu tư của Việt Nam. Chúng ta phải nhìn ra những bất cập, rào cản mà chính chúng ta tạo ra, do nhiều nguyên nhân. Trong đó có khiếm khuyết về hệ thống tổ chức bộ máy, khiếm khuyết về hoàn thiện hệ thống chính sách, cũng như khiếm khuyết trong điều hành và quản lý các doanh nghiệp hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng. Những khiếm khuyết đó cần sớm nhìn ra và khắc phục.
- Với các khiếm khuyết đó, nên bắt đầu bằng biện pháp nào để khắc phục hiệu quả nhất, thay vì chỉ kêu gọi, hô hào chung chung?
- Phải bắt đầu bằng những việc cụ thể. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xem những gì đang là rào cản? Hải quan, thuế hay quản lý của chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng? Hoặc khả năng cung ứng hạ tầng cơ sở như điện nước? Vướng mắc thủ tục hành chính, ví dụ tiếp nhận xem xét cấp phép đầu tư hay hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh?
Phải chỉ những khiếm khuyết cụ thể như vậy, giúp chúng ta nhìn rõ mình và xoá bỏ từng bước các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư, chứ không kêu gọi chung chung.
- Liên quan tới chủ trương tăng cường phân cấp về địa phương, nhiều ý kiến cho rằng địa phương không thể quản nổi những dự án lớn và có nguy cơ để xảy ra những việc vượt tầm quản lý như vụ chuyển nhượng dự án Rusalka ở Khánh Hoà. Ông nghĩ sao?
- Việc nào cũng vậy, ban đầu bao giờ cũng khó khăn do thiếu kinh nghiệm ở lĩnh vực mới. Nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng với cách điều hành mới, kèm theo việc đẩy mạnh phân cấp ở địa phương, Chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ cho chủ trương đó thực hiện thắng lợi. Công việc phải làm trước mắt là tập huấn cho đội ngũ cán bộ địa phương hiểu rõ hơn vai trò của mình, về hệ thống chính sách cũng như việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở địa phương. Ngoài ra, cũng rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương trong giai đoạn đầu. Vạn sự khởi đầu nan. Với chính sách đồng bộ của Chính phủ, việc đẩy mạnh phân cấp sẽ thành công.
- Nhiều người đang nói tới làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam. Theo ông, tín hiệu khả quan đó bắt nguồn từ đâu, do sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư thế giới hay do môi trường chính sách của Việt Nam?
- Chính sách mở cửa và sự cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong cải cách kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cấp cơ sở hạ tầng là yếu tố quyết định thu hút đầu tư nước ngoài.
Kết quả 7 tháng qua trong thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy chúng ta vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá. Theo chúng tôi, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong hoàn thiện hệ thống luật pháp, quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có để họ triển khai sản xuất kinh doanh và sớm thành công ở Việt Nam. Đồng thời, cũng cần luôn đẩy mạnh công cuộc cải cách hướng tới tương lai, đưa ra những định hướng lớn để hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư.
S.L. ghi