Biên đội Tu-95 và Su-35 bị Mỹ cáo buộc bay vào ADIZ Alaska
Hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và hai tiêm kích Su-35 của Nga ngày 3/5 tiến gần Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) Alaska, Mỹ. Không quân Mỹ điều hai máy bay tàng hình F-22 tới giám sát đường bay và ngăn chặn biên đội máy bay Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên oanh tạc cơ Nga bay vào ADIZ Alaska, cũng không phải là lần đầu tiên họ gặp tiêm kích Mỹ. Không quân Mỹ luôn xuất kích kịp thời để ngăn chặn oanh tạc cơ Nga nhờ chiến thuật hiệp đồng được NORAD áp dụng, theo Aviationist.
Chuyên gia quân sự Alessandro Olivares cho rằng lực lượng phản ứng nhanh (QRA) của NORAD gồm tiêm kích F-22 và máy bay cảnh báo sớm (AWACS) E-3 Sentry.
Việc áp dụng chiến thuật xuất kích hiệp đồng giữa E-3 và F-22 được xem là giải pháp giúp mở rộng phạm vi bao phủ của radar, đồng thời phát hiện sự hiện diện tiêm kích hộ tống oanh tạc cơ Nga nếu có.
Với các cảm biến tầm xa của mình, máy bay E-3 cho phép F-22 tăng khả năng nhận diện mục tiêu dù tiêm kích tàng hình này không cần sử dụng hết công suất radar, nhằm tối đa hóa khả năng tàng hình và bảo đảm bí mật về tính năng cho loại tiêm kích này trước người Nga.
Oanh tạc cơ Nga bay vào ADIZ Alaska khá thường xuyên, nhưng chúng thường không được tiêm kích hộ tống. Vụ việc hôm 3/5 là lần đầu tiên các máy bay Tu-95MS bay kèm với tiêm kích Su-35 kể từ năm 2014. Ngoài ra, còn có khả năng chiếc Tu-95 được triển khai song song với phi cơ do thám khác ở gần đó, nhằm do thám tín hiệu điện tử phát ra từ tiêm kích F-22.
Theo Olivares, sự kết hợp giữa F-22 và E-3 là phương thức hiệu quả để đối phó với các biên đội máy bay Nga xuất hiện bất ngờ, trong khi vẫn có thể bảo mật các tính năng tối tân trên tiêm kích tàng hình F-22.
Duy Sơn